Tại sao Nga và Iran tránh một cuộc chiến với Israel?
Israel có thể làm bất cứ điều gì được cho là cần thiết với Syria để bảo vệ an ninh và lợi ích riêng của mình mà không sợ những phản ứng ngoài dự đoán, hoặc phản ứng mà nước này phải chịu hậu quả.
Điều này là do Israel biết được phản ứng giới hạn của các quyền lực ở Syria, bao gồm cả Nga và Iran, theo Al-Araby Al-Jadeed.
Trước đó, phản ứng của Moscow đối với cuộc không kích của Israel khiến một số người Iran ở Syria thiệt mạng chỉ đơn giản là thông báo cho Đại sứ Israel về cảnh báo của Nga về vấn đề này.
Trong khi đó, số tên lửa của Iran phóng trở lại chỉ có thể được coi là một thông điệp cảnh báo nhiều hơn là động thái trả đũa.
Israel đã vượt qua tất cả các "lằn ranh đỏ" ở Syria, trong khi Nga và Iran đã không đặt ra bất kỳ "lằn ranh đỏ" nào với Israel kể từ khi các động thái tấn công ở Syria của nước này bắt đầu.
Theo các nhà phân tích, rất dễ dàng để giải thích cho cách tiếp cận được coi là "khoan dung" của Nga đối với Israel.
Điều này bao gồm cả sự vận động hành lang của Israel đối với Moscow, với lợi thế là sự hiện diện của một triệu người Do Thái Nga ở Israel, và thực tế là Nga không muốn sa đà vào các rắc rối khác mà lạc khỏi mục tiêu chính của mình ở Syria.
Trong đó, Nga chủ yếu muốn đạt được mục tiêu gây dựng uy tín cho bản thân, đưa Moscow vào một vị thế có tiếng nói trên trường quốc tế, vượt ra khỏi tầm khu vực.
Tuy nhiên, để nói rằng Nga đang "lo ngại" Israel lại là điều không hoàn toàn đúng. Tổng thống Nga Vladimir Putin hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu đưa nước này đến vị thế mong muốn của mình mà không bị cản trở bởi bất kỳ sự cân nhắc hay tính toán nào.
Có thể nhắc đến ví dụ về châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ. Dù Moscow có quan hệ kinh tế và lợi ích chung với các quốc gia này, nhưng kể từ khi tham gia vào cuộc chiến Syria, ông đã xử lý các vấn đề với các mối quan hệ trên bằng một chính sách sắt đá.
Israel đã khôn khéo khi tìm đến mối quan hệ gần gũi với Nga nhiều hơn.
Tổng thống Putin đã cắt đứt quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ và đặt quan hệ hai nước trên bờ vực của chiến tranh, trong khi quan hệ với các nước lớn châu Âu như Pháp, Anh và Đức cũng đã xấu đi.
Vào thời điểm đó, cách tiếp cận của Nga được hiểu là một sự tính toán nắm lấy cơ hội của Moscow khi đang đương đầu với một Tổng thống Mỹ không có được sự cứng rắn – Barack Obama.
Nhưng vì sao với Israel, Nga lại có sự khoan dung rõ ràng? Lời giải thích hợp lý là vấn đề với Tel Aviv không chỉ đơn thuần là sức nặng đến từ hàng triệu người Nga ở Israel.
Dù là chính khách sắt đá và quy tắc nhưng ông Putin không phải là một người không biết tính toán kỹ lưỡng trước khi ra quyết định.
Lý do thực sự S-300 không được giao
Nếu Tổng thống Putin chắc chắn rằng vũ khí của mình có thể thách thức Israel, ông sẽ không chờ đợi quá lâu để dạy cho Tel Aviv một bài học, bởi vì nhà lãnh đạo Nga là người tin rằng quyền lực phải được thực thi đối với kẻ đi bắt nạt nước khác.
Không chỉ có vậy, bằng cách tấn công chính quyền Bashar Al-Assad, Israel đã làm giảm vị thế của Nga và làm suy yếu hình ảnh mạnh mẽ của Nga.Tuy nhiên, câu trả lời là Nga chưa sẵn sàng để dằn mặt Israel khi chưa chắc chắn được rằng công cụ được đưa ra là đủ khuất phục quốc gia này.
Cụ thể hơn, Moscow không muốn dấn thân vào cuộc đối đầu với Israel khi nó sẽ tiết lộ nhiều thiếu sót về mặt công nghệ quân sự của mình. Đây cũng có lẽ là lý do chính khiến Moscow không cung cấp cho chính quyền Assad hệ thống tên lửa S-300, tờ Al-Araby Al-Jadeed nhận định.
Nếu như hệ thống của Nga bị chiến đấu cơ Israel dễ dàng vượt mặt, uy tín về vũ khí quân sự của nước này sẽ bị làm lu mờ, do đó ảnh hưởng đến phần nào thị phần thương mại vũ khí toàn cầu, vốn được coi là lĩnh vực chủ chốt của Moscow.Điều này cũng tương tự với lý do của Iran.
Tehran không quan tâm đến việc đối đầu với Israel dù là trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Nếu không phải vì áp lực truyền thông và sự bối rối khi phải lấy lại thể diện trước đồng minh, nước này sẽ không phải bắn một vài tên lửa vào Israel.
Toan tính của IranIran đang hành động dựa trên những tính toán hợp lý nhất về cơ hội và lợi ích của mình trong khu vực, đặc biệt là chờ đợi tin vui từ các đồng minh trong các cuộc bầu cử nghị viện ở Iraq và Lebanon.
Thành công của các lực lượng đồng minh ở các quốc gia trên sẽ nâng cao vị thế chính trị của Tehran lên tầm cao mới và vì vậy nước này quan tâm đến việc bảo vệ tình trạng hiện tại hơn là mạo hiểm bằng cách tham gia vào một cuộc chiến với Israel, vốn có thể thay đổi sự cân bằng quyền lực theo một chiều hướng rất khác.
Điều quan trọng đối với Iran ở Syria là ổn định chính quyền Assad và không phơi bày ra trước bất kỳ mối nguy hiểm nào có thể gây nguy hiểm cho sự ổn định đó.
Một cuộc chiến tranh với Israel sẽ được coi là một mối đe dọa như vậy, đặc biệt là sau khi nhiều quan chức Israel nhắm thẳng vào chiếc ghế quyền lực của Tổng thống Syria sẽ là cái giá cho việc Iran sử dụng lãnh thổ Syria trong bất kỳ cuộc chiến nào chống lại Israel.