Câu chuyện dưới đây là chia sẻ của anh Thiệu Huy (47 tuổi) ở Thiểm Tây, Trung Quốc.
Kể từ khi học đại học, tôi đã sống xa nhà. Sau khi tốt nghiệp, tôi làm việc tại thành phố, ít có thời gian về quê hơn. Mẹ tôi mất cách đây 5 năm. Gia đình cũng chỉ có một người con là tôi. Hiện tại bố tôi 72 tuổi, vẫn còn khỏe, có thể tự chăm sóc nên ông chọn ở quê để có người bầu bạn.
Tôi luôn nghĩ rằng mức lương hưu hàng tháng hơn 5.000 NDT (khoảng 17 triệu đồng) của bố tôi là đủ để ông có một cuộc sống ổn định khi về già. Nhưng thực tế không phải vậy.
Một lần, tôi tranh thủ về cuối tuần thăm bố. Trong lúc tâm sự, tôi vô tình nhắc đến chủ đề quản lý tài chính đang được bàn tán trên mạng xã hội. Bố tôi nghe xong thì nói: “Thật ra bố cũng có một ít tiền tiết kiệm, không nhiều lắm, nhưng cũng là có một chút phòng thân". Tôi tò mò nên đã hỏi ông có bao nhiêu. Bố tôi im lặng một lúc rồi mới nói: "50.000 NDT" (khoảng 171 triệu đồng).
Tôi choáng váng! 50.000 NDT là số tiền không phải là nhỏ. Hơn nữa, mỗi tháng bố tôi chỉ có nguồn thu nhập là lương hưu, sao ông có thể để dành được số tiền lớn như vậy?
Tôi bắt đầu hỏi kỹ về chi phí sinh hoạt và thói quen tiết kiệm của ông. Bố nói với tôi rằng tiền sinh hoạt hàng tháng của ông không nhiều. Ngoài đồ ăn, thức uống và tiền điện nước, ông hầu như không chi tiêu thêm khoản nào khác. Thỉnh thoảng, ông phải chi tiền cho các đám hiếu hỷ của họ hàng.
Từ ngày tôi đi học đại học, bố tôi cũng chẳng sắm sửa thêm đồ đạc trong gia đình. Ngay cả khi bị bệnh, ông cũng chỉ đến hiệu thuốc để mua thuốc. Bố tôi “chê" chi phí một lần khám ở bệnh viện quá đắt nên ông chẳng bao giờ đi đến đó. Hơn nữa, một mình ông ở nhà, chẳng biết trước được điều gì, không muốn phiền con cái nên phải chủ động để dành tiền phòng thân.
Nghe những lời của bố, tôi có cảm xúc lẫn lộn. Tôi biết bố làm vậy để giảm bớt gánh nặng cho tôi. Ông luôn âm thầm ủng hộ tôi và chưa bao giờ phàn nàn hay kể về những khó khăn trong cuộc sống. Nhìn lại mới thấy, tôi chưa bao giờ thực sự quan tâm đến cuộc sống của bố.
Bao năm qua, tôi phấn đấu để có sự nghiệp thăng tiến và kiếm được nhiều tiền. Tôi chỉ biết tận hưởng cuộc sống của riêng mình mà chẳng đoái hoài đến bố. Tôi cũng chưa bao giờ hỏi xem bố cần gì, chỉ thỉnh thoảng về nhà thăm, mang vài món quà rồi vội vã rời đi.
Đêm đó, tôi nằm trên giường trằn trọc mãi không ngủ được. Tôi giận chính mình vì đã hành động thiếu suy nghĩ suốt nhiều năm qua. Bố sống một mình ở quê, lúc nào ông đau ốm tôi thậm chí không biết.
Ngày hôm sau, tôi dậy sớm và có thời gian nói chuyện với bố về những kế hoạch trong tương lai. Tôi bàn bạc việc đón bố lên thành phố ở nhưng ông từ chối vì ông thích ở quê hơn. Bù lại, tôi nhắc nhở bố đi kiểm tra sức khỏe thường xuyên, nếu có vấn đề gì phải nói với con từ sớm, không được tiếc tiền, bỏ bê bản thân. Ngoài ra, tôi còn đề nghị mỗi tháng sẽ gửi về cho bố một khoản tiền, số lương hưu kia ông có thể để dành hoặc tiêu pha tùy thích. Cuối cùng thì bố tôi cũng đồng ý.
Lúc đó, tôi cảm thấy nhẹ nhõm phần nào. Đồng thời, tôi cũng ý thức được bản thân phải nỗ lực hơn nữa để bố có thể sống thoải mái và vui vẻ trong những năm cuối đời.
Câu chuyện về số tiền tiết kiệm của bố khiến tôi nhận thức sâu sắc về giá trị của tình thân và trách nhiệm của mình. Chúng ta không thể chỉ hài lòng với những món quà vật chất mà còn phải quan tâm, đồng hành với cha mẹ cả về mặt tinh thần.
Câu chuyện trên cũng không phải là hiếm gặp, cũng có nhiều người gặp phải tình cảnh tương tự. Cho dù gia đình khá giả nhưng khi đến tuổi già thì không thấy vui vẻ hạnh phúc mà cảm thấy cuộc sống buồn tẻ, vô vị.
Vậy nên, là một người con hiếu thảo, dù có bận rộn đến đâu, nhất thiết phải dành thời gian chăm sóc, hỏi thăm bố mẹ mình. Khi bố mẹ còn khỏe mạnh, hay trân trọng họ. Hạnh phúc của người già rất đơn giản, họ chỉ cần hai chữ chữ "quan tâm" mà thôi.
Theo Sohu