Ngủ một đêm là lên đời
Công bằng mà nói thì đây là một bộ phim nhạt, rất nhạt. Đơn giản vì chất liệu từ cuộc đời của Trinh chỉ có thế. Xem cả bộ phim dài hơn 1 tiếng, có lẽ thông điệp duy nhất đọng lại trong đầu người xem chỉ là Trinh không làm gái.
Những gì cô có được không phải là do đi khách, cũng chẳng phải là do cô đòi hỏi từ anh bồ đại gia, mà là người ta tặng thì Trinh nhận. Thế thôi! Phần còn lại của bộ phim thì vô cùng nhạt nhòa, chẳng có bất kì kịch tính cao trào gì sất.
Con đường đi từ một cô bé miền Tây chân đất đúng nghĩa đến vị thế đại gia, rồi "nữ hoàng nội y" của Trinh (và cả con đường thành danh của “bầu” Tiệp nữa) có thể làm những người ưa thích những câu chuyện kiểu “có công mài sắt có ngày nên kim” phải chưng hửng.
Trinh và Tiệp có cố gắng để có được ngày hôm nay không? Tất nhiên là có. Họ cũng đã nghĩ ra đủ mọi chiêu trò để lăng xê, để thành công. Nhưng chốt lại đúng như tuyên ngôn bất hủ của Ngọc Trinh: “Không tiền cạp đất mà ăn”.
Tiệp và Trinh sẽ mãi chỉ là những nhân vật hạng C trong làng giải trí, phải chui lủi trình diễn nội y chui trong các quán bar, nếu không có sự xuất hiện của anh bồ giàu có.
Với sự chống lưng của người đàn ông đã tự vỗ ngực là đại gia, với quà ra mắt là hai món đồ hàng hiệu giá trị cả chục nghìn USD, sau 8 ngày quen nhau đã sang tên cả một căn biệt thự to đùng… cuộc đời Ngọc Trinh thực sự đã vịt hóa thiên nga.
Chẳng cần khổ luyện, cũng chẳng cần có tài năng gì nổi trội so với các đồng nghiệp, Ngọc Trinh vẫn đổi đời, lên như diều. Thuyền lên nước cũng lên, Ngọc Trinh lên voi thì Tiệp cũng lập tức lên voi, không còn là một anh bầu phải chạy ăn từng bữa.
Vậy đấy, mọi thứ rất dễ dàng. Chỉ sau một đêm là cuộc đời bước sang một trang mới, giàu sang phú quý, tiền tiêu như nước, đồ hiệu đắp lên người.
Kiếm dễ, tiêu nhanh
Câu chuyện của Ngọc Trinh và Tiệp có cái gì đó na ná với những gì đã diễn ra với bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.
Khi đặt bên các môn thể thao khác, hay đặt cạnh những người đồng nghiệp nữ, các cầu thủ nam dĩ nhiên chẳng trội hơn về tài năng cũng như sự hi sinh. Nếu không muốn nói là còn có phần kém cỏi hơn.
Loanh quanh mãi thành tích cũng chưa thoát ra khỏi cái ao làng Đông Nam Á, và thậm chí còn đang ngày càng bị các đối thủ bỏ xa hoặc vượt lên.
Thế nhưng, các cầu thủ bóng đá vẫn là những người giàu bậc nhất trong giới thể thao ở Việt Nam. Bởi giống Ngọc Trinh họ có may mắn là được các đại gia “phải lòng”.
Khoác lên mình tấm áo chuyên nghiệp, bóng đá Việt Nam chưa hẳn đã biến đổi về chất. Nhưng điểm mấu chốt là nó lại thu hút được sự quan tâm, chú ý của các đại gia.
Thế là có một giai đoạn tiền được đổ vào V-League vô điều kiện. Các đại gia chẳng tiếc tiền để thỏa mãn ham muốn cá nhân, nên cầu thủ từ ngôi sao đến dạng vừa vừa đều được o bế, biệt đãi như Ngọc Trinh ở trong phim vậy.
Nhiều người nhanh chóng trở nên giàu có, tiền bạc rủng rỉnh nhờ những bản hợp đồng không tưởng. Chỉ khác là sự đổi đời không phải chỉ là xảy ra chỉ sau 1 đêm hay 8 ngày như Trinh mà thôi.
Một V-League mang dáng dấp vòng eo 56. Vậy đâu là thứ các chàng trai quần đùi áo số phải học “nữ hoàng nội y”?
Xin thưa là liệu có bao nhiêu cầu thủ có thể mạnh miệng như Trinh khi được Tiệp mời trở lại nghề người mẫu, đại ý là: “Lúc này em không còn sự thích thú với nghề nữa, mà tiền thì em cũng không cần, em đã có spa và cửa hàng đang kinh doanh rất tốt”?
Chắc chắn ít lắm. Bởi phần lớn giới cầu thủ đều không biết căn cơ, tính toán cho khi giải nghệ.
Một bộ phận không nhỏ còn quên đi xuất thân bần hàn, sẵn sàng “đốt tiền” vào các thú vui vô bổ như cờ bạc, bay lắc… để rồi “tay không trắng tay lại về không” và lâm vào cảnh nợ nần.
Trinh thì khác. Trinh giàu lên nhờ tiền của đại gia. Nhưng ít nhất Trinh biết cách giữ tiền, biết dùng nó để xây dựng cơ ngơi của riêng mình hoặc để lo toan cho gia đình, chứ không phải chỉ chi tiêu vô tội vạ.
Thế nên, nếu chàng cầu thủ nào có nhỡ chép miệng chê bai "Vòng eo 56", thì cũng nên nhớ rằng kể ra trong cái mớ thị phi ấy cũng có cái đáng để học hỏi đấy chứ!