Trong phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện hôm 9/4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói: "Chắc chắn, nếu tôi là Nga, tôi sẽ không muốn điều đó - Ukraine trở thành thành viên NATO. Tôi cũng không muốn Phần Lan và Thụy Điển trở thành một phần của NATO".
Ông Austin cho rằng việc mở rộng NATO trong năm qua đã tạo thêm thách thức cho Nga.
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Ukraine sẽ trở thành thành viên NATO. Ông nói rằng hội nghị thượng đỉnh NATO tại Washington vào tháng 7 sẽ làm rõ vai trò của khối quân sự này trong việc hỗ trợ Ukraine về lâu dài.
Tổng thống Nga Vladimir Putin nhiều lần chỉ trích việc mở rộng NATO. Ông cho rằng việc Ukraine gia nhập liên minh quân sự này sẽ tạo ra mối đe dọa an ninh quốc gia trực tiếp cho Nga, đồng thời nhấn mạnh Moskva coi tình trạng không liên kết của Ukraine là cực kỳ quan trọng để chấm dứt cuộc xung đột kéo dài nhiều năm.
Tham vọng gia nhập NATO của Ukraine là một trong những lý do khiến Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt vào tháng 2/2022.
NATO lần đầu nói về triển vọng kết nạp Ukraine vào năm 2008. Sau đó, từ năm 2014, Ukraine tăng cường quan hệ với NATO, coi việc gia nhập liên minh quân sự phương Tây là mục tiêu chiến lược. Động thái này khiến quan hệ giữa Ukraine và Nga ngày càng căng thẳng và đạt đỉnh điểm vào tháng 2/2022, khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Vào mùa thu năm 2022, Kiev chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO sau khi 4 khu vực trước đây của nước này (Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhia) bỏ phiếu áp đảo để sáp nhập vào Nga.
Bất chấp những lời thúc giục từ Kiev về việc kết nạp nước này vào khối, các quan chức NATO đến nay vẫn từ chối đưa ra thời hạn chính xác cho vấn đề trên. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hồi năm 2023 nhận định vấn đề này sẽ không được đưa ra bàn thảo cho đến khi xung đột kết thúc.