Bước đi nguy hiểm của Ukraine khi đề xuất tập trận với NATO

Đức Trí |

Căng thẳng Ukraine đã lên đến đỉnh điểm khi Kiev đề xuất tập trận chung với NATO và Nga đã đưa ra cảnh báo cứng rắn chưa từng có đối với hành động này.

Tình hình căng tẳng tại Ukraine ngày càng leo thang. Nguồn: Huanqiu.

Tình hình căng tẳng tại Ukraine ngày càng leo thang. Nguồn: Huanqiu.

Theo báo cáo ngày 2/4 của Sputnik, Phó Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine Roman Masoves đã đề xuất tổ chức một cuộc tập trận chung Ukraine-NATO trong cuộc gặp với Đại sứ Canada tại Ukraine.

Ông Roman Masoves cho rằng, cuộc tập trận này nhằm đáp trả cuộc tập trận "Phương Tây-2021" giữa Nga và Belarus, trong bối cảnh tình hình xấu đi ở Donbass.

Theo báo cáo, cuộc gặp với Đại sứ Canada tại Ukraine được tổ chức vào ngày 2/4, trong đó hai bên thảo luận về sự leo thang của tình hình ở Donbass và vấn đề cải cách các các cơ quan an ninh, quốc phòng của Ukraine.

Đại sứ Canada tại Ukraine tuyên bố rằng, cuộc tập trận quy mô lớn giữa Nga-Belarus "Phương Tây - 2021" dự kiến tổ chức vào tháng 9 năm nay đã gây ra mối đe dọa đối với an ninh của châu Âu và Đại Tây Dương. Một trong những cách để cải thiện tình hình an ninh là các hoạt động chung, bao gồm tổ chức các cuộc tập trận chung giữa Ukraine và NATO.

Phản ứng trước tuyên bố trên, người phát ngôn của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov cùng ngày cho biết, Nga sẽ tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh quốc gia trong trường hợp NATO triển khai quân tới Ukraine.

Ông Peskov nhấn mạnh, những động thái của NATO sẽ làm gia tăng căng thẳng tại khu vực biên giới giáp Nga và nước này sẽ buộc phải có các biện pháp bổ sung để đảm bảo an ninh quốc gia.

Quan chức Điện Kremlin nhấn mạnh "việc coi Nga là kẻ thù là không thể chấp nhận được và không phù hợp." Ông khẳng định Nga không đe dọa và chưa bao giờ đe dọa bất kỳ bên nào.

Nga quan ngại khi tình hình Donbass đang rất căng thẳng trong khi Ukraine tiếp tục có động thái nhằm vào bán đảo Crimea. Trước khi đưa ra đề xuất tập trận cùng NATO, Ukraine đã tập trận với Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo đó, các máy bay không người lái (UAV) của Ukraine đã bay đến đảo Tendrovskaya Spit, nằm ở Biển Đen. Căn cứ chính trên đảo này là nơi huấn luyện của Hải quân Ukraine. Theo báo chí Ukraine, không rõ hiện đã có bao nhiêu UAV tham gia vào cuộc tập trận.

Được biết, cuối tháng 10/2019, công ty Thổ Nhĩ Kỳ Baykar Makina thông báo, đã hoàn thành việc giao UAV Bayraktar TB2 cho Ukraine. Theo thỏa thuận, Quân đội Ukraine đã nhận được sáu UAV, cùng với hai trạm điều khiển mặt đất và các thiết bị liên quan, bao gồm cả thiết bị mô phỏng.

Ukraine đã từng tiết lộ về việc cung cấp đạn dược, gồm 200 tên lửa cho máy bay không người lái vũ trang, theo đúng thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ.

Ukraine và Nga rơi vào căng thẳng từ khi Nga sáp nhập Bán đảo Crimea vào năm 2014. Các vụ đụng độ kéo dài khiến hơn 13.000 người thiệt mạng. Trong nỗ lực vãn hồi, tháng 7/2020, Nga, Ukraine cùng Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) đã đàm phán, thống nhất lệnh ngừng bắn.

Động thái này được xem là bước ngoặt lớn so với vô vàn các thỏa thuận ngừng bắn từng đạt được trước đó, nên những căng thẳng ở miền Đông Ukraine đã được hạ nhiệt trong nhiều tháng qua.

Tuy nhiên, xung đột mới nhất (diễn ra liên tiếp từ ngày 26 đến 31/3) một lần nữa đe dọa tiến trình tìm kiếm hòa bình tại miền Đông Ukraine. Những vụ nổ súng đã diễn ra ở Donetsk, trong đó nổi bật là giao tranh tại Shumi - vi phạm nghiêm trọng thỏa thuận ngừng bắn đang triển khai. Bình luận về những bất ổn này, Kiev và Moscow đều chỉ trích lẫn nhau.

Mỹ và Liên minh châu Âu đều theo đuổi quan điểm cứng rắn nhằm vào Nga, liên tiếp áp đặt lệnh trừng phạt bổ sung. Nhiều ý kiến cho rằng, bất cứ động thái quân sự nào diễn ra vào lúc này đều có thể thổi bùng căng thẳng tại miền Đông Ukraine, dẫn tới những "hậu quả tàn khốc".

Hiện nay, dường như Nga đang di chuyển số lượng lớn xe tăng và các thiết bị khác tới những khu vực giáp biên giới với Ukraine. Theo các video không được xác nhận đăng trên mạng xã hội cho thấy dường như Nga đang di chuyển số lượng lớn xe tăng, xe bọc thép chở quân và các thiết bị khác tới những khu vực giáp biên giới với Ukraine và bán đảo Crimea (đã sáp nhập Nga năm 2014).

NATO bày tỏ quan ngại về hoạt động quân sự của Nga. Ukraine và NATO cáo buộc Nga đưa binh sĩ và vũ khí hạng nặng tới hỗ trợ lực lượng ly khai. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến Ukraine nhanh chóng đề xuất tập trận chung với NATO.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại