Bộ tứ Nga-Mỹ-Ả Rập-Israel bắt tay nhau, Iran "tay trắng" rời Syria?

Quốc Vinh |

Một sự đồng thuận Mỹ-Nga-Ả Rập-Israel đang sắp được thực hiện. Trong khi tất cả các bên có thể vui vẻ mỉm cười, thì Iran sẽ phải "khóc ròng" khi nỗ lực 6 năm ở Syria tan trong hư vô.

Cái bắt tay của Nga-Mỹ

Khi cuộc nội chiến Syria dần đi vào giai đoạn kết thúc, hoạt động của Iran tại quốc gia này đang ngày càng bị theo dõi chặt chẽ hơn.

Trong đó Mỹ, Israel và các quốc gia vùng Vịnh đều có chung mục tiêu loại bỏ sự hiện diện quân sự của Iran tại Syria như một điều kiện tiên quyết để giải quyết xung đột.

Giống như chính quyền tiền nhiệm, Tổng thống Donad Trump chưa bao giờ khoan dung cho tham vọng khu vực của Iran.

Lầu Năm Góc đã duy trì sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Syria nhằm ngăn Iran thiết lập một hành lang kéo dài từ Iraq tới Lebanon, qua lãnh thổ Syria.

Trong năm qua, liên minh do Mỹ dẫn đầu đã thành công trong việc ngăn chặn các lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn thiết lập một chỗ đứng trên bờ phía đông của sông Euphrates, gần biên giới với Iraq.

Mỹ cũng đã ngăn chặn các lực lượng dân quân này tiến gần đến căn cứ al-Tanf nằm giữa biên giới Syria, Iraq và Jordan, nơi Washington duy trì sự hiện diện quân sự để theo dõi hành động của Iran trên khu vực giữa Baghdad và Damascus.

Trong năm qua, cũng có một sự thay đổi lớn trong chính sách về Syria của Israel. Từ khi bắt đầu cuộc nội chiến Syria vào năm 2011, Israel đã có một chính sách phần nào đó có lợi cho Iran.

Trong thời gian này, Israel đã không còn dung thứ cho sự hiện diện quân sự của Iran ở Syria. Khi đã giúp đỡ chính quyền Tổng thống Assad giành chiến thắng trong cuộc chiến, Iran bắt đầu hướng tới việc thiết lập sự hiện diện quân sự vĩnh viễn tại đây. Điều đặt ra một mối đe dọa trực tiếp đến lợi ích của Israel.

Với điều khoản nằm trong thỏa thuận giảm leo thang giữa Mỹ, Jordan và Nga vào tháng 7/2017, Israel đã cố gắng giữ cho lực lượng Iran cách xa khu vực Cao nguyên Golan ít nhất 40 km, nhưng thất bại.

Kết quả là, Tel Aviv buộc phải tự tay hành động để đảm bảo lợi ích an ninh của mình. Từ đầu năm 2018, không quân Israel đã tăng cường các cuộc tấn công vào căn cứ và tiền đồn được cho là của Iran trên khắp Syria.

Nga chắc chắn cảm thấy bị báo động bởi sự leo thang căng thẳng giữa Iran và Israel, nhưng nước này cũng xem đó như một cơ hội. Một cuộc đối đầu giữa hai kẻ thù khu vực ở Syria có thể làm suy yếu những yêu cầu của Tel Aviv về việc Tổng thống Assad phải rời bỏ chiếc ghế quyền lực.

Đồng thời Moscow cũng có thể sử dụng áp lực của Israel làm đòn bẩy chống lại Tehran, buộc lực lượng của nước này phải đi theo đúng định hướng ở Syria.

Cuộc tiến công tới Deraa gần đây của quân đội Syria đã cho thấy người Nga và người Israel đã xác định được một số lợi ích chung ở mặt trận tây nam.

Theo tờ Washington Post, một thỏa thuận đã đạt được hai nước đồng ý trong việc ngăn Iran bén mảng tới Cao nguyên Golan để đổi lấy việc cho phép Damascus giành lại quyền kiểm soát lãnh thổ phe đối lập ở tây nam Syria.

Người Nga dường như cũng sẵn sàng đi xa hơn nữa. Nước này muốn chính quyền Trump nhượng bộ về sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Syria để đổi lấy cam kết kiềm chế Iran.

Điều khoản sẽ bao gồm Mỹ rút quân ra khỏi vùng lãnh thổ của người Kurd ở Syria, phía Đông Euphrates và từ căn cứ al-Tanf ở phía đông nam của đất nước.

Theo Marwan Kabalan, Giám đốc Phân tích Chính sách tại trung tâm Nghiên cứu Chính sách Ả Rập, nếu một thỏa thuận như vậy được thực hiện, tất cả các bên đều có thể vui vẻ mỉm cười, ngoại trừ Iran.

Thành công đó sẽ làm hài lòng người Israel, các quốc gia vùng Vịnh, chính quyền Assad, người Mỹ và cả người Nga - người chơi giành chiến thắng lớn nhất trong cuộc xung đột Syria.

Iran có nguy cơ trắng tay

Bộ tứ Nga-Mỹ-Ả Rập-Israel bắt tay nhau, Iran tay trắng rời Syria? - Ảnh 1.

Iran có thể sẽ phải rời Syria khi cuộc nội chiến kết thúc.

Trong những tháng gần đây, người Iran ngày càng trở nên cảnh giác với các chính sách của Nga tại Syria và các nơi khác trong khu vực. Nước này phàn nàn rằng người Nga không làm gì để ngăn chặn các cuộc tấn công của Israel trên lãnh thổ Syria mặc dù có hệ thống tên lửa phòng không tân tiến đang triển khai trong nước, bao gồm cả S-400.

Điều này đã khiến một số nhà quan sát tin rằng Nga sẵn sàng đứng về phía Israel và chống lại Iran ở Syria.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga, Sergei Ryabkov, thậm chí còn đề xuất rằng Iran nên thực hiện một số nhượng bộ để cứu vãn tình hình. Không chỉ vậy, Nga còn ngày càng hợp tác chặt chẽ với Saudi Arabia – đối địch của Iran – trong các hợp tác về năng lượng.

Trong bảy năm qua, Iran đã đầu tư mạnh vào Syria. Nước này đã mang đến sự hỗ trợ đáng kể cho chính chính quyền Assad, bao gồm cả hỗ trợ tài chính và quân sự.

Theo đặc phái viên Liên Hiệp Quốc, Staffan de Mistura, Iran chi 6 tỷ USD mỗi năm để hậu thuẫn cho chính quyền Damascus.

Để nhận về lợi ích sau đầu tư, Iran đã hy vọng sẽ nắm vai trò quan trọng trong quá trình tái thiết sau chiến tranh của Syria. Tuy nhiên, giờ đây tất cả các khoản đầu tư này đều có nguy cơ mất trắng.

Chuyên gia Kabalan cho rằng, Iran sẽ dùng hết khả năng trong tay mình để chống lại những áp lực bị buộc phải rời khỏi Syria, nơi nắm giữ tài sản rất quan trọng trong kế hoạch địa chính trị của nước này.

Nếu mất tất cả, ảnh hưởng của Tehran với Iraq cũng sẽ bị suy yếu và tuyến đường trực tiếp duy nhất tới Lebanon, nơi đồng minh chính Hezbollah đang hiện diện, sẽ bị chặn lại. Điều này có thể khiến toàn bộ dự án Trung Đông của Iran sụp đổ.

Theo một quan chức Iran, Syria thậm chí còn quan trọng đối với Iran hơn là Khuzestan, lãnh thổ phía nam có nguồn dầu mỏ dồi dào.

Tuy nhiên, các lựa chọn của Iran dường như bị hạn chế. Nước này sẽ rất khó để chống lại sự đồng thuận của Mỹ-Nga-Ả Rập-Israel trong mục tiêu rút tất cả các lực lượng nước ngoài ra khỏi Syria để bắt đầu quá trình ổn định đất nước.

Cuộc nội chiến Syria - một cuộc xung đột đã từng được xem là chiến thắng khu vực vĩ ​​đại nhất của Iran - có thể sẽ trở thành thất bại lớn nhất của nước này trong tương lai gần.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại