Bố mẹ thường nói lời cay nghiệt, con trẻ lớn lên thích mỉa mai người khác: Người tổn thương đừng nên làm tổn thương người khác

Phương Thảo |

Khi còn giữ thói quen châm chọc và làm tổn thương người khác, tôi không suy nghĩ nhiều về hậu quả của nó. Tôi chỉ nghĩ là cha mẹ đã nói chuyện khó nghe và đối xử tệ với mình thì tôi cũng có quyền làm điều tương tự với người khác.

"Đồ hỏng có thể sửa. Vết thương có thể lành. Bất kể trời có tối đến đâu, sẽ đến lúc mặt trời ló rạng." - Khuyết danh

Cha mẹ tôi là những người khó tính và cách nói năng nặng chỉ trích của họ dễ khiến người nghe tổn thương. Cách cha mẹ nói chuyện thường gợi cho tôi cảm giác họ muốn hạ bệ người đối diện.

Mỗi lời mỉa mai, cách họ nửa đùa nửa thật từng khiến đứa trẻ trong tôi cảm thấy tự ti ghê gớm. Tôi bước thấp bước cao vào đời và không thể khai thác hết những tiềm năng của bản thân.

Sự so sánh quá trớn giữa thành tích đì đẹt ở trường của tôi với những đứa trẻ học hành giỏi giang khác và lời lẽ cay nghiệt là những vũ khí mẹ tôi đã lựa chọn.

Khi bị ai đó công kích lòng tự trọng, tâm trạng chúng ta thường bị ảnh hưởng tiêu cực. Bạn cảm thấy mình sinh ra là để bay nhảy nhưng người thân của bạn lại kéo bạn xuống hồ và nhìn bạn vẫy vùng đuối nước.

Một cách tự nhiên, bản năng có thể mách bảo bạn đối xử với người khác như cách bạn từng bị đối xử.

Trong trường hợp của tôi, tôi thường đánh giá và so sánh người khác trong đầu, chọc ngoáy và dùng lời lẽ khiêu khích họ. Tôi nghĩ mọi chuyện khá có lý khi mà tôi đã chọn cho mình nghề luật sư, và bây giờ là cựu luật sư.

Khi còn giữ thói quen châm chọc và làm tổn thương người khác, tôi không suy nghĩ nhiều về hậu quả của nó. 

Tôi chỉ nghĩ là cha mẹ đã nói chuyện khó nghe và đối xử tệ với mình thì tôi cũng có quyền làm điều tương tự với người khác.

Người ta có thể chịu đựng nỗi đau như tôi đã phải trải qua. 

Người ta có thể đối diện với những châm chọc trong lời nói vì ngày xưa tôi cũng bị cha mẹ đay nghiến không ra gì. Người ta phải chịu đựng bạo hành tinh thần vì tôi cũng từng là nạn nhân của bi kịch ấy.

Có thể bạn cũng đã lớn lên trong một gia đình khiến bạn tổn thương sâu sắc. Bạn không thể thoát khỏi cái bóng của nỗi đau dai dẳng bạn từng trải qua. Chẳng biết từ khi nào bạn quen với việc đối xử với người khác như cách bạn từng bị đối xử.

Nhưng sau nhiều bài học trên đường đời, giờ thì tôi nghiệm ra rằng chỉ vì bị ai đó làm tổn thương không có nghĩa chúng ta nên tiếp tục vòng luẩn quẩn đầy nghiệp chướng đó.

Bạn có thể làm chủ mình, bạn không nên để những hành vi diễn ra tự nhiên và vô thức hình thành trong môi trường sống kiểm soát cuộc sống của bạn. 

Bạn có thể thay đổi, chọn những hành động khác và đưa ra những quyết định khác. Bạn có khả năng phá bỏ vòng luẩn quẩn của sự tiêu cực, chỉ trích và ngược đãi.

Bố mẹ thường nói lời cay nghiệt, con trẻ lớn lên thích mỉa mai người khác: Người tổn thương đừng nên làm tổn thương người khác - Ảnh 1.

Sau đây là 6 bước để bạn xoa dịu vết thương lòng và chấm dứt vòng luẩn quẩn đầy tổn thương.

Học cách tha thứ cho những người đã làm tổn thương bạn

Điều này nói sẽ dễ hơn làm nhưng tha thứ là chìa khoá để mọi vết thương được chữa lành. Nếu bạn chưa thể tha thứ ngay hôm nay, ít nhất cũng hãy lên ý định tha thứ cho ai đó. 

Bất kể quá khứ có bi kịch và đau đớn đến đâu, khi bạn quyết định cho qua lỗi lầm của người khác, bạn sẽ trút được một gánh nặng lớn trên vai và sống nhẹ nhõm hơn.

Đứng trên lập trường của kẻ đã gây cho bạn tổn thương là một gợi ý để nhìn nhận hành vi của người đó ở những góc nhìn khác nhau.

Hãy tìm ra lý do vì sao hành xử và tính cách của người đó lại bị ảnh hưởng như vậy. Ví dụ, bố mẹ tôi cũng được nuôi dạy như cách bố mẹ nuôi dạy tôi vậy. 

Ngoài ra, các bậc cha mẹ người châu Á có xu hướng thẳng thắn và đặt ra cho con cái rất nhiều tiêu chuẩn vì muốn con ra đời thành công. Mục đích của họ thì tốt nhưng cách giáo dục của nhiều cha mẹ đã đi sai đường.

Hãy nhìn vào họ qua lăng kính của lòng biết ơn. Dù họ đem lại cho bạn đau thương nhưng sẽ có những điều bạn cần biết ơn cha mẹ. 

Trong những nỗi đau bạn trải qua có gì đáng trân trọng? Tôi có được lòng trắc ẩn, nền tảng cho công việc của tôi, là nhờ cha mẹ. 

Vì lớn lên phải chịu nhiều tổn thương, giờ đây tôi làm những công việc có thể giúp người khác bớt đau đớn và tìm thấy bình an trong tâm hồn.

Hãy đối xử với những người đã làm tổn thương bạn trên góc độ tình cảm. Nếu bạn bao dung hơn, bạn sẽ giải thích cho hành động của họ theo một cách khác.

Bố mẹ thường nói lời cay nghiệt, con trẻ lớn lên thích mỉa mai người khác: Người tổn thương đừng nên làm tổn thương người khác - Ảnh 2.

Học cách xoa dịu nỗi đau tâm hồn

Thay vì chìm đắm trong sự oán giận, bạn nên chăm sóc cho đời sống tinh thần của mình.

Phân tích những tổn thương mà người khác gây ra cho bạn. Những hành động đó tác động đến cuộc sống của bạn như thế nào và bạn cần quyết định mình nên làm gì để hồi phục những vết thương đó.

Bạn có thể tìm đến các chuyên gia tâm lý nếu cần thiết. Lựa chọn một liệu trình phù hợp với tình trạng của bản thân. Viết về nỗi đau của bạn. 

Thử tiếp cận với một loại hình khoa học tâm lý. Đặc biệt bạn cần xem lại liệu cách mình đối xử với bản thân có tương tự như cách những người đã từng làm tổn thương bạn đối xử với bạn trong quá khứ.

Tìm kiếm một hình mẫu lý tưởng

Hãy tự quan sát hành động của bản thân, chú ý xem bạn thường làm gì khi ai đó làm tổn thương hoặc chọc giận bạn. Bạn phản ứng thế nào khi bị dồn đến tận cùng giới hạn chịu đựng?

Nếu bạn không biết cách phản ứng khác với cách những người nuôi dạy bạn từng làm, hãy tìm kiếm một hình mẫu khác để noi theo. 

Hãy chọn những người biết phản ứng lạc quan và tích cực với các vấn đề nảy sinh trong đời sống cá nhân của họ.

Học từ những người đó. Ghi chép. Sau cùng rút kinh nghiệm cho cách xử lý các vấn đề của chính bạn.

Bố mẹ thường nói lời cay nghiệt, con trẻ lớn lên thích mỉa mai người khác: Người tổn thương đừng nên làm tổn thương người khác - Ảnh 3.

Luyện tập hành xử tích cực và có kiểm soát

Nếu bạn từng được dạy cách cư xử và ăn nói bỗ bã, thô lỗ, khi đã ý thức được vấn đề, bạn cần rèn luyện lối giao tiếp mềm mỏng hơn. 

Kiềm chế những lời nói dễ gây tổn thương lại, truyền tải mong muốn của bạn bằng ngôn ngữ dễ nghe hơn và tôn trọng những giới hạn của người khác. 

Học cách lắng nghe chăm chú thay vì phản ứng bốp chát trước mọi ý kiến người khác phản ánh với bạn.

Đã có lần tôi đến tham dự một sự kiện với tư cách khách mời. 

Khi tôi vào bãi đỗ xe, một người nào đó nói với tôi rằng tôi không thể đỗ xe ở ô tôi đang định tấp vào mà phải đỗ ở một khu xa hơn và đi bộ vào sảnh. Khu vực tôi định đỗ xe được dành cho đại diện các nhãn hàng tham dự sự kiện đó.

Phản ứng đầu tiên của tôi là phản đối lại, nêu ra quy định bãi đỗ xe làm căn cứ, đòi gặp quản lý và to tiếng về việc rất bất công khi tôi phải đỗ xe ở một chỗ xa lắc trong khi ngay đây vẫn còn chỗ trống.

Tôi ngẩng lên và bắt gặp biểu cảm lúng túng trên gương mặt người đàn ông đang đeo huy hiệu tình nguyện viên. Máu bớt nóng hơn và cơn giận trong tôi dịu lại, tôi không to tiếng nữa và nghĩ ra lý do để thông cảm cho anh ta. 

Tôi nói với mình là người ấy chỉ đang cố làm hết khả năng và dành sự quan tâm cho người đại diện các nhãn hàng, những người cực kỳ quan trọng tới sự thành bại của một sự kiện.

Ngay cả khi người đó có sai và có hơi bất công, tôi vẫn có thể góp phần giúp ngày làm việc của anh ta bớt căng thẳng hơn. 

Tôi có thể ngăn mình tránh cãi vã, làm lớn chuyện hay tấn công bằng lời nói với một người đang cố hết sức mình để làm tròn nhiệm vụ.

Bố mẹ thường nói lời cay nghiệt, con trẻ lớn lên thích mỉa mai người khác: Người tổn thương đừng nên làm tổn thương người khác - Ảnh 4.

Tập trung vào phản ứng của chính bạn thay vì hành xử của người khác

Bạn không thể kiểm soát phản ứng của người khác nhưng bạn có thể rèn luyện việc quan sát, thay đổi và cải thiện phản ứng của mình.

Hãy tìm kiếm những động cơ và hành vi có thể khiêu khích bạn. Phát hiện phản ứng tức thời của bạn khi bị người khác đối xử tệ, không tôn trọng hoặc chỉ trích bạn. 

Sau đó thay vì đáp trả ngay lập tức, hãy dừng lại, hít thở sâu, tự kiểm điểm mình, phân tích và quyết định một bước đi thật hợp lý.

Đây là điều tôi đã phải làm khi trao đổi với một người phụ nữ tôi mới biết qua trang blog của mình và cô ấy bày tỏ việc không thể hiểu được lối viết của tôi.

Tôi nhận ra những nhận xét của cô ấy có phần dửng dưng và không mang tính xây dựng, lại hơi chỉ trích. 

ôi đã muốn đáp lại người ta bằng cách hạ thấp giá trị nào đó mà người đó coi trọng nhưng sau vài ngày bình tĩnh lại, tôi tập trung vào phản ứng của mình. 

Tôi nén cơn giận, suy nghĩ lại về sở thích đơn giản của cô ấy với truyện viễn tưởng và đi đến kết luận rằng mỗi người có một khẩu vị đọc khác nhau.

Tôi vẫn thấy tổn thương và tôi nói cho cô ấy biết về điều đó nhưng không gây hấn lại với người ta. Tôi đã có thể bày tỏ rằng tôi tổn thương mà không làm tổn thương lại cô ấy, cô ấy cũng nói lời xin lỗi. Tôi đã thắng!

Bố mẹ thường nói lời cay nghiệt, con trẻ lớn lên thích mỉa mai người khác: Người tổn thương đừng nên làm tổn thương người khác - Ảnh 5.

Đẩy những ký ức tối tăm vào dĩ vãng

Hãy nhắc nhở bản thân rằng dù bạn lớn lên bên những người không hoàn hảo, chứng kiến mặt trái của xã hội, bạn vẫn có quyền lựa chọn cách đối xử với những người khác và cách xuất hiện trước cả thể giới.

Bạn có thể sống theo bản năng là tiếp tục làm tổn thương người khác hay tệ hơn là tìm cách trả thù, lặp lại những thói quen độc hại và tiêu cực bạn vẫn chứng kiến khi lớn lên hoặc bạn có thể chủ động tiến những bước đi khác và đưa ra những lựa chọn khác.

Bạn có thể đưa mình thoát khỏi cái bóng của những hành vi xấu xa, lối giáo dục độc ác, ngược đãi và cẩu thả. Bạn có thể bước ra ngoài thế giới với tình yêu và gieo rắc dấu ấn của mình bằng lòng trắc ẩn và sự đồng cảm.

Bạn có thể hàn gắn nỗi đau không chỉ cho bản thân mà còn cho những người xung quanh bằng cách chứng minh cho những người bị tổn thương thấy sự tha thứ, thấu hiểu, tình yêu và lòng trắc ẩn vẫn có thể có ngay cả khi bạn từng bị tổn thương. 

Làm được điều này, bạn sẽ góp phần biến thế giới trở thành nơi bớt đau thương hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại