Bóng đá “tử tế” thì dễ… về vườn

Quách Uông |

Pha ăn vạ của Diego Simeone tại World Cup 2002. Cái nháy mắt của Cristiano Ronaldo tại World Cup 2006. Động tác khống chế bóng bằng tay của Thierry Henry tại trận play-off của World Cup 2010. Màn dàn xếp trơ trẽn giữa Thụy Điển và Đan Mạch tại EURO 2004…

Khu rừng của thủ đoạn

Có rất, rất nhiều những câu chuyện, tình huống đáng xấu hổ đã xảy ra trong lịch sử các giải đấu lớn nói riêng và tất cả làng bóng nói chung. Nói không ngoa, từ khi có loài người là có xung đột và từ khi có bóng đá thì tiểu xảo cũng lập tức xuất hiện.

Người ta yêu bóng đá bởi những bàn thắng đẹp, những pha rê dắt hào hoa, và càng không thể dứt khỏi môn thể thao này vì nó chứa đựng quá nhiều những yếu tố gây kịch tính, giận dữ, đau khổ, thậm chí cả sự bất công, khốn nạn.

Trên một diện tích rộng hơn 7 nghìn mét vuông và chỉ có một trọng tài được quyền đưa ra phán quyết cuối cùng, sân bóng thực sự là một khu rừng đủ âm u để các cầu thủ triển khai những trò phi thể thao.

Đừng nói là các đội bóng nhỏ, ngay đến một đội bóng vô đối như Barcelona trong kỷ nguyên Pep Guardiola và Luis Enrique, hay Tây Ban Nha trong giai đoạn hoàng kim 2008-2012, cũng không ít lần sử dụng tiểu xảo để triệt hạ đối thủ.

Hành quân tới EURO 2016, Tây Ban Nha vẫn mang theo chiêu bài cũ. Phút thứ 9 của trận gặp Thổ Nhĩ Kỳ tại vòng bảng, trong một pha tranh chấp bóng hoàn toàn bình thường, Burak Yilmaz vung tay lên che chắn và chỉ đụng trúng ngực Sergio Busquets.

Thế thôi mà tiền vệ của Tây Ban Nha đã ngã vật xuống sân, ôm mặt lăn lộn như thể vừa dính một cú đấm của Mike Tyson. Trọng tài bị mắc lừa bởi tài “diễn xuất” của Busquets, rút thẻ vàng cảnh cáo Yilmaz.

Nhưng “Cao nhân tất hữu cao nhân trị”. Đời đã sinh Chu Du, ắt sẽ đẻ Gia Cát Lượng. Tây Ban Nha đã không thể tiến xa tại EURO 2016 sau khi thua dễ dàng bởi tay Italia tại vòng 2. Italia có thể không phải lúc nào cũng đá bóng giỏi, song về khoản tiểu xảo hay chống tiểu xảo thì họ luôn là bậc thầy của các bậc thầy.

Nếu ai đó còn nghi ngờ đẳng cấp cao siêu của Italia trong thứ gọi là “nghệ thuật bóng tối”, hãy xem lại màn tranh cãi dẫn đến cú húc đầu lịch sử mà Zinadine Zidane đã dành tặng Marco Materazzi ở trận chung kết World Cup 2006.

Ngây thơ là về nước sớm

Tại EURO lần này, Italia đã bị Đức đánh bại ở tứ kết. Với nhiều người, đó là kết cục… bất ngờ. Bởi trong toàn bộ lịch sử đối đầu với Đức tại các giải đấu lớn, Italia chưa bao giờ chịu thua.

Hơn thế nữa, dù có chất lượng chuyên môn cao bậc nhất tại giải đấu năm nay, đội bóng do Joachim Loew dẫn dắt lại thiếu hẳn một “vai diễn phản diện” kiểu Stefan Effenberg.

Tất cả các cầu thủ Đức dự EURO 2016, từ thủ môn Manuel Neurer, hậu vệ cánh Jonas Hector, tiền vệ trung tâm Toni Kroos cho đến lão tướng kiêm thủ quân Bastian Schweinsteiger, không ai từng có một quá khứ “bất hảo” trên sân cỏ.

Tuy vậy, đến vòng bán kết gặp chủ nhà Pháp, đội tuyển Đức sang trọng, lịch lãm và fair-play đã gục ngã. Đừng trách Nicola Rizzoli đã nặng tay trong tình huống thổi phạt đền cho Pháp sau cú chạm bóng bằng tay của Schweinsteiger.

Theo khẳng định của cựu trọng tài nổi tiếng Graham Poll, đồng nghiệp người Italia đã hoàn toàn chính xác trong quyết định gây tranh cãi ấy. Nếu muốn trách, người Đức hãy tự trách chính bản thân mình.

Vì đâu phải đợi đến khi gặp Pháp, tín hiệu cảnh báo cho sự ngây thơ quá mức cần thiết của Đức đã xuất hiện từ trước đó. Trận gặp Italia, trung vệ Jerome Boateng cũng có cú giơ tay hứng bóng vô cùng khó hiểu để biếu không đối thủ cơ hội gỡ hòa từ cự ly 11m.

Đức đã về nước, EURO 2016 chỉ còn lại Pháp và một trường hợp cá biệt mang tên Bồ Đào Nha. Đa số cho rằng việc Bồ Đào Nha vào đến trận chung kết là do may mắn, nhưng nhìn nhận một cách công bằng thì không gì là không có nguyên do.

“Tôi không có ý nói họ chơi thô bạo hay bỏ bóng đá người. Nhưng họ rất láu cá. Họ biết phạm lỗi ở những khu vực an toàn trên sân, họ biết duy trì sức ép lên đối thủ, họ biết kích động cầu thủ đối phương và cả trọng tài.

Họ biết làm nhiều cách, ngoài chơi bóng, để thế trận xoay theo hướng có lợi”, nhận xét của Eric Dier, tiền vệ của đội bóng “trong trắng” số 1 hành tinh là đội tuyển Anh, chắc chắn đã gợi ra cho chúng ta một suy nghĩ.

Bóng đá tử tế thì dễ… về vườn.

Muốn diễn trò, đâu có dễ

Về cơ bản, Đức là đội bóng fair-play bậc nhất tại EURO 2016. Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa là đội bóng này hoàn toàn trong sạch.

Ngay ở trận gặp Pháp, Emre Can đã có pha ngã vờ khá lộ liễu trong hiệp đấu thứ hai. Nếu trọng tài xử lý đúng thì tiền vệ này phải nhận thêm một thẻ vàng và bị truất quyền thi đấu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại