Chọn đổ 1 triệu m3 gần Hòn Cau là để ‘giảm chi phí’

Phương Nam |

Nhà đầu tư vẫn đề xuất nhận gần 1triệu m3 bùn, cát xuống chỗ “gần nhất có thể” với yêu cầu đặt ra đầu tiên là để giảm chi phí và Bộ TN&MT chấp nhận vị trí chỉ cách Hòn Cau hơn 4 hải lý (8,2 km).

Ngày 18-7, tin từ các ngư dân đi ngang hiện trường vị trí nhận chìm 1 triệu m3 bùn cát sau nạo vét xuống vùng biển Tuy Phong (Bình Thuận) cho biết Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 đã triển khai hệ thống phao quây và giăng màn chắn bùn ở khu vực 30 ha dự kiến nhận chìm. 

Một đại diện Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 cho biết dù đã triển khai nhưng vẫn chờ kết quả khảo sát của các cơ quan chức năng mới khởi động dự án.

Theo tài liệu mà chúng tôi thu thập được do chính Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 lập nên, các tác hại của việc đổ gần 1 triệu m3 bùn cát này đã được dự báo.

Đã tính các phương án gây tác động

Báo cáo dự án của Vĩnh Tân 1 cho hay nếu tiến hành nhận chìm trong trường hợp gió Tây Nam, dòng bùn cát có hàm lượng cao vượt giới hạn cho phép sẽ di chuyển về phía Bắc, không gây ảnh hưởng chất lượng nước ven bờ và Khu bảo tồn biển Hòn Cau.

Tuy nhiên, báo cáo này cũng đã thừa nhận sau 30 ngày bắt đầu nhận chìm bùn cát sẽ xuất hiện vùng bùn cát trong ngưỡng cho phép với bán kính khoảng 100 m. 60 ngày sau khi nhận chìm, vùng bùn cát có hàm lượng xấp xỉ ngưỡng cho phép sẽ lan rộng ra 200 m. 80 ngày sau, vùng bùn cát có hàm lượng lớn vượt giới hạn cho phép sẽ phân bố quanh khu vực nhận chìm với bán kính khoảng 150 m.

Theo báo cáo dự án này, hoạt động nạo vét, nhận chìm có tác động nhưng chỉ trong phạm vi tỉnh Bình Thuận. Hoạt động này sẽ tăng hàm lượng chất rắn lơ lửng trong nước, cản trở quá trình quang hợp của thực vật thủy sinh, hạn chế phát triển và làm nghèo đi nguồn thức ăn của các hệ động thực vật.

Việc làm suy giảm hệ sinh thái trong khu vực nạo vét có thể gây ảnh hưởng đến năng suất khai thác, nuôi trồng thủy sản của nhân dân trong khu vực.

Đặc biệt, việc đổ vật liệu nạo vét sẽ gây tác động tức thì trong thời gian thi công và trực tiếp tới hệ sinh thái, tác động này khó phục hồi nhưng chỉ xảy ra cục bộ trong khu vực 30 ha nhận chìm (!).

Cụ thể, ba kịch bản đã được đặt ra. Một là khi lặng gió, vận tốc nhỏ hơn 2 m/giây (điều này ít khi xảy ra ở vùng biển Tuy Phong - PV) thì sự lan truyền các chất lơ lửng từ vị trí nhận chìm không gây ảnh hưởng đến chất lượng nước biển khu vực Hòn Cau nhưng sẽ ảnh hưởng đến khu vực bãi cạn Breda (đây cũng là khu vực có diện tích rạn san hô lớn với khoảng 297 ha và là khu vực lõi cần bảo vệ nghiêm ngặt).

 Cụ thể, trong điều kiện đó nồng độ chất lơ lửng lớn hơn giới hạn cho phép 0,05 kg/m3.

Kịch bản thứ hai là gió Đông Bắc với vận tốc 7,4 m/giây thì sẽ ảnh hưởng đến phía Bắc Hòn Cau, nồng độ chất lơ lửng lớn hơn giới hạn cho phép từ 0,3 đến 0,50 kg/m3.

Và kịch bản thứ ba, nếu gió Tây Nam vận tốc 7,1 m/giây thì không ảnh hưởng đến chất lượng nước và nồng độ chất lơ lửng bỗng nhiên hạ xuống dưới giới hạn cho phép. 

Mặc dù cho rằng kịch bản thứ ba là tối ưu nhưng chủ dự án cũng tính đến phương án bồi thường cho các hộ nuôi tôm giống, cá lồng bè và cả Khu bảo tồn biển Hòn Cau nếu để xảy ra sự cố.

Vị trí nhận chìm “gần nhất có thể” để giảm chi phí

Giải thích vì sao trước đây, vào tháng 11-2016 Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 xin nhận chìm xuống biển hơn 1,5 triệu m3, nay chỉ xin nhận chìm chưa đến 1 triệu m3 bùn cát, báo cáo dự án cho rằng theo tính toán quá trình thi công sẽ tận dụng 600.000 m3 nên thực tế khối lượng nhận chìm sẽ thấp hơn.

Đối với việc vì sao xin nhận chìm xuống biển, công ty này cho rằng đổ trên đất liền sẽ nhiễm mặn. Cạnh đó, sử dụng phương tiện giao thông đường bộ sẽ hư hại đường sá, tăng hàm lượng bụi, khí thải và các chất ô nhiễm dọc đường.

Nguy cơ vật liệu nạo vét bị rửa trôi xuống biển hoàn toàn có khả năng xảy ra. Hơn nữa, với khối lượng 1 triệu m3 cần tới 30 xe tải trọng 10 m3 hoạt động liên tục mỗi ngày 10 chuyến trong thời gian 600 ngày. Và nếu đổ chiều cao 1 m thì phải chiếm dụng hết 100 ha.

Do đó, họ cho rằng đổ thải trên đất liền không mang lại hiệu quả kinh tế và môi trường.

Theo đó, Vĩnh Tân 1 đã đề xuất phương án nhận chìm xuống biển khối lượng nạo vét khổng lồ trên. 

Đáng chú ý, yêu cầu đầu tiên được đặt ra để nhận chìm khối lượng bùn cát trên là vị trí nhận chìm phải “gần nhất có thể” để đạt hiệu quả kinh tế nhất, với mục tiêu giảm chi phí thực hiện nhưng không tác động đáng kể nào tới Khu bảo tồn Hòn Cau. Vị trí này cách địa điểm nạo vét khoảng 13 km.

DN tính lợi cho họ, thiệt hại dân chịu là vô lý

Quá vô lý khi đồng ý vị trí nhận chìm để giúp doanh nghiệp có lợi về kinh tế, còn biển, môi trường, sinh kế, chưa kể chăm sóc y tế thì người dân phải gánh chịu hoàn toàn.

Ông NGUYỄN TOÀN THIỆN, đại biểu HĐND tỉnh, Chủ nhiệm

Đoàn Luật sư Bình Thuận

_________________________

Trình bày về dự án nhận chìm này trước HĐND tỉnh Bình Thuận ngày 13-7, ông Phạm Ngọc Sơn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ TN&MT), cho hay việc nhận chìm có thể xảy ra tác động khi một lớp bùn cát, sét phủ lên rạn san hô gây đục nước biển.

"Vấn đề bây giờ là khi thi công phải làm sao giảm đến mức thấp nhất các thiệt hại này nếu nó xảy ra" - ông Sơn nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại