Theo PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường đại học Giáo dục (Ðại học Quốc gia Hà Nội), khi căng thẳng quá mức, chính bản thân bố mẹ cũng không kiểm soát cảm xúc nên có thể phạt con khắc nghiệt hơn ngày thường một chút. Cuộc sống với những áp lực bủa vây nên đôi khi các con cũng thấy mình không kiểm soát được hành vi, trong trạng thái đó các con cũng không tập trung được, có khi ngồi cả tiếng cũng không học được.
PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường đại học Giáo dục (Ðại học Quốc gia Hà Nội)
Chúng ta phải hiểu đằng sau việc ứng xử sai đó là gì? Là con muốn mẹ dừng việc bận rộn lại và quan tâm con hơn một chút, bố mẹ hãy coi lỗi lầm của con thành cơ hội để hiểu con hơn, liệu có phải con đang thiếu sự quan tâm và đang cần sự quan tâm không?Hơn ai hết, bố mẹ phải hiểu, khi con mất kiểm soát thành những đứa trẻ chưa ngoan, đằng sau hành vi ứng xử sai đó có nhiều lý do khác nhau như lo lắng vấn đề gì đó, hay có sự cố khi tham gia mạng xã hội...
Nhiều bố mẹ cho rằng mình đã đầu tư cho con nhiều thứ nên con phải làm tốt, nếu không làm được thì con phải tự trừng phạt bản thân... Vậy nên thấy con điểm chưa đạt mong muốn là bố mẹ chì chiết.
Nhiều khi bố mẹ không cần áp lực, khi con không được thành tích tốt trong học tập về nhà con buồn là các con tự trừng phạt bản thân mình theo cách riêng rồi.
“Nếu con của chúng ta đang có biểu hiện liên quan đến sức khỏe tâm thần thì chúng ta phải sẵn sàng, chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ.
Ví như có thể nhờ sự hỗ trợ từ phía nhà trường vì mỗi trường có phòng tham vấn tâm lý đáp ứng yêu cầu của học sinh.
Chúng ta hãy xem việc con cái của chúng ta trên quãng đường có những thất bại là bình thường. Nên khuyến khích các con trải nghiệm nhiều, các con phải có tu suy mở, hãy tin mình học bất cứ thứ gì mình muốn, mình có thể làm bất cứ thứ gì nếu mình cố gắng, năng lực của mình tùy thuộc vào nỗ lực hàng ngày của các con và thái độ của các con đối với công việc đó”, PGS.TS Trần Thành Nam nói.
Làm thế nào nhận ra con mình đang căng thẳng?
Theo chuyên gia tâm lý Trần Thành Nam thì phụ huynh có thể dành thời gian quan sát con, biểu hiện con đang căng thẳng là con dễ cáu, thậm chí không chú ý đến người khác, vô tâm với mọi người trong gia đình, thay đổi nếp ăn ngủ, gặp khó khăn khi đi học thấy mệt mỏi, không tiếp thu được bài...
Khi bố mẹ thấy con đau khổ, lo lắng về mọi thứ, ngồi học 10 phút không nhớ mình học cái gì... thì nên khuyên con nghỉ ngơi vì đầu óc tê liệt, tư duy ức chế thì việc học cũng không thể hiệu quả.
Ảnh minh họa |
“Căng thẳng, lo lắng trong cuộc sống là việc bình thường nên phụ huynh phải giúp con học kỹ năng thích ứng, ứng phó với căng thẳng, thay đổi, mỗi ngày hãy dành ra một thời gian nhất định để chơi thể thao, thư giãn...
Bố mẹ cần quy định về thời gian để đảm bảo giấc ngủ của con chất lượng, phải cân bằng thể chất, thư giãn hợp lý.
Trong nhà, bố mẹ cũng nên đặt ra quy tắc, ví như lúc nghỉ hay chơi thì dành trọn vẹn, giới hạn thời gian tiếp cận với màn hình điện thoại để nói chuyện về công việc ngày hôm đó với nhau. Điều này sẽ giúp các thành viên trong gia đình tăng cường sự kết nối, bố mẹ và con hiểu nhau hơn.
Thời ngủ cũng không đùng điện thoại để chăm sóc giấc ngủ tốt hơn, để có tinh thần thoải mái. Chỉ khi thoải mái thì cuộc sống mới nhẹ nhàng, làm việc hiệu quả hơn”, PGS.TS Trần Thành Nam nói.
Cũng theo chuyên gia này thì bố mẹ nên dạy con cách quản lý thời gian hiệu quả, thời gian dành cho việc học phải giới hạn cân bằng với thời gian thư giãn... Kể cả người lớn cũng đừng để thế giới của chúng ta ngập trong thiết bị công nghệ.