Bộ GTVT lên tiếng về quy hoạch ga Hà Nội: Nguy cơ quá tải hạ tầng

KHÁNH HOÀ |

Không chỉ các chuyên gia lo ngại và có ý kiến trái chiều, ngày 30.10 Bộ GTVT đã chính thức đưa ra nhiều lưu ý dành cho đồ án Quy hoạch phân khu đô thị Khu vực ga Hà Nội và vùng phụ cận liên quan, trong đó, nhấn mạnh tới nguy cơ quá tải hạ tầng hay những nội dung chưa phù hợp với Quy hoạch chung của thành phố.

Đề xuất rà soát, tính toán lại nhiều thông số

Trong công văn vừa được Thứ trưởng Nguyễn Văn Công ký gửi UBND TP.Hà Nội, Bộ GTVT đưa ra hàng loạt lưu ý với đồ án đặc biệt trong bối cảnh Hà Nội đang bị quá tải về hạ tầng đô thị.

Cụ thể, chỉ tiêu quy hoạch đất dành cho giao thông chỉ khoảng 25%, trong khi đó đồ án chưa nêu được nhu cầu giao thông của người dân tăng/giảm so với trước đây và so với các chỉ tiêu yêu cầu như mật độ đất dành cho giao thông; mật độ đường giao thông/1.000 dân; mật độ đường giao thông/1km2… chưa tính toán kỹ lượng khách ra/vào khu vực đầu mối giao thông các khu vực thương mại trong phạm vi quy hoạch nhất là khi hình thành các trung tâm thương mại tập trung tại khu vực này.

Đồ án cũng được nhận định chưa tận dụng, khai thác triệt để không gian ngầm khu vực ga Hà Nội.

Do đó, Bộ GTVT cho rằng TP.Hà Nội cần rà soát kỹ khả năng đáp ứng nhu cầu vận tải khi dân số quy hoạch tại đồ án này là 220% so với nhiệm vụ được duyệt, và 120% so với hiện trạng.

Bộ GTVT cũng nhận định với quy hoạch trên, mật độ giao thông ở đây sẽ tăng lên rất nhiều so với số dân cư thường trú dự báo, cũng như so với mật độ giao thông hiện nay.

Vì vậy, bộ đề nghị cần rà soát các số liệu điều tra khảo sát hiện trạng, phân tích tính toán kỹ về dự báo nhu cầu vận tải khu vực quy hoạch để đảm bảo tỉ lệ quỹ đất dành cho giao thông, cũng như năng lực đáp ứng của các loại hình vận tải so với nhu cầu hành khách tham gia giao thông và nghiên cứu bổ sung dự báo lưu lượng hành khách của tuyến đường sắt tốc độ cao phân bổ cho khu vực quy hoạch.

Bộ cho rằng, đề nghị bổ sung các chỉ tiêu dự báo nhu cầu vận tải, rà soát các giải pháp để giảm ùn tắc giao thông trong khu vực xây dựng quy hoạch, các bước triển khai thực hiện.

Không chỉ đề xuất tính toán lại nhiều thông số, Bộ GTVT còn nhận định một số nội dung của đồ án chưa phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội và đề nghị UBND TP.Hà Nội nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, có ý kiến chỉ đạo đảm bảo đồng bộ, thống nhất giữa các đồ án quy hoạch.

Liên quan tới đề xuất xây các công trình cao tầng tại khu vực ga, Bộ GTVT cho rằng, cần lưu ý về không gian giữa chiều rộng các tuyến đường với chiều cao các tòa nhà và không gian sử dụng đất, nhất là các công trình dọc tuyến đường Lê Duẩn, cửa ngõ của thủ đô trong đó lưu ý đảm bảo hài hòa với cảnh quan kiến trúc của nhà ga Hà Nội hiện tại có kiến trúc cổ cũng như các công trình quy hoạch mới.

Ngoài ra, theo Bộ GTVT, khu vực ga Hà Nội có cốt cao độ thấp, thường bị ngập úng, vì vậy cần lưu ý quy hoạch các công trình ngầm, công trình thoát nước để chống ngập.

Bộ GTVT lên tiếng về quy hoạch ga Hà Nội: Nguy cơ quá tải hạ tầng - Ảnh 1.

Tuyến phố Khâm Thiên (Hà Nội) thường xuyên xảy ra ùn tắc kéo dài. Ảnh: A.C

Hiện hữu nguy cơ “vỡ trận giao thông”

Không chỉ Bộ GTVT, các bộ, ngành liên quan như Xây dựng, Văn hoá cũng phải góp ý vào đồ án này sau khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo cần thận trọng trong công tác quy hoạch, bảo đảm phát triển bền vững.

Trong khi đó, hầu hết các chuyên gia đều lo ngại về ảnh hưởng của đồ án này đặc biệt là nguy cơ vỡ trận giao thông khi mà Hà Nội đề xuất xây 6 khu cao 40-70 tầng và 3 khu thấp tầng, tổng diện tích đất lập quy hoạch khoảng 98ha, với tổng dân số dự kiến 44.000 người (trong đó tái định cư tại chỗ 100% dân số hiện tại khoảng 40.300 người).

PGS-TS-KTS Trần Trọng Hanh - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội - nhận định, trong những năm gần đây công tác quản lý vận hành quy hoạch chưa được đảm bảo khi mà quá nhiều chung cư, nhà cao tầng mọc lên, làm dân số tăng nhiều lần.

Từ những năm 2000, Thủ tướng đã định hướng giãn dân khu vực nội đô lịch sử (từ vành đai vào trung tâm) xuống còn 80 vạn dân nhưng trong 5 năm qua dân số Hà Nội không giảm xuống còn 80 vạn dân như quy hoạch mà đã tăng lên, thậm chí dân số trong nội đô đã vượt 1,2 triệu dân và có nguy cơ tăng lên cao nếu đồ án này được triển khai.

“Chính quyền đô thị cũng phải ý thức trước những nguy cơ như ách tắc giao thông, nguy cơ ngập úng, nguy cơ tăng áp lực đô thị. Liệu khu vực này có đủ điều kiện để dung nạp thêm dân cư không?” - ông Hanh đặt vấn đề.

Cùng quan điểm, ông Đỗ Viết Chiến - nguyên Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), Phó Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam - cho rằng, nếu xây dựng ga Hà Nội như đồ án của UBND TP.Hà Nội thì việc phá hỏng định hướng quy hoạch là đương nhiên và “Hà Nội nói có thể sẽ kiểm soát để không làm tăng mật độ dân cư nhưng tôi không hiểu kiểm soát bằng cách nào? Phải nói rằng, cao ốc, trung tâm thương mại là khối nam châm hút người từ khu vực khác chứ không phải dân cư khu vực ga Hà Nội. Khi đó lấy đường đâu mà đi”.

“Mượn” ga Hà Nội làm tâm điểm, đồ án trùm “đất vàng” 4 quận trung tâm

Đồ án khéo léo “ôm trọn” đất vàng ở trung tâm Hà Nội khi bao trùm địa giới hành chính các quận Đống Đa (các phường Văn Miếu, Quốc Tử Giám, Hàng Bột, Văn Chương, Khâm Thiên), quận Hoàn Kiếm (phường Cửa Nam), quận Ba Đình (phường Điện Biên), quận Hai Bà Trưng (phường Nguyễn Du) với tổng diện tích đất khoảng 98,1ha. Vùng ảnh hưởng của đồ án liên quan tới khoảng 44.000 dân.

Điểm đáng chú ý của đồ án là sự hiện diện của hàng loạt cao ốc từ 40-70 tầng cho các khu tài chính, thương mại quốc tế; lối sống mới hay nghỉ dưỡng đô thị.

Dù có những cái tên khác nhau nhưng khu vực này được quy hoạch để “cao tầng hoá” với mật độ cao và ga Hà Nội mang tiếng là trung tâm nhưng thực chất chỉ là một phần rất nhỏ.

Các khu vực thuộc đồ án được chính đơn vị lập đánh giá chủ yếu là các khu phố cũ đông dân cư. Đây cũng là nơi tập trung nhiều khu di tích lịch sử và trụ sở nhiều bộ ngành như Bộ Công an, Bộ KHĐT… cùng các bệnh viện Giao thông vận tải, Viện Da liễu…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại