Nguy cơ từ đồ án xây dựng ga Hà Nội: Đi ngược quy hoạch - vỡ trận giao thông

VƯƠNG TRẦN - THÔNG CHÍ |

Đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận đang được TP.Hà Nội xin ý kiến các bộ, ngành trước khi báo cáo Thủ tướng, có 6 khu đề xuất xây dựng cao 40 - 70 tầng và 3 khu thấp tầng, tổng diện tích đất lập quy hoạch khoảng 98ha, với tổng dân số dự kiến 44.000 người (trong đó tái định cư tại chỗ 100% dân số hiện tại khoảng 40.300 người).

Theo nhiều chuyên gia, kiến trúc sư, nhà quản lý quy hoạch đô thị, với đồ án này, Hà Nội đang đi ngược hoàn toàn định hướng quy hoạch, và nếu đồ án được thông qua có thể xảy ra hệ luỵ "vỡ trận giao thông".

Cao ốc chưa xây, đường đã ùn tắc

Ghi nhận của PV Báo Lao Động, dọc tuyến đường Khâm Thiên với chiều dài hơn 1,5km hầu hết không có tòa nhà nào cao tầng hay các trung tâm thương mại, cao ốc (trên 9 tầng).

Hầu hết khu vực này đều là nhà dân, không có các chung cư chọc trời. Có thể kể đến những khách sạn, nhà hàng cao tầng ở đây như Văn Miếu Hotel hay Trang sức An Nhiên… cũng đều dưới 9 tầng.

Tương tự, dọc đường Trần Hưng Đạo những tòa nhà cao tầng có thể kể đến như tòa nhà Capital Tower, phía đối diện là tòa nhà giao dịch của Ngân hàng VietinBank… có lẽ là những công trình cao tầng hiếm hoi tại khu vực này.

Những tòa nhà hiện đại khác như Capital Building, NXB Giáo dục, CDC Home Design Center… cũng là những công trình thấp tầng…

Quanh khu vực ga Hà Nội, tuyến đường Lê Duẩn có công trình Chợ Cửa Nam (ngã ba Lê Duẩn - Cửa Nam) là công trình có chiều cao lớn, còn hầu hết những ngôi nhà, công trình xây dựng khác đều có mức giới hạn chiều cao dưới 9 tầng…

Đáng nói, khu vực này chưa quá nhiều cao ốc, trung tâm thương mại, hay các điểm giao dịch đông đúc dân cư thì tình trạng ùn tắc giao thông đã là vấn đề khá đau đầu.

Theo khảo sát của PV, vào khoảng thời gian từ 7h30-8h30 và 17h-18h30 hằng ngày, khu vực này luôn trong tình trạng đông đúc. Khu vực các tuyến đường chính luôn ken đặc người và phương tiện tham gia giao thông.

Lối dẫn ra ga Hà Nội các tuyến đường huyết mạch như khu vực ngã ba đường Trần Phú - Điện Biên Phủ, đường Khâm Thiên, đường Tôn Đức Thắng, Nguyễn Thái Học… là những tuyến đường thường xuyên xảy ra tình trạng ách tắc giao thông.

Quanh các tuyến đường dẫn về tới khu vực ga này thường xuyên có tới hàng chục chốt cảnh sát giao thông phải làm nhiệm vụ phân luồng, hướng dẫn người tham gia giao thông tránh khỏi tình trạng ùn tắc như: Chốt CSGT Ô Chợ Dừa - Khâm Thiên, chốt CSGT Khâm Thiên - Nguyễn Thượng Hiền, chốt CSGT trên đường Lê Duẩn, chốt CSGT Quốc Tử Giám - Tôn Đức Thắng, Nguyễn Thái Học - Tôn Đức Thắng, chốt CSGT Trần Phú - Điện Biên Phủ…

Theo đồ án quy hoạch khu vực ga Hà Nội và phụ cận, bên cạnh các công trình cao tầng, dân số khu vực này sẽ tăng lên hơn 3.000 người so với hiện tại.

Điều này dẫn đến những lo lắng về việc gia tăng mật độ dân số và tình trạng ách tắc giao thông tại đây. Anh Nguyễn Mạnh Thức (người dân có nhà ngay cạnh khu vực ga Hà Nội) cũng đặt ra những lo ngại về việc nếu xây dựng lại khu vực quanh ga Hà Nội.

"Đó là việc gia tăng mật độ dân số, ách tắc giao thông.

Bên cạnh đó, với những hộ gia đình có mặt tiền kinh doanh ở khu vực này thì khi tái định cư việc đảm bảo việc làm ăn, buôn bán của họ sẽ như thế nào? Mặt khác, công trình tái định cư có đảm bảo cuộc sống cho họ hay không?

Thực tế đã có rất nhiều công trình tái định cư nhưng không đảm bảo chất lượng cuộc sống cho người dân, từ những nơi đỗ xe, nơi đi lại, kết cấu hạ tầng giao thông là những bài học từ trước.

Điều này cần phải tính toán sao cho thật sự hợp lý" - anh Thức băn khoăn.

Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Biểm (Tổ trưởng tổ dân phố 35, phường Cửa Nam) cho hay: "Hiện nay chúng tôi chưa nhận được văn bản hay thông báo nào từ phường về thông tin quy hoạch lại khu vực ga Hà Nội và phụ cận.

Những thông tin biết được hầu hết đều qua các kênh báo chí. Người dân cũng chưa nắm rõ được việc này nên ý kiến về sự đồng thuận của người dân hay không còn là câu hỏi chưa rõ câu trả lời".

Bà Biểm cũng bày tỏ, ga Hà Nội là một di sản có từ thời Pháp thuộc, là một công trình văn hóa, một di tích lịch sử của Hà Nội.

Do vậy nên bảo tồn ga chứ không nên xây mới, đặc biệt không nên xây dựng quá nhiều công trình cao tầng làm mất đi vẻ đẹp cũng như giá trị lịch sử của nó.

Nếu có nhiều cao ốc từ 40-70 tầng như vậy thì ga Hà Nội, Văn Miếu - Quốc Tử Giám - những công trình lịch sử nằm "lọt thỏm" giữa các tòa nhà công trình xây dựng…

Nguy cơ từ đồ án xây dựng ga Hà Nội: Đi ngược quy hoạch - vỡ trận giao thông - Ảnh 1.

Nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, Hà Nội đang đi ngược hoàn toàn định hướng quy hoạch khi lập Đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội. Ảnh: T.VƯƠNG

Định hướng giãn dân, sao lại nhồi thêm?

PGS-TS-KTS Trần Trọng Hanh - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội - cũng cho hay trong những năm gần đây công tác quản lý vận hành quy hoạch chưa được đảm bảo.

Nhiều công trình cao tầng được xây dựng trong thành phố bị phá vỡ. Quá nhiều chung cư, nhà cao tầng mọc lên, làm dân số tăng nhiều lần.

Theo KTS Hanh, từ những năm 2000, Thủ tướng đã định hướng giãn dân khu vực nội đô lịch sử (từ vành đai vào trung tâm) xuống còn 80 vạn dân.

"Trong 5 năm qua dân số Hà Nội không giảm được xuống còn 80 vạn dân như quy hoạch mà đã tăng lên. Đến nay dân số trong nội đô đã vượt 1,2 triệu dân. Sao không đặt vấn đề giãn dân mà lại nhồi dân?" - KTS Hanh nói.

Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cũng cho rằng TP.Hà Nội cần phải làm rõ nội dung đề xuất quy hoạch khu vực ga Hà Nội như vậy có phá vỡ nguyên tắc cơ bản trong quy hoạch nội thành hay không.

Chính quyền đô thị cũng phải ý thức trước những nguy cơ như ách tắc giao thông, nguy cơ ngập úng, nguy cơ tăng áp lực đô thị. Liệu khu vực này có đủ điều kiện để dung nạp thêm dân cư không?

"Nên xem xét tối đa về việc xây dựng nhà cao tầng khu vực nội đô với mục tiêu phát triển bền vững. Nếu không cứ hôm nay xin cái này, ngày mai xin cái kia sẽ không thể phát triển được nữa.

Phải xem xét tổng thể, trên cơ sở phải bảo đảm tính chiến lược, lợi ích chung của toàn thành phố. Xây dựng nằm trong khu vực nội đô nên phải tôn trọng các quy hoạch. Giải quyết bài toán này phải xem một cách tổng thể.

Không được gây áp lực lớn làm thay đổi cảnh quan khu phố cũ và khu phố cổ" - ông Hanh nói.

Trong khi đó, ông Đỗ Viết Chiến - nguyên Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), Phó Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam - cho rằng, nếu xây dựng ga Hà Nội như đồ án của UBND TP.Hà Nội thì việc phá hỏng định hướng quy hoạch là đương nhiên.

"Nhà cao tầng, trung tâm thương mại sẽ làm tăng lưu lượng dân cư khu vực này.

Hà Nội nói có thể sẽ kiểm soát để không làm tăng mật độ dân cư nhưng tôi không hiểu kiểm soát bằng cách nào? Phải nói rằng, cao ốc, trung tâm thương mại là khối nam châm hút người từ khu vực khác chứ không phải dân cư khu vực ga Hà Nội.

Khi đó lấy đường đâu mà đi" - ông Chiến nói.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại