Bộ Công thương: Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung không thể là cơ hội cho Việt Nam

T.Công |

Căng thẳng thương mại giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc là chủ đề nóng được đặt ra tại Hội nghị trực tuyến sơ kết tình hình hình 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2018 của Bộ Công thương ngày 9/7.

Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, cơ quan này đã báo cáo lên Chính phủ những nhận định ban đầu cũng như một số đề xuất cụ thể khi cuộc chiến này chính thức bắt đầu.

Nhấn mạnh đây là vấn đề lớn, phản ánh cuộc cạnh tranh quyền lực chứ không đơn thuần là tranh chấp thương mại giữa hai nước, Bộ trưởng cho rằng cần phải đánh giá sâu hơn ở nhiều khía cạnh.

Theo Bộ trưởng, Mỹ không chỉ dùng các đòn phòng vệ thương mại với Trung Quốc mà còn với ngay cả các quốc gia đồng minh. Do vậy, cuộc chiến thương mại đang diễn ra đặt nhiều yêu cầu đối với từng quốc gia trong định hướng tiếp theo của toàn cầu hoá.

Chiến lược ứng phó là rất khó khăn, phía Bộ Công thương nhận định. Cụ thể, ông Phan Văn Chinh, Cụ trưởng Cục Xuất nhập khẩu phủ nhận những ý kiến cho rằng hàng hoá Việt Nam có cơ hội trong cuộc chiến này.

"Chúng tôi cho rằng đây không thể là cơ hội. Hiện nay kinh tế Việt Nam có độ mở cao, các vấn đề đều có tác động đến Việt Nam", ông Chinh nói.

Cuộc chiến bây giờ mới bắt đầu, chưa biết khi nào kết thúc, có thể là 1 tháng, 1 năm hoặc lâu hơn nữa, theo ông Chinh. Do vậy, việc kêu gọi xây dựng chiến lược để ứng phó là rất khó.

Vị Cục trưởng cho rằng những nước xuất siêu sang Mỹ cũng có thể ảnh hưởng. Trước mắt là thách thức với Việt Nam.

Ngoài ra, phía Bộ Công thương cũng đề cập đến vấn đề phòng vệ thương mại với hàng Trung Quốc. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng cần quan tâm hơn nữa đến quản lý nhà nước về xuất nhập khẩu.

Bộ trưởng nhấn mạnh cần định hướng nâng cao chiến lược xuất nhập khẩu theo hướng bền vững, trong đó tăng trưởng xuất khẩu cả về chiều rộng và chiều sâu.

Bộ trưởng cho biết thời gian qua xuất khẩu theo chiều rộng đã đạt được kết quả tích cực nhưng cần đánh giá về độ tương đồng của chiều sâu.

Bên cạnh đó, ông cho rằng cần chú trọng đến chính sách tạm nhập tái xuất của Việt Nam, nhất là trong thời điểm xung đột thương mại tác động trực tiếp đến quan hệ Việt Nam và các nước láng giềng.

Bộ trưởng cũng cảnh báo về nguy cơ lớn về hàng Trung Quốc tràn vào Việt Nam. Do đó, bối cảnh đòi hỏi vai trò quản lý Nhà nước không chỉ ở Bộ Công thương mà còn là cơ quan Thuế, Hải quan…

Sau nhiều lần đe doạ, Mỹ đã chính thức áp dụng mức thuế quan bổ sung đối với hàng hoá Trung Quốc - trị giá lên đến 34 tỷ USD – vào ngày 6/7 vừa qua. Không chỉ vậy, 16 tỷ USD hàng hoá khác có thể sẽ bị đánh thuế vào 2 tuần tiếp theo.

Thậm chí, theo Tổng thống Trump, tổng số hàng hoá mà Trung Quốc có thể bị đánh thuế có khả năng lên đến 550 tỷ USD.

Động thái này đã phần nào hiện thực hoá lời hứa của ông Trump với cử tri nước Mỹ đã ủng hộ ông, đặc biệt trong bối cảnh cuộc bầu cử giữa kỳ 2018 đang đến gần. Dù vậy, những leo thang này đã đẩy kinh tế thế giới – mới bước vào giai đoạn phục hồi - lại có nguy cơ suy giảm do khả năng trả đũa và leo thang của hai nền kinh tế lớn nhất là Mỹ và Trung Quốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại