Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: "Tuyệt đối không để người dân bị đứt từng bữa ăn"

Thành Công (TH) |

"Lũ đã rút, cần tập trung giúp đỡ cho những gia đình khó khăn, gia đình neo đơn. Tuyệt đối không để người dân bị đứt từng bữa ăn...", Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nói.

Còn rất nhiều điều ám ảnh sau khi cơn lũ dữ đi qua ở miền Trung, không chỉ đối với riêng người trải qua nó, mà còn với cả những người dân trên khắp cả nước hướng về "khúc ruột miền Trung". 

Đó là những nóc nhà lô nhô trong biển nước mênh mông, đục ngầu, những khuôn mặt người ló ra từ một cửa sổ bé xíu của nóc nhà sắp bị nước nhấn chìm, ánh mắt chú bò như cầu cứu trong tuyệt vọng, những tan hoang, những giọt nước mắt, những đôi chân trần lội trong nền nhà đầy những bùn đất đỏ au... Và, đến cả những nụ cười của người dân vùng lũ cũng gây nhói lòng.

Nhiều tấm lòng hảo tâm trên cả nước chung tay hướng về miền Trung trong những ngày qua khiến cho nhiều người cảm thấy ấm lòng.

Ngoài sự giúp đỡ, cứu trợ từ bên ngoài sau khi lũ quét qua, thì những nỗ lực cứu trợ khẩn cấp của chính quyền địa phương tại thời điểm chạy lũ, tránh lũ là điều quan trọng nhất để giảm thiểu tối đa những thiệt hại do lũ gây ra. 

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: Tuyệt đối không để người dân bị đứt từng bữa ăn - Ảnh 1.

Hiệu trưởng Trường mầm non Hương Trạch, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) bật khóc khi nhìn thấy sách vở, đồ dùng học sinh của các em còn lại là đống giấy vụn. Ảnh: Infonet

"Chính quyền xã đã cứu hàng chục người dân đứng kêu cứu trên nóc nhà"

Tại 2 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, công tác cứu trợ đã được các ban, ngành, đoàn thể tiến hành khẩn trương. Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ cùng nhiều phương tiện cứu trợ chuyên dụng đã có mặt ở những vũng bị lụt nặng để di tản người dân, trước là bảo đảm tính mạng, sau là cung cấp nhu yếu phẩm cần thiết. 

Quảng Bình: Ngay tối 14/10, khi nước lũ dâng cao, nhiều nhà dân bị ngập, nhiều tuyến đường bị chia cắt, lãnh đạo tỉnh đã ngay lập tức cử đoàn công tác xuống các địa bàn xung yếu nhất để chỉ đạo công tác cứu trợ, khắc phục thiệt hại.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: Tuyệt đối không để người dân bị đứt từng bữa ăn - Ảnh 2.

Ông Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Tĩnh khảo sát tình hình mưa lũ tại huyện Kỳ Anh. Ảnh: Quân đội Nhân dân

Đêm 14/10, lực lượng công an, quân đội đóng trên địa bàn tỉnh đã dùng thuyền, ca nô hỗ trợ người dân tránh lũ, đồng thời giúp dân di tản đồ đạc, lương thực.

Ông Cao Quang Cảnh - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Bình đã đi đò 1 tiếng vào xã Tân Hóa, huyện Ninh Hòa, rồi lội nước để tiếp cận nhà dân để thống kê các nhu yếu phẩm mà bà con đang cần gấp ở thời điểm đó, bao gồm: gạo, nước sạch, mì tôm, dầu ăn, dụng cụ sinh hoạt...

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: Tuyệt đối không để người dân bị đứt từng bữa ăn - Ảnh 3.

Công an tỉnh Quảng Bình được chia thành nhiều tổ về các vùng lũ lụt giúp đỡ người dân đi tránh lũ trong đêm 14/10.

Tại rốn lũ Tân Hóa (huyện Minh Hóa), 100% các thôn đều chìm trong biển nước, lực lượng biên phòng, công an đã phải huy động thuyền cao tốc giúp bà con đi lại. 

"Xã Tân Hóa có 668 hộ nhưng có 320 nhà nổi nên nhiều gia đình đã cưu mang nhau. Chính quyền xã đã cứu hàng chục người dân đứng kêu cứu trên nóc nhà. Chính quyền đang tìm cách chuyển lương thực và nước uống cho người dân", tờ Tuổi trẻ đã mô tả như vậy ở thời điểm nơi đây đang bị bao vây bởi nước lũ.

Hà Tĩnh: Sáng 15/10, ông Đặng Quốc Khánh - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, Thượng tá Nguyễn Thanh Liêm, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh cùng một số lãnh đạo ban, ngành đã trực tiếp đến kiểm tra ở những vùng bị ngập nặng và kiểm tra tình hình tại thủy điện Hố Hô.

Ông Khánh đã trực tiếp mang từng thùng mỳ tôm đến trao cho người dân ở vùng bị ngập nặng. Từ tình hình thực tế, lãnh đạo địa phương đã chỉ đạo, huy động các lực lượng nhanh chóng cứu trợ người dân. 

Trưa 15/10, ông Lê Đình Sơn - Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh cùng đoàn công tác đã vào chia sẻ với bà con ở xã Phương Mỹ (Hương Khê). Đây là nơi bị ngập sâu và nặng nhất và bị cô lập hoàn toàn nên người dân không thể đi mua đồ ăn, thức uống. Chính quyền địa phương đã nhanh chóng lên phương án, dùng xuống vào tiếp tế đồ ăn, các vật dụng cần thiết cho dân.

Lãnh đạo của các huyện trên địa bàn tỉnh cũng nhanh chóng có mặt ở những nơi bị thiệt hại để chỉ đạo công tác cứu trợ người dân.

Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông trao 100 tấn gạo, gần 5 tỷ đồng cho người dân vùng lũ 

Chiều 20/10, ông Trương Minh Tuấn (Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông) cùng đoàn cứu trợ của Bộ đã trực tiếp đi kiểm tra, thăm hỏi, tặng quà người dân ở Hà Tĩnh và Quảng Bình. 

Đoàn đã trao 100 tấn gạo, gần 5 tỷ đồng cho người dân vùng lũ.

Tại huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), ngoài những phần quà của đoàn, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã dùng tiền của cá nhân hỗ trợ UBND huyện 100 triệu đồng và UBND xã An Thuỷ 50 triệu đồng.

Bộ trưởng Tuấn và đoàn đã ghé thăm gia đình ông Hoàng Văn Tâm (42 tuổi, nông dân ở thôn Long Châu, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) - người đã liều mình vượt lũ cứu 15 người dân bị cô lập trong lũ dữ. Ông Tuấn đề nghị phía tỉnh khen thưởng hành động dũng cảm của ông Tâm.

"Lũ đã rút, cần tập trung giúp đỡ cho những gia đình khó khăn, gia đình neo đơn. Tuyệt đối không để người dân bị đứt từng bữa ăn... Song song với đó cũng cần chú ý xử lý nước sạch, trách dịch bệnh lây lan...'', Bộ trưởng Tuấn nói.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: Tuyệt đối không để người dân bị đứt từng bữa ăn - Ảnh 4.

Người dân miền Trung tránh lũ trên nóc nhà. Ảnh: Hữu Khá/Tuổi trẻ

9 chia sẻ đáng suy nghĩ của vị GĐ Sở TT&TT Hà Tĩnh

Ngoài những nỗ lực cứu trợ trong lũ thì sau lũ, giới chức địa phương ở Hà Tĩnh cũng khá trăn trở quanh việc cứu trợ cho đúng, cho trúng. Điều đó cho thấy sự sát sao của những người đứng đầu với những khó khăn mà người dân phải hứng chịu.

Hôm 21/10, tờ Infonet đã dẫn lại status khá chi tiết của ông Phan Tấn Linh - GĐ Sở TT&TT Hà Tĩnh xung quanh việc cứu trợ và tiếp nhận cứu trợ từ các đoàn hảo tâm cho người dân tỉnh nhà.

9 chia sẻ được ông Linh đặt ra khá chi tiết muốn gửi đến các đoàn cứu trợ để việc cứu trợ có thể phát huy được tối đa hiệu quả của nó.

Nguồn trên dẫn lại 9 vấn đề được ông Linh nhắc đến như sau:

1. Có xã giờ ngập tràn mỳ tôm và gạo, dân không ăn nổi, bỏ đi hoặc bán thì dư luận không hiểu, báo chí phê bình.

2. Xóm khó khăn nhất được nhận hỗ trợ của đoàn đầu tiên, 300k/1suất. Xóm không khó khăn lắm nhận của đoàn đến sau, 1000k/1 suất. Thế là phê bình ban tiếp nhận cứu trợ thiếu khách quan, không công bằng.

3. Xóm có 100 hộ dân, đoàn đến chỉ có 50 suất quà và yêu cầu trao tận tay. Trao xong, 50 hộ không được nhận la ó. Nếu gom lại chia đều, đoàn từ thiện phê bình, báo chí "vào cuộc".

4. Xã A nhiều đoàn trực tiếp đến do báo chí đăng nhiều, xã B sát bên nhưng thuộc địa bàn huyện khác, không có đoàn nào đến. Xã B la ó xã A, la ó huyện, tỉnh.

5. Huyện có 6 xã bị lũ. Xã C đi lại dễ dàng, dễ tiếp cận nên các đoàn tự đến hỗ trợ và chụp ảnh, không nghe giới thiệu của ban tiếp nhận viện trợ. 5 xã còn lại ngóng và phê bình ban tiếp nhận phân phối địa bàn thiên vị, không đều.

6. Xã nọ có đoàn đến cho hàng mấy xe áo quần, cũ có, mới có. Chia cho dân thế nào? Lại la ó phê bình cán bộ, phê bình cứu trợ.

7. Đoàn từ thiện hỗ trợ 5 tấn gạo, yêu cầu chia ra 500 suất quà. Mỗi suất 10kg, ai đi chia hộ ngay được đây? Người đâu mà làm nổi. Chưa làm kịp thì bảo xã không quan tâm dân. Lại phê phán.

8. Đoàn hỗ trợ thuốc Tây, nhưng không biết công dụng gì, chữa bệnh như thế nào. Yêu cầu trao trực tiếp dân, dùng thế nào không ai biết. Không nhẽ đau lưng lại dùng thuốc chống tiêu chảy?

9. Sao không thấy đoàn nào hỗ trợ hạt giống rau để phục hồi sản xuất, hỗ trợ bê nghé, hỗ trợ sách giáo khoa, vở viết, giường chiếu/dụng cụ học tập, ăn uống, vui chơi cho các trường mầm non?

Cùng với đó, ông Linh còn cung cấp những thông tin cần thiết để các đoàn cứu trợ nắm được tình hình thực tế ở địa phương, từ đó có hướng cứu trợ hợp lý nhất. Đó là những thông tin về vùng bị thiệt hại nặng nề nhất, số điện thoại của từng xã bị ngập, số điện thoại tiếp nhận thông tin cứu trợ của tỉnh Hà Tĩnh. 

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: Tuyệt đối không để người dân bị đứt từng bữa ăn - Ảnh 5.

Nhà dân ngập đến nóc. Ảnh: Báo Quảng Bình

Hà Tĩnh: Mưa lũ làm 6 người chết, 108 xã, phường của tỉnh Hà Tĩnh bị ngập, hơn 2.000 con gia súc, 172.735 con gia cầm bị chết, hơn 1.306 ha nuôi trồng thủy sản và 774 ha lúa mùa bị ngập… Ước tính thiệt hại của toàn tỉnh là hơn 994 tỉ đồng, huyện Hương Khê thiệt hại nặng, lên đến hơn 583 tỉ đồng.

Quảng Bình: Lũ làm 25 người chết và mất tích, 92.489 căn nhà bị ngập, 56 căn nhà tốc mái, 18 nhà bị sập.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại