Bóng đá Việt nào có hơn gì Ngọc Trinh của "Vòng eo 56"

Ngô Trà |

Cái tin bầu Đức đem học viện "Vì tương lai của bóng đá Việt Nam" ra thế chấp để vay tiền vừa gây đau xót, hoang mang, chẳng như lúc Ngọc Trinh trình làng "Vòng eo 56".

Bò nuôi người, hay người nuôi bò?

Cái tên Ngọc Trinh từng bị gắn chặt với câu nói nổi tiếng: "Không có tiền thì cạp đất mà ăn", một thời nhận hàng tấn "gạch đá" của dư luận vì sự suy đồi của đạo đức, cổ súy cho lối sống "ăn sẵn nằm ngửa".

Bầu Đức, vốn là cái tên nổi nhất của bóng đá Việt Nam, với sự thành công của thương hiệu HAGL, từng được đánh giá là người duy nhất kiếm được tiền từ bóng đá, cũng như xây dựng thành công một lứa cầu thủ trẻ đầy triển vọng.

Ngọc Trinh chả cần phải bịa hay hư cấu gì cả, "Vòng eo 56" vốn dĩ là những gì thật nhất của cuộc đời cô. Trinh làm thì Trinh nhận. Và câu chuyện của Trinh đầy nhan nhản ngoài đời, chẳng qua người ta cố tình coi như nó không tồn tại mà thôi.

Bóng đá Việt thì hay hơn nhiều, người ta biến những thứ không có trở nên hiện hữu, ví dụ như cái "đẳng cấp châu Âu" mà bầu Đức từng gán cho lứa cầu thủ của mình. Cái "đẳng cấp" ấy tan tác ở V-League thế nào, chắc chẳng cần nhắc lại.

Đàn bò này hẳn có phần công lao của các cầu thủ HAGL?
Đàn bò này hẳn có phần công lao của các cầu thủ HAGL?

Cuối năm ngoái, bầu Đức tuyên bố đàn bò của ông mỗi ngày "sản xuất" ra lượng phân trị giá hàng tỷ đồng. Nhiều tiền thế, thì chi phí nuôi bóng đá chỉ là "cái đinh". Chẳng phải ông bầu này từng tuyên bố: "Đuổi Miura đi, tôi lo cho ĐTQG".

Ngày vui ngắn chẳng tày gang, đùng một cái, cầu thủ HAGL bị nợ lương từ trước Tết. Mùa trước, bầu Đức tuyên bố đội bóng lãi 5 tỷ đồng. Mùa này, "bán" cầu thủ sang Nhật Hàn, cộng với tài trợ, quảng cáo, hẳn HAGL lãi hơn.

Hóa ra, trong khi người ta cứ nghĩ bò HAGL làm ra tiền, ra gạo nuôi quân HAGL, thì sự thực là các cầu thủ HAGL mới là người kiếm tiền, để... nuôi bò của bầu Đức.

Vòng eo của cầu thủ HAGL là bao nhiêu?

Theo truyền thống, vòng eo là một trong những tiêu chí để đánh giá phụ nữ Việt Nam. Về khía cạnh này, Ngọc Trinh xứng đáng được tôn vinh, vì ngoài "vòng eo 56" vốn được khén "vừa khéo chiều chồng...", cô còn sở hữu bờ mông đầy đặn, tôn dáng.

Vòng eo và vòng mông không chỉ là tiêu chí về mặt thẩm mỹ, mà còn phản ánh khá chính xác điều kiện thể chất của người sở hữu. Người phụ nữ sở hữu vòng eo thon, mông nở ắt hẳn khỏe mạnh về mặt thể chất.

Xuất ngoại để phát triển tài năng, nâng tầm bóng Việt?
Xuất ngoại để phát triển tài năng, nâng tầm bóng Việt?

Ba cầu thủ xuất ngoại của "đội bóng nhân dân", người hâm mộ mỏi mòn chờ đợi, chẳng thấy được ra sân thi đấu, chỉ loanh quanh đá tập với đội dự bị. Nên nhớ, tuy đầu quân cho các nền bóng đá hàng đầu châu lục, nhưng chỉ là các đội hạng 2.

Làm căng, mới chẻ hoe ra là vấn đề thể lực. Từ lâu, lứa cầu thủ học viện của HAGL đã bị đặt dấu hỏi vì thể lực quá yếu, thể hình quá nhỏ. Cái lý do "không tập thể lực vì ảnh hưởng đến sự phát triển" nghe có vẻ hợp lý, nhưng nực cười.

Có là đi cat walk, hay xếp bóng bi-a như Ngọc Trinh thì cũng phải có đủ thể lực, huống hồ là đá bóng. Hai mươi mốt tuổi mà còn chưa tập thể lực, thì đến lúc nào mới là đủ tuổi để tập? Hay xuất ngoại chỉ để quảng cáo, kiếm tiền thì không cần thể lực?

Xem "Vòng eo 56", nhiều người thấy phản cảm với cái nghề mặc bikini biểu diễn trong quán bar của Ngọc Trinh. Nhưng Trinh không cao, Trinh hợp với bikini, hà cớ gì không diễn mẫu bikini? Vả lại Trinh diễn để kiếm tiền, chứ có xin ai đâu?

Người hâm mộ, nhất là fan của Công Phượng không khỏi sốc khi thấy cầu thủ vốn thấp nhất trong giới cầu thủ Việt xúng xính bộ vest, quần thừa cả tấc, vai đeo dải băng hoa hậu đi "diễn".

Thương thay cho cái chuyện "bơi ra biển lớn" của những "sản phẩm" bị ép phải chín sớm, những "tài năng suýt lớn" phải khoác lên mình bộ quần áo quá khổ, cả chuyên môn, lẫn phong cách.

Gán cả học viện bóng đá để vay tiền ngân hàng, nợ lương cầu thủ, liệu mấy ai còn tin rằng bầu Đức "gán" Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh ra nước ngoài đơn thuần chỉ vì để phát triển tài năng, nâng cao tầm bóng đá Việt?

Ngôi đầu thế giới trong tầm tay

Chắc hẳn HLV Hữu Thắng đang rất nóng lòng chờ đợi trận "thư hùng" với Barca - đội bóng được ông chủ của ngót 1/3 đội bóng V-League mời sang Việt Nam.

Trên thế giới, chỉ có 2 đội bóng dám tự tin tuyên bố mình chơi tiqui-taka. Thứ nhất là đội bóng hùng mạnh của TBN Barca. Đội còn lại là tuyển Việt Nam. Nếu "chẳng may" cầm hòa, hay thắng Barca, chẳng phải chúng ta nhất thế giới đấy sao?

Ngọc Trinh nói thật, đóng phim từ những chi tiết thật của cuộc đời mình thì bị ăn đòn tơi tả, bị chê nhạt. Thì đời vốn nhạt mà, trừ phi chúng ta sống ảo, gây sốc, "chém gió" cho cộng đồng chẳng biết đâu mà lần.

Người Việt Nam đá tiqui-taka bằng gì? Bằng những cầu thủ cả năm trời "xách nước, bổ cam" ở những nền bóng đá tiên tiến của châu lục? Bằng tiền đạo mài nhẵn băng ghế dự bị ở CLB, nhưng phát biểu thì hay chẳng ai bằng?

Những nhân tố được chọn cho tiqui-taka kiểu Việt.
Những nhân tố được chọn cho tiqui-taka kiểu Việt.

Bằng những cầu thủ nổi đình đám bằng kỹ năng đưa đối thủ ra khỏi sân bằng xe cấp cứu, đánh trọng tài? Bằng những cầu thủ quanh năm chỉ thuộc mỗi một bài "quẳng bóng lên cho Tây"?

Ngủ với đại gia một đêm với giá 5.000, hay 30.000 đô là "làm gái", nhưng sau 8 ngày yêu, được tặng nhà, tặng giầy, tặng túi hàng hiệu thì là tình yêu chân chính và đích thực. Ngọc Trinh trong "Vòng eo 56" không "làm gái", nhá!

Đem lời ngon ngọt để dụ dỗ một vài người, vài trăm người để chiếm lợi ích cho mình và đồng bọn là lừa đảo. Nhưng "rót mật vào tai" khiến hàng triệu người phát cuồng, bất chấp hậu quả thì lại là "soái ca của bóng đá Việt Nam".

Về khoản này, bóng đá Việt Nam chỉ thỏ thẻ nhận ngôi thứ nhì, thì chắc hẳn chẳng quốc gia nào dám đứng ra nhận ngôi thứ nhất.

Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại