Bộ đội tên lửa Việt Nam đã làm gì tại trường bắn tên lửa của Nga?

Đại tá Trần Danh Bảng |

Trường bắn luôn có radar trinh sát mục tiêu, cùng “quân xanh”, sẵn sàng phục vụ mọi yêu cầu của các bài bắn từ đơn giản đến phức tạp. Nhiều sĩ quan tên lửa Việt Nam đã từng ở đây.

Trường bắn Ashuluk, giữ kín tính năng nhiều vũ khí

Nước Nga có nền Công nghiệp Quốc phòng mạnh, hiệu quả, mở đường cho Quân đội được trang bị nhiều loại vũ khí rất đa dạng và hiện đại.

Những cuộc thử nghiệm vũ khí, bắn đạn thật, tập huấn và diễn tập của Quân đội Liên Xô trước đây và Nga ngày nay thường sử dụng các trường bắn Saryshagan (Kazakhstan); trường bắn Kapustin Yar giáp biên giới Nga-Kazaktan...

Nhưng nơi thử nghiệm vũ khí chính của lực lượng Phòng không - Không quân (PVO) trước kia và bây giờ là VKO (Воздушно-космическая оборона) là trường bắn Ashuluk ở khu vực Trans-Baikal.

Công ty Đường sắt Volga có tuyến xe lửa đi qua TP. Astrakhan chạy tít về phía giáp ranh biên giới. Dọc đường cách không xa Astrakhan có một ga xép, nếu như đó không phải là điểm đầu đường bộ đi vào một khu vực quân sự thì rất ít người biết đến.

Đây là ga Ashuluk, nó cũng là tên trường bắn quân sự nổi tiếng nhất trong mấy chục năm qua mà bây giờ cả thế giới đều biết vì những vụ thử vũ khí hay các cuộc diễn tập của Liên Xô trước đây và Nga ngày nay.

Bộ đội tên lửa Việt Nam đã làm gì tại trường bắn tên lửa của Nga? - Ảnh 1.

Tên lửa phòng không S-400 diễn tập bắn đạn thật tại trường bắn Ashukuk.

Vào tháng năm 1960, Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Liên Xô cho phép thành lập căn cứ này. Nằm gần biên giới lãnh thổ của hai nước cộng hòa Nga và Kazakhstan. Ashuluk được phân bổ 120 km chiều dài, 38 km chiều rộng, thuộc tỉnh Astrakhan.

Tổng diện tích Ashuluk 20.650 ha. Trường bắn đặt ở đây đủ chỗ cho các cuộc bắn thử tên lửa các loại. Tại khu vực Ashuluk còn có một sân bay. Thời còn hệ thống các nước Xã hội chủ nghĩa, Ashuluk là trường bắn của cả khối Vacsava.

Căn cứ Ashuluk như một lữ đoàn đồn trú. Vài chục dãy nhà một tầng, nằm ngay ngắn bên các vườn hoa kiểu doanh trại quân đội Xô Viết cũ.

Những sĩ quan, binh sĩ đồn trú tại đây có nhiệm vụ chuẩn bị thao trường, bố trí công sự, đường xá cho các kế hoạch huấn luyện, các kỳ bắn đạn thật.

Tại đây luôn có một tiểu đoàn radar phục vụ trinh sát mục tiêu, cùng bộ phận “quân xanh”, sẵn sàng phục vụ các mục tiêu giả, là các trái đạn mục tiêu, hoặc máy bay không người lái, làm bia bắn cho các khí tài cũ, mới đủ kiểu.

Các nhà công nghệ, các sỹ sư của các hãng sản xuất quốc phòng thường đến đây, với sắc phục riêng.

Bắn vũ khí thử để thể nghiệm công năng, để biên soạn đội ngũ chiến thuật, bắn thử để nâng cấp cải tiến, bắn để diễn tập hiệp đồng các lực lượng … Bởi thế Ashuluk là nới chứa nhiều bí ẩn tính năng vũ khí.

Trường bắn quân sự Ashuluk cũng đã có 56 năm tồn tại, chứng kiến nhiều thăng trầm của phòng không -không quân Nga.

Giữa nơi sa mạc, thưa thớt cây, chỉ có những mái nhà thấp qua những mùa đông tuyết rơi. Lâu lâu tại các cồn cát lại bùng lên những tiếng nổ và đám khói đạn.

Ẩn dấu trong những chiếc cặp dày cộp của các sĩ quan từ Sở chỉ huy trường bắn trở về khu nghỉ, là bí ẩn của nhiều loại vũ khí phòng không Nga đã từng thử nghiệm, thao diễn ở nơi hoang vắng này.

Loại tên lửa S-25 Berkut cồng kềnh, đưa vào trực chiến phòng không năm 1955, Liên Xô đã bắn thử ở đây. Khi đó họ triển khai xung quanh Moscow 56 hệ thống S-25 bảo vệ Thủ đô.

Đây là hệ thống phòng không đa kênh đầu tiên trên thế giới, mỗi hệ thống thành viên có thể bám vài mục tiêu đồng thời, tiêu diệt được chúng ở độ cao đến 20 km với tốc độ đến 1.500 km/h.

Bộ đội tên lửa Việt Nam đã làm gì tại trường bắn tên lửa của Nga? - Ảnh 2.

Tổ hợp pháo/tên lửa phòng không Pantsir-S1 cũng đã từng bắn thử nhiều lần ở đây. Ảnh minh họa.

Tên lửa S-75 Dvina (SAM-2) trang bị vào năm 1957, cũng được bắn thử ởAshuluk. S-75 đã sản xuất nhiều năm tại Liên Xô, đủ biên chế cho gần 800 tiểu đoàn tên lửa. Số này đã cung cấp cho nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Sau này S-75 tham gia chiến tranh tại Trung Đông, bị Mỹ thu được về 1 bộ, nghiên cứu, đối phó bằng thủ đoạn gây nhiễu hiệu quả, gây không ít tổn hại cho lực lượng phòng không. Trong đó có Ai Cập, Việt Nam, Libya…

Dòng tên lửa S-200 Angara “Vua tầm bắn xa” cũng đã được bắn thao diễn ở đây. Tầm bắn của hệ thống S-200 là 250 km.

Tên lửa được phát triển năm 1964, có trọng lượng 7,1 tấn, phần đầu đạn chứa 37.000 mảnh sát thương, khi phát nổ có thể tiêu diệt mọi mục tiêu trong bán kính hàng trăm mét. Tên lửa này có tốc độ 3,5M so với âm thanh.

Năm 1972, người viết bài này tận mắt thấy S-200 tại bệ phóng ở Ashuluk. Không ngờ rằng S-200 từng có mặt tại Tripoli (Libya) 1986, nhưng lỡ thời cơ bắn trong trận chiến 11 phút, vì máy bay Mỹ loại F-111 bay quá thấp.

Hiện Triều Tiên còn các tên lửa S-200 này trực chiến. Syria cũng có 5 trận địa S-200 đang hoạt động, đây chính là hàng rào phòng không phía Tây và vùng Biển Địa Trung Hải của Syria.

Trước khi đi chiến đấu ở Ai Cập, đầu năm 1970, tên lửa S-125 cũng đã tới bắn tại đây, theo bài tập chiến đấu ở vùng sa mạc. Chỉ sau đó vài tháng, lần đầu tiên dòng tên lửa S-125 bắn rơi máy bay F-4 của Israel, dưới sự điều khiển của chính sĩ quan Nga.

Bộ đội tên lửa Việt Nam đã làm gì tại trường bắn tên lửa của Nga? - Ảnh 3.

Tên lửa S-300V khai hỏa tại trường bắn Ashukuk.

Bộ đội tên lửa Việt Nam đã làm gì tại trường bắn tên lửa của Nga?

Năm 1972 có 2 “trung đoàn sinh viên” Việt Nam chuyển loại tên lửa Pechora (S-125 hay còn gọi là SAM-3), cũng từng tới Ashuluk bắn “đạn thật”. Mùa Đông năm ấy, 8 tiểu đoàn Việt Nam vào tuyến bắn, tiểu đoàn nào cũng bắn rơi máy bay mục tiêu.

Có tiểu đoàn bắn ở độ cao cực thấp, mà đạn Pechora vẫn điều khiển tốt, trúng mục tiêu.

Ngày ấy, các trắc thủ Việt Nam từng kinh ngạc vì S-125 bám mục tiêu thấp tốt đến nỗi, có trái đạn “bắn bồi”, khi bay vào vùng sát thương đã “hết” mục tiêu, nó bám tín hiệu một cột sắt chỉ cao hai chục mét, nổ tung.

Sau sự kiện ấy, các sĩ quan tên lửa có mặt tại khóa chuyển loại, rất kỳ vọng về Việt Nam, nhất định S-125 sẽ “đánh ăn chắc” các tốp A-6A, F-8, và UAV không người lái chuyên bay thấp đánh lén.

Ngay sau đó, giữa tháng 12-1972, sĩ quan, binh sĩ tên lửa của Việt Nam háo hức trở về “tham chiến”. Nhưng… lỡ cơ hội.

Thật tiếc, vì đồng đội của họ ở các trung đoàn SAM-2 (S-75 Dvina) tại Hà Nội, Hải Phòng đã lập nên kỳ tích, hạ gục uy thế Pháo đài bay B-52 của Không quân chiến lược Mỹ trong 12 ngày đêm tháng 12/1972 huyền thoại.

Bộ đội tên lửa Việt Nam đã làm gì tại trường bắn tên lửa của Nga? - Ảnh 4.

Cán bộ chiến sĩ Trung đoàn tên lửa 276 (ảnh) của Việt Nam, đơn vị tiếp nhận tên lửa Pechora (S-125/SAM-3) đầu tiên cũng đã từng bắn đạn thật ở Trường bắn này.

Trường bắn số 1 ngày ấy bây giờ ra sao?

Những năm từ 1991 đến cuối thập kỷ 90, Ashuluk vắng ngơ, vắng ngắt, vì Nga ít bắn thử, diễn tập. Phần do thiếu kinh phí, phần vì quân đội sa vào cải tổ triền miên không hiệu quả. Ngoại trừ vài vụ bắn S-300, đời sống binh sĩ Nga tại đây gặp khó khăn.

Giữa hoang mạc mênh mông thiếu cả nước ngọt, đời sống quân nhân sa sút.

Tới tháng 9 năm 2008, khí thế của một thao trường lại sôi động trở lại. Các bài tập chiến thuật bắn tên lửa của Trung đoàn 606, dòng S-300 của Nga được diễn ra ở đây.

Mục tiêu của tên lửa là những chiếc máy bay Su-27. S-300V, S-300 Favorit là tên lửa phóng nguội theo chiều thẳng đứng, độ cao mục tiêu nó tiêu diệt từ 60 m đến 24 km, tầm bắn 160 km, tốc độ mục tiêu không quá 2,2 km/s.

Sau năm 2005, nhiều đơn vị S-300 PMU2 Favorit và S-400 "Triumf" cũng đến đây thử nghiệm và thi thố tài năng. Dòng tên lửa phòng không tốt nhất, S-400 được tổ chức bắn hàng đêm tại Ashuluk, thử nghiệm đánh mục tiêu bay ở tốc độ cao khoảng Mach 3,5.

Trên căn cứ Ashuluk còn có các đợt thực hành bài tập giữa phi công Nga - Serbia trong chương trình "BARS-2015". Tháng Mười năm ngoái, lần đầu tiên hai nước tổ chức cuộc tập trận bay chiến thuật Nga - Serbia.

Có "7 kíp phi công MiG-29 và 5 kíp phi công máy bay trực thăng vận tải quân sự (Mi-8) đến từ Serbia tham gia. Có tất cả 10 máy bay tham gia các bài tập bay chiến thuật trong khuôn khổ Chương trình hợp tác trên vùng trời Ashuluk.

Độ tuổi trung bình của các phi công Serbia - khoảng 40. Một số trong số họ đã tham gia vào cuộc đánh trả Mỹ và NATO ở Belgrade năm 1999.

Đại diện của Không quân Serbia đã bay ngang qua Ashuluk kiểm tra tình hình và làm việc với các quản lý nhóm tại sân bay này.

Kết quả các phi công Nga - Serbia lái MiG-29 đã thành công trong đánh chặn và phá hủy mục tiêu trên không, mặt đất. Phi công trực thăng quân sự Mi-8 cũng đã hoàn thành các vụ phóng tên lửa, rocket.

Các trung đoàn không quân khu vực Viễn Đông với hơn hơn 20 máy bay cũng thực hiện diễn tập ở Ashuluk, với các bài tập bắn, ném các loại vũ khí hàng không mang theo.

Nhưng đợt huấn luyện, diễn tập đông nhất, đã lập kỷ lục với khoảng 200 đơn vị tham gia vào các bài tập chiến thuật triển khai tại Ashuluk trong tháng 7-9/2015.

Bản tin của Quân đội Kyrgyzstan mới đây mô tả, các đơn vị phòng không của khối các nước thuộc CIS (Cộng đồng các quốc gia độc lập) đã tới khu vực Astrakhan của Nga tham gia cuộc tập trận chiến thuật chung "Commonwealth-2015” có thực binh.

Đó là một cuộc diễn tập lớn, với nhiều phần của các nhóm chiến đấu, nhằm thống nhất hệ thống phòng không của các nước CIS, mô phỏng máy bay địch vào vùng trời các nước CIS.

Đại diện ấn tượng nhất là đội ngũ hơn một ngàn binh sĩ và hơn 200 đơn vị và thiết bị đặc biệt. Có cả các hệ thống tên lửa phòng không S-400 "Triumf" và S-300, cùng các máy bay MiG-29, Su-24, Su-34, Su-27, Su-30, Su-25, MiG-31, Tu-22 và Mi-8AMTSh "Terminator".

Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Tướng Sergey Shoigu lần thứ hai trong năm 2015, đã đến Ashuluk.

Các đồng nghiệp từ Armenia và Belarus, các chỉ huy của PK-KQ của Kyrgyzstan và Tajikistan đánh giá cao sức mạnh tổng hợp thực tế qua diễn tập để đẩy lùi một cuộc tấn công tên lửa và không quân lớn của kẻ thù giả định ở khu vực Trung Á.

Điều này khiến ta liên tưởng đến kế hoạch ném bom của Nga chống IS sau đó không lâu tại Sirya, ngày 30 tháng 9, sau đó gần 20 ngày.

Phải chăng diễn tập "Commonwealth-2015” có thực binh cũng là đòn nghi binh thu hút các phương tiện trinh sát của Thổ Nhĩ Kỳ, NATO và Mỹ, dồn chú ý vào đây.

Nói gì thì nói, Ashuluk chưa bao giờ là nơi các thế lực bài Nga xao nhãng việc dòm ngó, dù chỉ là một giây phút.

Tại Ashuluk không phải tất cả cuộc bắn thử đều thành công. Ngày 23/08/2011, tại Ashuluk xảy ra một vụ nổ, mất an toàn làm 8 binh sĩ hy sinh. Lý do là một động cơ phóng của tên lửa đã tự động khởi động lại, quả đạn tưởng đã vô hiệu hóa bỗng phát nổ.

Tiếp đó, ngày 14/08/2013 một vụ nổ của đạn làm chết 2 binh sĩ.

Ở đây cũng có chuyện giống như nhiều nước, dân di cư Uzbek thường có mặt sau mỗi lần bắn tập, thu thập từ các bãi rác Ashuluk các loại sắt vụn. Dù rất nguy hiểm. Có lần quân cảnh Nga thu lại được 15 tấn mảnh vỏ các loại tên lửa.

Không chỉ là sắt vụn, những mảnh này rơi vào tình báo nhiều nước, họ chỉ cần “phân chất” ra là lộ bí mật công nghệ. Các nhà khoa học tên lửa từng kết luận, giảm 1kg nguyên liệu, tên lửa sẽ bay xa thêm nhiều ngàn mét!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại