Quân đội Nga hiện là lực lượng có tính cơ động cao, có khả năng chiến đấu hiệu quả ở những khu vực xa xôi trên thế giới.
Theo Sputnik, tại một cuộc họp mở rộng của Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia Nga gần đây, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu khẳng định, tất cả đơn vị quân đội của lực lượng vũ trang (LLVT) Nga hiện nay luôn sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), trong khi trước đây, trạng thái này không hoàn toàn được duy trì thường xuyên.
"Vào năm 2012, chỉ có 16 đơn vị luôn ở trạng thái SSCĐ. Các lữ đoàn được thiết lập thay vì sư đoàn. Không có khả năng huy động lực lượng vào trạng thái SSCĐ trong vòng một giờ", người đứng đầu Bộ Quốc phòng Nga nói.
Ông Sergei Shoigu cho biết: "Trong năm 2012, việc sử dụng LLVT ở một vùng xa xôi là điều không thể. Không có đủ nhân lực để chiến đấu và không đủ vũ khí. Vào thời điểm đó, việc huấn luyện lực lượng thực hiện các hoạt động tác chiến được tiến hành với cường độ thấp".
Để lý giải cho tình trạng trên, ông giải thích, việc giải thể Tổng cục Huấn luyện Chiến đấu của Quân đội Nga vào năm 2010 đã làm ảnh hưởng đến sự lãnh đạo thống nhất trong quá trình huấn luyện chiến đấu.
Trong những năm gần đây, các nước trên thế giới dành nhiều sự quan tâm hơn đến Bắc Cực, khi hiện tượng Trái Đất ấm lên khiến băng ở Bắc Cực tan nhanh hơn, tạo điều kiện khai thác những nguồn tài nguyên dưới biển.
Chính vì vậy, Nga đã coi việc tăng cường sự hiện diện tại Bắc Cực là một trong những ưu tiên hàng đầu nhằm bảo vệ lợi ích của quốc gia ở vùng đất lạnh giá này.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu, Nga đã xây dựng hơn 475 cơ sở hạ tầng quân sự với tổng diện tích hơn 710.000km2 ở khu vực Bắc Cực trong 6 năm qua.
Bên cạnh đó, để tăng cường bảo vệ an ninh quốc gia, trước năm 2019, Quân đội Nga cũng đã thiết lập một mạng lưới radar tại khắp khu vực biên giới để chống lại cuộc tấn công của các tên lửa đạn đạo từ mọi hướng.
Với nỗ lực HĐHQĐ, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ban hành một sắc lệnh vào năm 2012. Theo đó, Bộ Quốc phòng Nga đã xây dựng kế hoạch trang bị vũ khí cho LLVT từ năm 2012-2020.
Để duy trì sức mạnh răn đe hạt nhân, Bộ Quốc phòng Nga đặc biệt chú trọng đến việc nâng cấp "bộ ba hạt nhân", bao gồm: Tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) phóng từ mặt đất, máy bay ném bom chiến lược và tàu ngầm hạt nhân.
Do đó, trong 6 năm qua, LLVT Nga đã nhận được 109 ICBM Yars, 108 tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm, 3 tàu ngầm mang tên lửa chiến lược lớp Borey, 57 thiết bị vũ trụ, 7 tàu ngầm mới, hơn 3.700 xe tăng mới và nâng cấp, hơn 1.000 máy bay các loại và 161 tàu mặt nước.
Chương trình HĐHQĐ đã tạo điều kiện cung cấp ICBM Yars cho 12 trung đoàn tên lửa; tổ hợp tên lửa Iskander cho 10 lữ đoàn; máy bay chiến đấu MiG-31BM, Su-35S, Su-30SM và Su-34 cho 13 trung đoàn không quân; trực thăng Ka-52 và Mi-28 cho 3 lữ đoàn không quân và 6 trung đoàn trực thăng; tổ hợp tên lửa phòng không S-400 cho 20 trung đoàn tên lửa phòng không; tổ hợp pháo-tên lửa phòng không Pantsir-S cho 23 sư đoàn; hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển Bal và Bastion cho 17 sư đoàn.
Ngoài ra, chỉ trong 6 năm, kho vũ khí tên lửa hành trình có độ chính xác cao của Nga đã tăng gấp 30 lần. Theo thông tin do Bộ trưởng Quốc phòng Nga cung cấp, trong năm 2012, không hề có vũ khí chính xác cao tầm xa trong trang bị của LLVT Nga.
Dưới thời Tổng thống, Tổng tư lệnh tối cao của LLVT Nga Vladimir Putin, Quân đội Nga ngày càng có sự thay đổi rõ rệt. Việc xây dựng một quân đội hiện đại, tinh nhuệ và công nghệ cao giúp nước Nga tăng cường khả năng phòng thủ và sẵn sàng ứng phó với những thách thức an ninh mới.
Điều này không chỉ tạo nên sức mạnh của nước Nga trong bảo vệ chủ quyền đất nước, mà còn góp phần giữ gìn hòa bình, ổn định ở khu vực và thế giới.
Theo nhà lãnh đạo Vladimir Putin, để thực hiện được nhiệm vụ này, trong thời gian tới, Nga sẽ tiếp tục tăng cường sức mạnh cho quân đội, trong đó tập trung vào việc chế tạo và cung cấp những mẫu vũ khí hiện đại, đồng thời chú trọng nâng cao hiệu quả của công tác huấn luyện chiến đấu.