Nhiều cuộc khảo sát đã chỉ ra rằng các bố mẹ hầu hết đều không thích việc la hét, quát mắng hay đánh đòn con cái của mình. Họ biết đó là hình thức kỷ luật hết sức sai trái và có thể gây hậu quả nặng nề đến tính cách cũng như tâm hồn của một đứa trẻ.
Tuy nhiên, cũng chính các bậc bố mẹ này lại thừa nhận rằng, dù không thích, họ vẫn phải quát mắng, thậm chí đánh con rất nhiều, dần dần đã tạo thành một thói quen trong gia đình.
Nhưng trong khi chưa thể tìm ra cách để ngay lập tức xóa bỏ đi thói quen có hại này thì bố mẹ hãy hạn chế dần 10 thời điểm "tệ" nhất nếu quát mắng con. Đó là những thời điểm mà hậu quả của việc la hét, quát mắng, đánh đòn con lớn hơn bao giờ hết:
Bố mẹ hãy để con có được khởi đầu trọn vẹn nhất trước khi đến trường và bắt đầu ngày mới (Ảnh minh họa).
Sáng sớm
Chắc chắn không ai muốn khởi đầu ngày mới với những tiếng quát tháo, khiển trách hay đòn roi. Người lớn cũng thế. Và trẻ con cũng vậy.
Thời điểm sáng sớm thường quyết định một ngày có vui vẻ, hạnh phúc hay không và tạo cảm hứng rất lớn để cố gắng nỗ lực làm mọi chuyện.
Vậy nên, bố mẹ hãy để con có được khởi đầu trọn vẹn nhất trước khi đến trường và bắt đầu ngày mới. Nếu con có lỗi, bố mẹ hãy tạm gác lại và dành thời gian hợp lý hơn để nhắc nhở trẻ, ví dụ như lúc trò chuyện trước khi đi ngủ.
Trong lúc ăn cơm
Hình ảnh những bát cơm chan nước mắt có lẽ vẫn còn luôn ám ảnh trong rất nhiều người lớn cho đến tận bây giờ, thế nhưng họ lại không nhớ đến điều này khi muốn quát mắng con.
Vậy nên, bố mẹ vẫn thường mắng trẻ ngay cả khi trẻ đang ăn mà không biết rằng việc này sẽ ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý trẻ, khiến trẻ bị ức chế, ăn không ngon miệng và các dưỡng chất khó có thể được hấp thu.
Nếu muốn mắng trẻ vì một việc gì đó, hoặc ngay cả việc la hét, đánh đòn vì trẻ ăn chậm, lơ đễnh thì bố mẹ cũng nên để dành lại sau. Hãy cố gắng giữ cho mình bình tĩnh và “giáo dục” trẻ vào thời điểm thích hợp hơn.
Khi bố mẹ đang bực tức, cáu kỉnh
Bố mẹ có thể không vui khi bị sếp mắng, vợ chồng cãi vã, bực mình chuyện ngoài đường… nhưng xin đừng trút tất cả những cơn thịnh nộ lên đầu trẻ. Đừng nhân tiện khi tâm trạng đang “nóng” mà quát mắng trẻ vì những lỗi lầm nhỏ xíu.
Đừng nhân tiện khi tâm trạng đang "nóng" mà quát mắng trẻ vì những lỗi lầm nhỏ xíu (Ảnh minh họa).
Trong trường hợp này, nếu bố mẹ mang chuyện của con ra dạy bảo thì rất dễ khiến con nảy sinh trạng thái ức chế, cảm giác không công bằng, bất mãn.
Và thậm chí hình tượng vốn đẹp đẽ của bố mẹ trong lòng con cũng tan biến. Vậy nên, tốt nhất là bố mẹ hãy bình tĩnh trước tiên, nếu muốn trách cứ con chuyện gì đó.
Ngay tại thời điểm trẻ mắc lỗi
Ví dụ như khi trẻ vô tình làm vỡ một chiếc bình hoa và đang cảm thấy cực kỳ sợ hãi thì đã nghe thấy tiếng bố mẹ quát tháo ầm nhà, thậm chí còn không muốn tìm hiểu nguyên nhân.
Việc bố mẹ chỉ quan tâm đến kết quả, không màng đến lời giải thích của trẻ và quát mắng, áp đặt, kết luận ngay lập tức rằng con là đứa trẻ hư sẽ khiến tâm lý của trẻ bị tổn thương nặng nề. Trẻ sẽ có cảm giác như mình là đồ bỏ đi, không được coi trọng và dần dần mất đi ý thức cầu tiến, cố gắng.
Giữa chốn đông người
Nếu muốn con càng ngày càng trở nên nhút nhát, tự ti vào bản thân và cảm thấy cô đơn, sợ hãi khi đứng trong đám đông – thì bố mẹ hãy cứ mang lỗi lầm ra mà mắng con khi đang có nhiều người chứng kiến.
Còn nếu bố mẹ muốn điều ngược lại, thì hãy tránh xa thời điểm này nếu muốn nhắc nhở con.
Bởi cũng giống như người lớn, trẻ luôn có nhu cầu cần được tôn trọng và thể hiện bản thân mình. Vậy nên bố mẹ hãy cố gắng để hiểu suy nghĩ của trẻ và chọn cách ứng xử thích hợp với con khi đang ở giữa đám đông hay khi nhà có khách tới chơi…
Trẻ đã biết lỗi, hổ thẹn
Bố mẹ sẽ cảm thấy thế nào nếu bản thân mình đã biết lỗi, đã tự rút ra được kinh nghiệm rồi mà vẫn bị người khác mắng không ngừng nghỉ? Cảm giác của trẻ cũng như thế.
Khi trẻ đã biết lỗi, cảm thấy xấu hổ mà bố mẹ vẫn tiếp tục quát tháo sẽ chỉ khiến cho trẻ càng cảm thấy tệ hại hơn rất nhiều lần. Trẻ sẽ thui chột ý chí cố gắng, thậm chí trong những lần sau còn có xu hướng nói dối, phủ nhận lỗi lầm vì biết chắc rằng dù mình có nhận lỗi thì bố mẹ cũng không tha thứ.
Bố mẹ sẽ cảm thấy thế nào nếu bản thân mình đã biết lỗi, đã tự rút ra được kinh nghiệm rồi mà vẫn bị người khác mắng không ngừng nghỉ? Cảm giác của trẻ cũng như thế. (Ảnh minh họa).
Lúc trẻ bị ốm, uể oải
Khi trẻ bị ốm, tâm trạng sẽ thường trở nên cáu kỉnh, khó bảo hơn và đương nhiên là không thể tiếp thu được trọn vẹn những lời quát mắng, nhắc nhở của bố mẹ.
Thậm chí, trẻ sẽ càng cảm thấy mệt mỏi, bi đát và lâu vượt qua trận ốm hơn. Ngoài ra, nếu bố mẹ la hét vào lúc này, thì không khí trong gia đình cũng trở nên càng ngột ngạt, nặng nề với tất cả mọi người.
Trẻ đang buồn ngủ hoặc vào ban đêm
Thời điểm khi trẻ chuẩn bị đi ngủ hoặc vào tối muộn, nếu bố mẹ quát mắng con một cách gay gắt thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng giấc ngủ của trẻ.
Trẻ sẽ đi ngủ với tâm trạng uất ức, tủi hờn, thậm chí có khi còn khiến trẻ ngạt mũi vì nước mắt, nước mũi trong lúc khóc hoặc trẻ dễ bị giật mình, gặp ác mộng khi đi ngủ. Và giấc ngủ không trọn vẹn cũng khiến ngày hôm sau của trẻ không được như ý.
Khi trẻ đang vui mừng
Hãy để trẻ có những khoảnh khắc vui vẻ thật tròn đầy, cùng trẻ chúc mừng niềm vui này trước tiên thay vì quát mắng trẻ vì lỗi lầm nào đó.
Bởi vì khi vui mừng, các chất dẫn truyền thần kinh sẽ được phóng thích, tạo ra sự khai thông tốt cho các kinh mạch. Trách mắng trẻ lúc này sẽ khiến tinh thần bị ức chế đột ngột, gây hại cho cơ thể.
Lúc trẻ đang lo lắng, buồn rầu
Khi trẻ gặp chuyện buồn thì thật sự rất cần những cái ôm, lời an ủi và sự chia sẻ của bố mẹ. Nếu bố mẹ lại không biết vậy mà còn trách mắng trẻ, la hét vào lúc này sẽ càng khiến cho tâm trạng trẻ xấu đi, tạo thêm những áp lực vô hình đè nặng lên cảm xúc của trẻ.
Vậy nên, hãy giúp trẻ giải tỏa cảm xúc tiêu cực trước khi muốn dạy bảo trẻ về điều gì đó.
Nguồn: Mother, Parent