Ngày 6-6, một nguồn tin cho biết Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám đã ký văn bản trả lời Bộ TN&MT liên quan đến việc nhận chìm 1 triệu m3 vật chất nạo vét của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3 (Tuy Phong, Bình Thuận).
Xin nhận chìm cách Hòn Cau 6 km
Trước đó, ngày 27-4, ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ TN&MT, đã có công văn gửi Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Bình Thuận và Ban quản lý Khu bảo tồn Hòn Cau về việc nhận chìm vật chất nạo vét.
Cụ thể, theo Bộ TN&MT, để đảm bảo cho tàu có trọng tải 100.000 DWT vào cảng, chủ đầu tư Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3 sẽ nạo vét khoảng 1 triệu m3 trước bến cảng trên diện tích 5,4 ha.
Để xử lý số vật chất này, chủ dự án dự kiến nhận chìm ở khu vực vùng biển Vĩnh Tân sâu 42-48 m, trên diện tích 300 ha, cách ranh giới Khu bảo tồn Hòn Cau 6 km, cách vùng đệm bãi cạn Breda 6 km và cách vùng đệm đảo Hòn Cau 9 km về hướng Tây. Đây là vị trí đã được UBND tỉnh chấp thuận vào tháng 3-2014…
Để có căn cứ phê duyệt ĐTM, Bộ TN&MT đề nghị cho ý kiến về vị trí nhận chìm.
“Trường hợp không chấp thuận vị trí trên, nêu rõ lý do không chấp thuận và đề nghị chỉ rõ vị trí thay thế để đổ vật chất nạo vét của dự án và gửi về Bộ TN&MT để xem xét, quyết định phê duyệt ĐTM của dự án” - công văn này đề nghị.
Viện dẫn văn bản không còn phù hợp
Về vấn đề trên, Bộ NN&PTNT cho biết: Văn bản của UBND tỉnh Bình Thuận ban hành năm 2014, trước thời điểm Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo và Nghị định số 40/2016 của Chính phủ nên không còn phù hợp với các quy định hiện hành của pháp luật về nhận chìm ở biển.
Đối với việc chỉ rõ vị trí thay thế thì luật đã nêu rõ: “Tổ chức, cá nhân phải đáp ứng điều kiện, có phương án nhấn chìm bảo đảm yêu cầu”. Do đó, trách nhiệm lập phương án nhận chìm ở biển là của chủ dự án.
“Bộ NN&PTNT không có trách nhiệm phải chỉ rõ vị trí nhận chìm cho các dự án xin giấy phép nhận chìm ở biển” - văn bản của Bộ NN&PTNT nêu.
Về quan điểm, tôi nhất trí là không nhận chìm ở biển mà sử dụng vật liệu nạo vét này để san lấp, lấn biển. Tôi đề nghị UBND tỉnh phối hợp với doanh nghiệp lựa chọn phương án thay nhận chìm bằng lấn biển… Bộ trưởng TN&MT TRẦN HỒNG HÀ trả lời tại phiên chất vấn ngày 5-6 về việc xin nhận chìm vật chất nạo vét của dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 3 |
Bộ NN&PTNT viện dẫn văn bản năm 2014 của Bình Thuận: “Trường hợp vật liệu nạo vét không thể san lấp hoặc không có phương án nào khác để giải quyết mới tính đến phương án đổ ra biển”, từ đó yêu cầu chủ đầu tư dự án phải xem xét, bổ sung các phương án, lựa chọn khác trước khi xem xét phương án nhận chìm ở biển là phương án cuối cùng.
Trong văn bản trả lời, Bộ NN&PTNT cũng nêu quan điểm: Vị trí để đổ vật liệu nạo vét mà tỉnh Bình Thuận đồng ý vào năm 2014 là không đảm bảo yêu cầu theo quy định của Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo hiện hành.
Bởi vị trí này quá gần Khu bảo tồn biển Hòn Cau, có thể gây tác động xấu đến môi trường, hệ sinh thái biển tại khu vực này, đặc biệt là đối với Khu bảo tồn biển Hòn Cau và các cơ sở sản xuất giống thủy sản.
Trước đó, một thứ trưởng của Bộ TN&MT có văn bản gửi tỉnh Bình Thuận yêu cầu có ý kiến về việc chủ đầu tư Nhiệt điện Vĩnh Tân 3 xin đổ vật chất nạo vét. Bình Thuận cũng nêu quan điểm là: “Khu vực có Khu bảo tồn biển Hòn Cau nên việc nhận chìm vật chất nạo vét phải cân nhắc, đánh giá tác động môi trường…
Vì vậy, Bình Thuận luôn ưu tiên phương án dùng vật chất nạo vét để san lấp mặt bằng, lấn biển”.
Bình Thuận cũng cho hay là đã chọn được địa điểm xây dựng kè để đổ vật chất nạo vét nên đề nghị Bộ TN&MT hướng dẫn chủ dự án đổ vật chất nạo vét đúng quy định pháp luật.
Xây dựng Trung tâm truyền thông Hòn Cau Ngày 5-6, UBND tỉnh Bình Thuận đã có văn bản gửi Sở TN&MT, UBND huyện Tuy Phong và Ban quản lý Khu bảo tồn biển Hòn Cau. Theo đó, thống nhất vị trí xây dựng Trung tâm truyền thông Hòn Cau trên đảo Hòn Cau thuộc xã Phước Thể, huyện Tuy Phong. Được biết diện tích đất nói trên rộng hơn 500 m2 và UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu Ban quản lý Khu bảo tồn biển Hòn Cau thực hiện đầy đủ thủ tục về đất đai, đầu tư xây dựng đúng quy định, đảm bảo mỹ quan chung của Hòn Cau. Trung tâm là nơi trưng bày, giới thiệu, kêu gọi ngư dân và cộng đồng cùng chung tay bảo vệ những giá trị sinh thái, bảo vệ san hô, bãi rùa đẻ, động thực vật quý hiếm của khu bảo tồn. |