Như vậy, đây là lần đầu tiên có thông tin chính thức về việc tàu hộ vệ tên lửa BPS-500 số hiệu 381 thực hiện một nhiệm vụ viễn dương, kể từ khi được phía Nga tiến hành sửa chữa nâng cấp hồi cuối năm 2014.
Vấn đề đang thu hút sự quan tâm của nhiều người vào lúc này đó là sau khi hiện đại hóa, năng lực chiến đấu của BPS-500 có thực sự thay đổi, liệu nó có sánh ngang được với lớp tàu tên lửa tấn công nhanh hàng đầu của Việt Nam là Molniya 1241.8?
Tàu 381 tại khu vực cầu cảng trong Quân cảng Cam Ranh. Ảnh: Tuổi trẻ.
Trước hết hãy nhìn vào những ưu điểm, trong khi Molniya 1241.8 là thiết kế của thập niên 1970 đã bộc lộ ít nhiều lạc hậu thì BPS-500 lại khá tân tiến.
Đáng kể nhất là bề mặt tàu Molniya 1241.8 với hình dáng "vuông thành sát cạnh", hoàn toàn không có khả năng tán xạ sóng radar, điểm yếu này đã được khắc phục triệt để trên tàu 381.
Tiếp theo, nhờ hệ thống đẩy phản lực nước mà BPS-500 xoay trở tốt hơn khi hoạt động tại vùng nước nông, nó triển khai được sát những bãi cạn, đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa, điều mà Molniya rất khó thực hiện.
Tàu hộ vệ tên lửa Molniya 1241.8
Tuy vậy, nhược điểm của BPS-500 trước Molniya 1241.8 lại nhiều hơn hẳn ưu điểm, điều này dễ dàng nhận ra qua cấu hình vũ khí.
Hỏa lực chính của Molniya 1241.8 là 16 tên lửa hành trình chống hạm 3M24-E (Uran-E), còn BPS-500 chỉ mang được 8 quả, nhưng điều đáng nói hơn cả là ở hệ thống radar dẫn bắn.
Molniya 1241.8 được trang bị radar mảng pha trinh sát 3 tham số Pozitiv-ME sử dụng công nghệ mới, tầm hoạt động và độ tin cậy cao hơn hẳn loại MR-352 Pozitiv-E đời đầu của BPS-500.
Ngoài ra, Molniya còn có radar điều khiển hỏa lực Garpun-Bal dùng để dẫn bắn tên lửa đối hạm. Ở kênh thụ động, loại radar này phát hiện được mục tiêu nằm sau đường chân trời, cự ly tối đa lên tới 100 km.
Trong khi đó, BPS-500 phải phụ thuộc hoàn toàn vào chế độ trinh sát bề mặt của radar Pozitiv-E, khiến nó không thể dẫn bắn tên lửa Uran-E ở ngoài đường chân trời, khiến tầm bắn hiệu quả khi tác chiến độc lập chỉ vào khoảng trên dưới 30 km.
Điều này khiến BPS-500 giống như một bệ phóng tên lửa di động, muốn tận dụng hết hiệu năng của vũ khí, nó buộc phải trông cậy vào tham số được cung cấp từ máy bay hay tàu chiến khác hoạt động gần đó.
Năng lực phòng không và tốc độ tối đa (30 hải lý/h so với 38 hải lý/h) cũng là những điểm yếu khác của BPS-500, điều này là đương nhiên khi trên tàu chỉ có duy nhất 1 khẩu pháo bắn nhanh AK-630M.
Tàu hộ vệ tên lửa BPS-500 bên cạnh Molniya 1241.8 và Gepard 3.9 tại Quân cảng Cam Ranh. Ảnh: Quân đội nhân dân.
Mặc dù Nga đã từng giới thiệu gói nâng cấp với cấu hình vũ khí cực mạnh dành cho BPS-500 (trang bị pháo A-190 cỡ 100 mm, tên lửa chống hạm Yakhont và module Kashtan), nhưng có lẽ do quá phức tạp và tốn kém mà Việt Nam đã không lựa chọn.
Tấm ảnh mới nhất của BPS-500 không thấy bất cứ một thay đổi nào so với trước kia, cho nên chỉ có một khả năng xảy ra là chiếc tàu hộ vệ tên lửa này đã được sửa chữa, lắp đặt hệ thống điện tử và kiểm soát hỏa lực mới, nhằm loại bỏ những thiếu sót đã khiến dự án bị hủy bỏ.
Tóm lại, có thể khẳng định rằng sau quá trình hiện đại hóa, sức mạnh của BPS-500 vẫn chưa thể sánh kịp với Molniya 1241.8!