Sở dĩ Fortune đưa ra lập luận đó bởi cho rằng, việc Nga gia nhập EU sẽ đem lại lợi ích lớn lao cho cả hai bên. EU sẽ thành một siêu cường thực sự, có khả năng cạnh tranh với Trung Quốc và Mỹ cả về kinh tế và quân sự. Nga sẽ có vị thế lớn hơn trên trường quốc tế.
Hiện tại, căng thẳng giữa Nga và EU đang ở mức cao nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. EU mới đây đã quyết định gia hạn các lệnh trừng đối với Moscow vì tình hình ở Ukraine.
Các biện pháp trừng phạt trả đũa của Nga đối với các mặt hàng thực phẩm của EU theo đó cũng sẽ tiếp tục có hiệu lực.
Việc này khiến ngành nông nghiệp của EU bị tổn thất hàng tỷ USD mỗi năm. Trong khi đó, dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài giữa Nga và châu Âu hiện đang ở mức thấp nhất trong gần hai thập kỷ qua, giảm từ 80 tỷ USD trong năm 2013 xuống gần như bằng không vào năm 2015.
Không chỉ thế, các quốc gia Baltic và Ba Lan đều phải tăng cường đáng kể chi tiêu quốc phòng sau khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014. Họ ngày càng lo ngại sẽ bị Nga xâm chiếm.
Tuy vậy, theo Fortune, bất chấp những căng thẳng về chính trị và các biện pháp trừng phạt về kinh tế, hiện Nga vẫn là đối tác thương mại lớn thứ tư của EU và EU tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Nga. Theo số liệu của Ủy ban Châu Âu, tổng thương mại giữa hai bên năm 2015 đạt gần 209 tỷ euro.
Nếu giá năng lượng tăng, những số liệu thương mại Nga – EU còn lớn hơn nữa. Trở lại năm 2012, trước khi giá năng lượng sụt giảm và các biện pháp trừng phạt kinh tế chưa được áp dụng, thương mại hàng năm giữa hai bên tương đương 338 tỷ euro.
Nga lúc đó là đối tác thương mại lớn thứ ba của EU, chỉ sau Mỹ và Trung Quốc. Nếu Nga và EU có thỏa thuận thương mại tự do thì con số đó sẽ dễ dàng tăng gấp đôi hoặc gấp ba chỉ trong một vài năm.
Không chỉ vậy, hai bên còn có mối quan hệ lịch sử và địa lý rất gần gũi. Một số thời điểm trong thế kỉ trước, một nửa Liên minh châu Âu nằm dưới sự lãnh đạo trực tiếp hoặc gián tiếp của Moscow. Ngoài ra, phần lớn các cơ sở hạ tầng cần thiết cho thương mại như đường ống dẫn dầu, khí đốt, đường bộ, đường sắt giữa hai bên đều đã có sẵn.
Hiện Nga đang cung cấp gần như tất cả nhu cầu khí đốt cho nhiều quốc gia phía đông của EU, cũng như phần lớn nhu cầu khí đốt Đức. Mối liên hệ này còn tiếp tục tăng khi Đức đang tiếp tục đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân và nhiệt điện.
Vấn đề nhức nhối nhất đang làm tổn thương mối quan hệ giữa EU và Nga hiện tại là Ukraine. Việc Nga sáp nhập Crimea đã khiến cả châu Âu thật sự sốc. Tuy nhiên, vẫn có một số nước, đặc biệt là khu vực phía đông châu Âu, nơi đang phụ thuộc vào khí đốt của Nga, vẫn sẵn sàng hàn gắn mối quan hệ với Moscow.
Hơn nữa, một trong những quốc gia dẫn đầu quan điểm cứng rắn với Nga ở EU, cũng là nước có giao dịch ít nhất với Nga chính là Vương Quốc Anh. Anh là nước châu Âu duy nhất đã kí Bản ghi nhớ Budapest năm 1994.
Theo đó, Anh, Mỹ, Anh có nghĩa vụ bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và sự độc lập chính trị của Ukraine. Đổi lại, Ukraine đã đồng ý ký hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân và bàn giao tên lửa hạt nhân của Liên Xô cho Nga.
Sau khi Nga sáp nhập Crimea, chính phủ Anh buộc phải có phản ứng khi sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine đã bị vi phạm. Mặc dù không sẵn sàng chiến tranh với Nga vì Crimea, nhưng Anh đã thúc đẩy các quốc gia thành viên EU áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga.
Bên cạnh đó, Fortune đánh giá, người Nga không cảm thấy có vấn đề gì lớn nếu Nga gia nhập EU. Họ chỉ cảm thấy khó chịu với EU tại thời điểm hiện tại mà thôi.
Theo một cuộc khảo sát gần đây của Công ty truyền thông Đức Deutsche Welle, khi được hỏi về việc có muốn nước Nga gia nhập EU hay không, 67% người Nga được hỏi cho biết họ phản đối, chỉ có 18% ủng hộ. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, lý do người Nga phản đối EU chủ yếu là do các biện pháp trừng phạt gần đây đối với Moscow.
Một cuộc khảo sát tương tự hồi tháng 12/2010 cho thấy, 54% người Nga ủng hộ gia nhập EU, trong đó có một phần ba cho rằng việc này sẽ xảy ra trong 5 năm tới.Mặc dù dự đoán đó đã không trở thành sự thật nhưng kết quả khảo sát cho thấy, việc Nga gia nhập EU không hề quá sức tưởng tượng của người dân Nga.
Khi Brexit xảy ra, EU và Nga có cơ hội lớn để hàn gắn mối quan hệ và tìm cách chung sống hòa bình bằng các biện pháp ngoại giao tích cực, thay vì các biện pháp trừng phạt và những lời chỉ trích.
Hồi tuần trước, sau khi có kết quả trưng cầu dân ý về Brexit ở Anh, Thị trưởng Moscow Sergei Sobyanin đã viết trên Twitter: "Nếu không có Anh, sẽ không có ai trong EU còn quá sốt sắng trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga".
Theo Fortune, không phải ngẫu nhiên, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đã có mặt tại Diễn đàn kinh tế quốc tế St Petersburg tại Nga trước khi cuộc bỏ phiếu về Brexit diễn ra để phát biểu về việc "xây dựng cây cầu" giữa EU và Nga. Đây là lần đầu tiên kể từ khi cuộc khủng hoảng Ukraine nổ ra, các quan chức phương Tây tham dự sự kiện này.
Cũng chẳng phải ngẫu nhiên khi tuần trước ông Putin tuyên bố nước Mỹ là siêu cường trên thế giới, hạ thấp tầm quan trọng của Nga trên trường quốc tế. Điều đó gần như đồng nghĩa với việc ông muốn nói rằng Nga cần bắt tay với ai đó để đối phó với sức mạnh kinh tế và quân sự của Mỹ.