Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, nếu Ukraine bị đánh bại trên chiến trường, các nước vùng Baltic có thể gặp rủi ro.
"Nếu là một quốc gia vùng Baltic, bạn sẽ rất lo lắng về việc liệu mình có phải là mục tiêu tiếp theo hay không. Họ hiểu Tổng thống Putin. Họ biết ông ấy có khả năng gì. Và thành thật mà nói, nếu Ukraine thất thủ, tôi thực sự tin rằng NATO sẽ đi tới chiến tranh với Nga", Bộ trưởng Lloyd Austin nói.
Trước đó, phát biểu với báo giới ngày 26/2, Tổng thống Macron cho biết "không điều gì bị loại trừ" về việc hỗ trợ Ukraine "ngăn cản Nga giành chiến thắng trong cuộc xung đột này". Ông cũng đề cập đến khả năng phương Tây đưa quân vào Ukraine.
Tuy nhiên, Tổng thống Biden công khai tuyên bố quân đội Mỹ sẽ không được triển khai tới Ukraine thậm chí từ những tuần trước xung đột và nhà lãnh đạo Mỹ đã lặp lại lập trường này cả trong thời gian sau đó, Ngày 27/2, Người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby cho biết: "Tổng thống Biden đã có quan điểm rất rõ ràng từ giai đoạn đầu của cuộc xung đột này: Đó là sẽ không có quân đội Mỹ tham gia chiến đấu ở đây".
Trong khi đó, trong bài phát biểu thông điệp liên bang ngày 29/2, Tổng thống Vladimir Putin cảnh báo, những hậu quả cuộc việc can thiệp vào nước Nga sẽ trở nên bi thảm hơn nhiều so với trước đây.
Mới đây, Bloomberg dẫn một nguồn tin cho biết Kiev lo ngại các lực lượng của Nga có thể phá vỡ phòng tuyến của Ukraine vào mùa hè trừ khi các nước phương Tây tăng cường nguồn cung hỗ trợ đạn dược.
Đánh giá của Ukraine về tình hình chiến trường đang ngày càng "ảm đạm" khi lực lượng của nước này phải vật lộn để chống lại các cuộc tấn công của Nga, đồng thời xoay vòng số lượng đạn pháo mà họ có. Các quan chức ở Kiev tin rằng Nga có thể lấy được đà tiến công đáng kể vào mùa hè.
Tổng tư lệnh Ukraine Aleksander Syrsky hôm 28/2 cho biết tình hình ở khu vực Avdiivka và Zaporizhia vẫn còn khó khăn đối với quân đội Ukraine. Ông thừa nhận, Bộ chỉ huy đã đưa ra một số quyết định sai lầm và nói rằng cần phải huy động lực lượng dự bị.