Quanh việc xây dựng công trình này, đến nay vẫn còn nhiều giai thoại.
Khải Định (1885 - 1925), có tên khai sinh Nguyễn Phúc Bửu Đảo, là vị hoàng đế thứ 12 của nhà Nguyễn, trị vì từ 1916 đến 1925. Giống như nhiều vua triều Nguyễn khác, ngay sau khi lên ngôi, Khải Định đã lo tìm chỗ yên nghỉ về sau cho mình.
Khải Định xây lăng
Ở ngôi được 4 năm, Khải Định bắt đầu cho khởi công xây dựng Ứng Lăng trên đồi Châu Chữ, nay thuộc Thủy Bằng (Hương Thủy, Thừa Thiên Huế). Khác với những vua triều Nguyễn khác như Minh Mạng, Tự Đức, để trang trí cho lăng, Khải Định cho mua đồ sứ, thủy tinh, pha lê từ Nhật Bản, Trung Quốc, ngói, gạch từ Pháp, huy động tất cả nghệ nhân tài ba khắp cả nước về kinh thành Huế xây lăng tẩm cho ông.
Tiền quân đô thống phủ Lê Văn Bá là người được giao nhiệm vụ chỉ huy xây dựng Ứng Lăng. Được khởi công vào tháng 9/1920, công trình này kéo dài trong 11 năm. Dù lăng Khải Định có kích thước nhỏ (117m x 48,5m) nhưng lại mất thời gian hoàn thành, tốn nhiều công sức, tiền của nhất so với những công trình lăng tẩm vua chúa triều Nguyễn khác. Để có tiền xây lăng, Khải Định đã tăng thuế ruộng đất trên cả nước lên đến 30%.
Ứng Lăng có lối kiến trúc giao thoa hài hòa giữa phong cách Á - Âu, cổ điển và hiện đại. Tọa lạc ở khu vực thiên nhiên phong phú, đa dạng, có núi đồi, khe suối bao quanh, tạo nên khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ… Những điều này giúp cho lăng Khải Định trở thành lăng tẩm độc đáo nhất trong các lăng mộ ở nước ta.
Ngay từ vòng ngoài, cổng Tam Quan trước lăng nổi bật với lối kiến trúc uy nghiêm, bề thế. Lối dẫn vào lăng qua 37 bậc. Các trụ tại khu vực cổng Tam Quan được xây dựng theo phong cách Ấn Độ giáo. Từ đây, đi tiếp 29 bậc để đến khu vực Nghi Môn và sân Bái Đính, nơi có tượng các cận thần và binh lính xếp thành bốn hàng đối xứng, các tượng đều được chạm trổ những họa tiết vô cùng tinh xảo.
Cung Thiên Định, nằm ở tầng thứ 5 là khu vực độc đáo nhất, cho thấy sự sáng tạo, phá cách và yêu nghệ thuật của lăng. Trong cung Thiên Định có điện Khải Thành, nơi đặt án thờ và thi hài vua Khải Định.
Bức họa đặc biệt
Kiến trúc ở điện Khải Thành công phu và tinh xảo. Giữa điện là chính tẩm, có Bửu Tán nặng 1 tấn làm từ bê tông cốt thép, song thanh thoát, mềm mại. Trên điện là bức họa “Cửu long ẩn vân” - 9 con rồng ẩn trong mây. Bức họa do nghệ nhân rất nổi tiếng Phan Văn Tánh (Cửu Tánh) người huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế ngày nay vẽ nên.
Theo sách “Chín đời chúa, mười ba đời vua triều Nguyễn”: “Để vẽ nên bức tuyệt tác này, nghệ nhân Phan Văn Tánh đã nằm ngửa sát mặt trần, dùng 2 tay, 2 chân kẹp 4 cây cọ, miệng ngậm thêm một cây nữa để vẽ tranh.
Có một lần vua Khải Định đến thấy ông Phan Văn Tánh đang dùng chân để vẽ bức họa. Thấy vua, mọi người đều dừng làm việc xuống vái lạy, riêng ông Tánh vẫn cứ mê mải vẽ trên trần nhà. Khải Định nghĩ rằng ông này đã không coi trọng mình. Ngay cả con rồng thể hiện uy quyền sức mạnh của vua mà ông lại dùng chân để vẽ. Khải Định tức giận cho gọi Phan Văn Tánh xuống để hỏi tội.
Khi xuống đất, ông Tánh giải thích với vua rằng: “Sở dĩ hạ thần không xuống nghênh tiếp vua vì mất rất nhiều thời gian và công trình sẽ không hoàn thành như nhà vua đã đưa ra. Còn lý do thứ hai hạ thần phải vẽ bằng chân bởi nếu chỉ vẽ những bức tranh trên trần nhà bằng tay thì khoảng cách từ tay đến mắt rất gần. Muốn nhìn độ đậm nhạt một cách hoàn hảo của bức tranh có quy mô lớn như vậy phải vẽ bằng chân. Phải nhìn từ xa mới thấy rõ”.
Khải Định ngước xem, thấy trên 5 cây cọ của Cửu Tánh, 5 con rồng ẩn hiện sau những đám mây, sinh động hài hòa, có thể coi là tuyệt tác, quả là bức họa có “1-0-2”. Vua hắng giọng rồi phán “Cửu Tánh! Nếu như trên đời này có 2 Cửu Tánh thì trẫm đã lấy cái đầu người rồi”.
Một số giai thoại kể rằng, khi thăng hoa nhất, ông Tánh kết hợp hài hòa, điêu luyện giữa 5 cây cọ cùng lúc để vẽ nên bức họa nổi tiếng. Điều bí ẩn nữa là, dù đã hơn 100 năm trôi qua, “Cửu Long ẩn vân” vẫn giữ được độ sáng, màu sắc như lúc ban đầu. Không biết người xưa đã dùng vật liệu gì trộn lẫn vào để giúp bức tranh không bị bụi bẩn lẫn mạng nhện bám lên.
Cho đến nay, câu chuyện nghệ nhân Phan Văn Tánh dùng miệng, chân để vẽ bức họa hay vì sao, bức họa gần như không bị dính bụi, mạng nhện không hề bám vẫn là một trong những bí ẩn với những người quan tâm tới lăng Khải Định.
Với kiến trúc uy nghi, độc đáo bậc nhất, lăng Khải Định đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. So với các công trình lăng tẩm khác còn khá nguyên vẹn và có kiến trúc thật sự khác biệt. Đến nay, lăng Khải Định vẫn còn vô số câu hỏi bí ẩn với các nhà nghiên cứu khoa học chưa có lời giải đáp.
Khải Định là con trưởng vua Đồng Khánh, giống như cha mình, làm vua trong giai đoạn nước ta đã bị thực dân Pháp đô hộ. Nổi tiếng là ông vua ham chơi, thân Pháp, răm rắp nghe lời nên Khải Định bị nhân dân oán ghét, bị người đời mỉa mai là “tổ sư” của nghề nịnh nọt với câu vè: “Tiếng đồn Khải Định nịnh Tây/Nghề này thì lấy ông làm tiên sư”.
Sau một thời gian ốm nặng, Khải Định qua đời vào ngày 6/11/1925, thọ 41 tuổi, làm vua triều Nguyễn được 10 năm.