Ngày 11/7, ông Vasily Kashin, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu toàn diện Châu Âu và Quốc tế nói với hãng tin TASS rằng, việc chính quyền Mỹ chuyển giao bom chùm cho Ukraine sẽ không cải thiện tình hình cho Kiev mà ngược lại còn làm tăng rủi ro tiềm ẩn cho dân thường. Ông Kashin cũng nhấn mạnh rằng, Ukraine "đã và đang sử dụng bom chùm do Liên Xô sản xuất".
"Việc sử dụng bom, đạn chùm tăng lên có thể gây nguy hiểm nhiều hơn cho dân thường, bởi môi trường xung quanh sẽ bị ô nhiễm với một số lượng lớn các mảnh bom, đạn chùm chưa nổ" , ông Kashin nói. Hiện vẫn chưa thể xác định mức độ nguy hại cụ thể mà loại vũ khí này gây ra cho người dân là như thế nào. Tuy nhiên, những lo ngại mà chuyên gia này đưa ra là có cơ sở, nếu như Nga cũng có những hành động tương tự trong thời gian tới.
Vào ngày 7/7, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói nước này đã quyết định gửi bom, đạn chùm tới Ukraine, bất chấp việc Liên hợp quốc phản đối.
Ông cũng nói rằng Kiev đã có văn bản đảm bảo với Washington rằng, những vũ khí đó sẽ được sử dụng theo cách giảm thiểu rủi ro cho dân thường. Người phát ngôn Lầu Năm Góc Patrick Ryder cho biết, Mỹ đã sẵn sàng cung cấp cho Ukraine loại bom, đạn chùm ít gây rủi ro nhất cho dân thường.
Phần còn lại của đạn pháo và tên lửa bao gồm cả đạn chùm vào ngày 18/12/2022 tại Toretsk, Ukraine.
Khi bình luận về các báo cáo trên các phương tiện truyền thông về kế hoạch Mỹ cung cấp những loại vũ khí như vậy cho Ukraine, Phó phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc Farhan Haq cho biết: “Ông Antonio Guterres ủng hộ Công ước về bom, đạn chùm và phản đối việc sử dụng những loại vũ khí như vậy trên chiến trường Ukraine”.
Các chuyên gia quân sự nhận định, việc Mỹ quyết định cung cấp bom, đạn chùm cho Ukraine vì muốn bù đắp những tổn thất của lực lượng này trong cuộc phản công với Nga. Một số báo cáo chỉ ra rằng, con số tổn thất của Ukraine về nhân lực cũng như thiết bị quân sự là rất lớn.
Laura Cooper, phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về các vấn đề Nga, Ukraine và Á-Âu giải thích thêm cho việc cung cấp bom, đạn chùm rằng: "Điều này là do nhu cầu đột phá hệ thống phòng thủ của quân đội Nga".
Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng nhận định, quân đội Nga sẽ không ngồi bao giờ ngồi im trong chiến hào chờ đợi quân Ukraine ném bom chùm vào họ. Các nhà kho chứa bom chùm cũng như các loại máy bay hoặc UAV mang bom chùm của Ukraine sẽ là mục tiêu của lực lượng phòng không và hệ thống tác chiến điện tử của Nga.
Lê Hưng (Nguồn: TASS)
Bổ ích
Xúc động
Sáng tạo
Độc đáo
Phẫn nộ