Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 7/11, trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến khả năng Việt Nam kiện Trung Quốc về những diễn biến vừa qua ở Biển Đông, Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Ngô Toàn Thắng khẳng định, Việt Nam chủ trương sẵn sàng giải quyết các bất đồng bằng mọi biện pháp hòa bình thông qua các tiến trình ngoại giao và pháp lý, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS).
Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng cùng các quốc gia và cộng đồng quốc tế đóng góp tích cực thiết thực vào duy trì trật tự hòa bình, an ninh khu vực, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật ở Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của LHQ về Luật Biển 1982, ông Thắng nói thêm.
Trước đó, tại Hội thảo ngày mùng 6, ông Lê Hoài Trung khẳng định biển Đông đóng vai trò quan trọng trong giao thương và hợp tác quốc tế, đồng thời chỉ ra rằng có những thách thức đang nổi lên đối với hòa bình và ổn định trên biển Đông, bao gồm hoạt động vi phạm luật pháp quốc tế trên các vùng biển - kể cả vùng biển của Việt Nam.
"Việc đơn phương diễn giải luật pháp quốc tế trái với chuẩn mực và lợi ích chung của cộng đồng quốc tế làm giảm lòng tin vào hiệu lực của hệ thống luật pháp quốc tế, xói mòn thượng tôn pháp luật và có thể trở thành các tiền lệ nguy hiểm đe doạ hoà bình, an ninh của khu vực và quốc tế," ông Trung nói.
Từ đầu tháng 7, nhóm tàu khảo sát HD8 của Trung Quốc đã tiến hành 4 đợt khảo sát trái phép xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam (4/7-7/8; 1/8-2/9; 7-23/9; 27/9-24/10).
Vào tháng 8, từng trả lời câu hỏi của Trí Thức Trẻ về khả năng đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, Việt Nam kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, các lợi ích và quyền lợi hợp pháp của Việt Nam bằng các biện pháp hòa bình, theo đúng quy định của luật pháp quốc tế.