"Bọ cạp chiến đấu” của Nga

THÙY LINH |

Tại Diễn đàn kỹ thuật-quân sự Army-2018 đang diễn ra tại ngoại ô Moscow, lực lượng công binh Nga đã giới thiệu hơn 60 mẫu vũ khí hiện đại. Sản phẩm quân sự mới nhất trong số đó là xe công binh bọc thép đa năng (UBIM), có khả năng mở đường cho các lực lượng băng qua bãi mìn của đối phương.

“Bọ cạp” mở đường

Đây là lần đầu tiên Công ty Uralvagonzavod (UVZ) thuộc Tập đoàn vũ khí Rostec công bố rộng rãi mẫu xe UBIM trước công chúng. Tại Diễn đàn Army năm ngoái, UBIM đã được giới thiệu dưới hình thức một mô hình, nhưng những thông tin về khả năng và công nghệ của cỗ máy này vẫn chưa được nhắc đến.

Cỗ máy đáng gờm này có vẻ ngoài trông giống như con bọ cạp. Thay vì móng vuốt, UBIM được trang bị gàu có thể ngoạm gỗ và đào nhiều hố lớn. Vì thế loại xe này được ví như “bọ cạp chiến đấu” của Nga.

Công tác chế tạo cỗ máy mới UBIM do Phòng thiết kế chế tạo máy vận tải Ural thuộc Công ty UVZ đảm nhiệm. Phòng thiết kế chế tạo máy vận tải Ural vốn nổi tiếng đơn vị chủ lực của Nga trong lĩnh vực chế tạo xe bánh xích quân sự hạng nặng.

Người đứng đầu Viện thử nghiệm nghiên cứu-khoa học trung ương (TSNIII) của lực lượng công binh Nga Oleg Ivanyushenko nhận định rằng, cỗ máy này được thiết kế để mở đường cho lực lượng công binh trên địa hình mấp mô, có thể loại bỏ gỗ, đá, trang thiết bị hư hỏng khỏi tuyến đường di chuyển và hoạt động của quân đội.

UBIM được trang bị bộ phương tiện kiểm tra tuyến đường di chuyển của binh lính, bao gồm máy dò mìn cảm ứng, thiết bị giám sát đa kênh, thiết bị trinh sát phóng xạ, hóa học và một số thiết bị phụ trợ.

Trọng tải của UBIM là 7500kg. Ở phía trước mũi cỗ máy là lưỡi gạt lớn rộng 4,5m, dùng để dỡ bỏ tất cả chướng ngại vật trên đường. Trọng lượng UBIM không vượt quá 55 tấn. Theo các nhà phát triển, điều này khiến cho UBIM có tính cơ động cao và nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng công binh.

Kíp lái của xe công binh bọc thép đa năng mới này gồm có 2 người: chỉ huy và người lái xe. Khoang xe cũng đủ chỗ cho 3 lính công binh. Với hệ thống định hướng hiện đại với thiết bị định vị vệ tinh, kíp lái UBIM có thể điều hướng một cách chính xác.

Bước đột phá về công nghệ

Về mặt thiết kế, nhà phát triển đã đưa ra 2 phương án bảo vệ UBIM trước phương tiện chiến đấu thông thường và chống lại các tia phóng xạ. Đại diện Phòng thiết kế chế tạo máy vận tải Ural cho biết, UBIM phiên bản chính được trang bị áo giáp bằng vật liệu composite gốm, giúp bảo vệ cỗ máy này trước làn đạn của kẻ địch.

Ngoài ra, Phòng thiết kế chế tạo máy vận tải Ural còn trang bị cho UBIM tấm giáp chì để bảo vệ kíp lái khỏi bị nhiễm xạ khi hoạt động tại khu vực bị ô nhiễm phóng xạ. Về công nghệ ngụy trang, UBIM được trang bị hệ thống nhả khói và ống khói nhiệt.

Khung thân UBIM được lắp ráp từ các bộ phận của xe tăng T-90M, đang trong trang bị của quân đội Nga. Do UBIM được trang bị module chiến đấu điều khiển từ xa cùng súng máy 12,7mm và ống ngắm, kíp lái có thể dễ dàng tìm kiếm và tiêu diệt mục tiêu.

Module chiến đấu cho phép kíp lái phát hiện các mục tiêu vào ban ngày, ban đêm và trong điều kiện tầm nhìn kém ở phạm vi lên tới 5000m. Nhờ vào động cơ V-92S2F với công suất 1.130 mã lực, UBIM có thể di chuyển với vận tốc tối đa ít nhất là 60km/ giờ.

Ngoài ra, để hỗ trợ người lái, nhà phát triển cũng lắp đặt bộ điều khiển hệ thống khung gầm, kèm theo màn hình hiển thị các thông số.

“Hiện nay, UBIM đã tạo ra một bước đột phá về công nghệ, không chỉ vượt qua các đối thủ trong nước, mà còn cả nước ngoài về kỹ thuật”, kỹ sư thiết kế Daniel Kabyl thuộc Phòng thiết kế chế tạo máy vận tải Ural cho biết.

Nhà bình luận quân sự Viktor Litovkin tin rằng, trong tương lai cỗ máy này còn có thể được phát triển dựa trên khung gầm Armata vì nền tảng này được thiết kế để bảo vệ kíp lái xe chiến đấu với độ tin cậy cao nhất trên chiến trường.

Theo chuyên gia quân sự này, UBIM có thể giúp quân đội giải quyết nhiều nhiệm vụ trong chiến đấu khi đối mặt với hỏa lực của đối phương, ở phía sau phòng tuyến và khi chuẩn bị phá vỡ hệ thống phòng không của kẻ địch.

"Đây là một bước tiến không chỉ liên quan đến việc robot hóa tất cả các công việc gây nguy hại cho sức khỏe và sinh mạng của binh lính nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết nhiệm vụ chiến đấu, mà còn để bảo vệ tính mạng cho binh lính ở mức cao nhất”, ông nhận định.

Nhà bình luận quân sự Viktor Litovkin nói thêm: “Những cỗ máy như vậy là cực kỳ cần thiết cho quân đội hiện đại vì sức khỏe và tính mạng của binh lính đã được bảo vệ tối đa. Loại xe công binh này không chỉ hữu dụng trong chiến tranh, mà còn phát huy hiệu quả trong trường hợp ứng phó với tình trạng khẩn cấp và thiên tai”./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại