Bộ bài kỳ diệu giúp tù binh trốn khỏi nhà tù Đức Quốc Xã

Phan Bình |

Đại chiến thế giới lần thứ 2 (ĐCTGII), bên cạnh những trận chiến khốc liệt trên chiến trường thì còn có những trận đánh khác và cũng quan trọng không kém lại diễn ra trong những hoàn cảnh cực kỳ bí mật và ly kỳ. Tòa lâu đài Colditz (một lâu đài theo phong cách Phục Hưng trở thành nhà tù trong thời kỳ ĐCTGII tọa lạc ở vùng Saxony của nước Đức) đã diễn ra một trong những cuộc đấu trí ngoạn mục như thế.

Người Đức đã nhốt những tù chiến tranh (POW) cao cấp nhất (những thành phần kiên trung khó thay đổi hoặc khó cạy miệng nhất) bên trong lâu dài Colditz.

Chiếu theo Công ước Geneva mà những tổ chức như Hội chữ thập đỏ có thể cung cấp các gói chăm sóc mùa giáng sinh cho các POW. Những gì mà quân đội Đức cho rằng nó là một sự đánh lạc hướng vô hại cho các tù binh thì các điệp viên phe Đồng Minh lại nhìn nhận rằng đó là cơ hội ngàn vàng.

Nhằm giúp một số lượng lớn tù binh vượt ngục khỏi lâu đài Colditz (cùng những nhà tù khác trên khắp Âu Châu), Cục tình báo chiến lược Mỹ (OSS, tiền thân của CIA) và Cục chiến lược đặc biệt Anh (SOE) đã trông cậy sự giúp đỡ của một đồng minh không giống ai: Công ty thẻ chơi Hoa Kỳ (thành lập năm 1867).

Bộ bài kỳ diệu giúp tù binh trốn khỏi nhà tù Đức Quốc Xã - Ảnh 1.

Phi đội Thunderbolt đang say sưa sát phạt tại Căn cứ không quân tiến bộ số 9 ở Normandy (Pháp) vào năm 1944. Ảnh nguồn: Hulton Deutsch Getty Images.

Kế hoạch tuyệt mật

Hồi ĐCTGII, có phi công là có tất cả. Ông Andrew Hammond, sử gia kiêm quản lý tại Bảo tàng gián điệp quốc tế, người từng có 7 năm hoạt động trong Không lực Hoàng gia Anh và Đơn vị tình báo G2 của quân đội Anh, giải thích:

“Một trong những loại hàng hóa quý giá nhất trong tất cả các phần khác nhau của cuộc chiến chính là phi công. Tốn kém rất nhiều tiền để đào tạo họ thành tài mà lực lượng này lại rất thiếu người. Điều quan trọng nhất là khi phi công bị bắn hạ thì phải cố gắng đem xác họ hồi hương”.

Sử gia Hammond tin rằng OSS và SOE (những đơn vị phá hoại và biệt kích hoạt động bên cạnh phòng tuyến của quân Đức để tàn phá) đang cố gắng làm việc cùng nhau nhằm thu thập các thông tin tình báo. MI-9 (cơ quan này ngày nay không còn tồn tại ở Anh) chịu trách nhiệm cho các hoạt động đào tẩu và lẩn tránh, còn chương trình Cục X tình báo quân sự (MIS-X) của quân đội Mỹ cũng tham gia vào dự án này.

Cũng phải nói cho rõ rằng MI-9 (tức Cục tình báo quân sự Anh, bộ phận số 9) là một cơ quan của Văn phòng chiến tranh Anh hoạt động từ năm 1939 đến năm 1945. Trong suốt thời kỳ ĐCTGII, MI-9 được trao nhiệm vụ hỗ trợ cho mạng lưới kháng chiến Châu Âu và giúp mạng lưới này hỗ trợ cho không quân của phe Đồng Minh bị bắn hạ trên bầu trời Châu Âu trong chặng bay quay lại Anh.

Các điệp viên MI-9 thường sử dụng dù để xâm nhập vào lãnh thổ Châu Âu bị Đức chiếm đóng. Những điệp viên này sẽ tiếp cận các buồng giam của quân Kháng chiến và từ đó họ sẽ tổ chức các hoạt động đào ngục tại một khu vực cụ thể mà thường được quân Kháng chiến thông báo về sự hiện diện của các phi công bị bắn rơi.

Điệp viên MI-9 sẽ mang theo giấy tờ giả, tiền bạc và bản đồ để hỗ trợ cho các phi công bị bắn rơi. Những tuyến đường đào ngục thường là ở mạn Nam Thụy Sỹ hoặc Nam Pháp và qua ngã Pyrenees để sang Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. MI-9 cũng giúp các tù binh Anh đào thoát khỏi các trại tù và ở Châu Âu bị chiếm đóng.

Còn Cục X tình báo quân sự (MIS-X) là một phần của Bộ Chiến tranh Mỹ hoạt động trong thời kỳ ĐCTGII. Chương trình này hỗ trợ cho các quân nhân Mỹ bị bắt làm tù binh và những người trốn tránh bị bắt trong lãnh thổ địch. Và cũng như MI-9 của Anh, MIS-X cũng bị giải tán ngay sau khi đại chiến kết thúc.

MIS-X được tổ chức thành 5 bộ phận gồm thẩm vấn, thư từ, các địa điểm POW, huấn luyện và giao ban, và kỹ thuật. Chỉ huy MIS-X là Đại tá Thomas ap Catesby Jones. Để tránh hành tung bị bại lộ, MIS-X thường được lấy tên là Hòm thư bưu cục số 1142 thay vì địa chỉ chính xác của nó là Fort Hunt (Virginia).

Những thiết bị bí mật như la bàn nhỏ, bản đồ, đài vô tuyến đã được tuồn lậu vào các trại tù POW Đức. MIS-X cũng bí mật tự thành lập ra những tổ chức viện trợ và các vật phẩm được giấu tinh vi. Một mã vô tuyến đã được thiết kế ra nhằm gửi các tin nhắn qua đài phát tranh BBC, thường chúng dựa trên mã Morse: 1 từ âm tiết là một dấu chấm, 2 từ âm tiết là một dấu gạch ngang.

Những tin nhắn như vậy đã được đặt trước bằng một âm báo. Một phương pháp che giấu tin nhắn trong những lá thư được gửi tới Mỹ có vẻ ngoài trông vô hại: tất cả thư gửi tới đều được sàng lọc những thông điệp như vậy trước khi chúng được giao cho người nhận. Chúng được ký hiệu bằng cách ghi ngày tháng bằng số chứ không phải bằng chữ cái.

Các sĩ quan Mỹ - những người biết về bí mật và mật mã của thư đã hỏi dò ý kiến các tù nhân sắp chuyển đến và sau đó sẽ gửi trả lại những thông tin hữu ích về Mỹ.

Và mặc dù MI-9 có thể là một trong những tổ chức chính đứng sau ý tưởng “thu hút nhân sự quan trọng trong các máy bay và oanh tạc cơ phòng vệ cho nước Anh”, tuy nhiên nó là một hoạt động chung rất cần tới sự giúp sức của Công ty thẻ chơi Hoa Kỳ và thương hiệu Bicycle của hãng này.

Trước khi được phái đi làm nhiệm vụ, các phi công sẽ được nhắc trước về sự khác biệt sinh-tử nếu họ chẳng may bị bắt làm tù binh. Sử gia Hammond nhấn mạnh: “Trong tình báo và gián điệp, nó chỉ hữu ích khi người ta biết về sự tồn tại. Tôi nghĩ rằng cơ hội sống là một lằn ranh mong manh”.

Bộ bài kỳ diệu giúp tù binh trốn khỏi nhà tù Đức Quốc Xã - Ảnh 2.

Bên trong lâu đài Colditz Castle có từ thời kỳ Phục Hưng ở vùng Saxony, nơi dùng làm nhà tù cho POW trong suốt đại chiến thế giới lần thứ II. Ảnh nguồn: Neal Simpson – Empics Getty Images .

Bí ẩn của các lá bài

Lá bài tiêu chuẩn được cấu tạo từ 2 lớp giấy, được cán mỏng và dán kín lại. Và loại lá bài giao cho các POW thực là đặc biệt. Khi thấm nước lên các lá bài này thì 2 lớp giấy sẽ bong ra để lộ một mẫu bản đồ về các tuyến đường đào ngục ở Đức.

Đặt cả bộ bài gần nhau thì các tù binh có thể có được một tấm bản đồ hoàn chỉnh về khu vực Đức, cùng với những bản đồ nhỏ xíu và những lời khuyên hữu ích. Không phải gói dịch vụ chăm sóc nào cũng chứa bản đồ mật gọi là “bộ bài bản đồ”, và theo sử gia Hammond, những bộ bài có bản đồ đã được đánh dán bằng loại giấy bóng kính được làm khác thường như muốn ngụ ý nói rằng đó là “tài liệu đã được sửa đổi”.

Những bộ bài đã được đặt trong những cái hộp màu trắng và xanh lam có ký hiệu logo Bicycle, và mặt sau lá bài được thiết kế màu xanh nước biển và trắng. Cùng với bản đồ các khu vực xung quanh gồm cả vĩ độ và kinh độ, tấm bản đồ còn bao gồm những hướng dẫn khác. Khi những tấm bản đồ được gửi tới các trại POW, thì cũng có những phiên bản thuộc về khu vực đó chẳng hạn như bản đồ ở lâu đài Colditz đã giúp các tù nhân điều hướng vùng Saxony.

Tấm bản đồ mật được nhúng trong 48 lá bài với 4 con Ách tượng trưng cho 4 bản đồ nhỏ liệt kê chi tiết sông suối, đường sá. Những lá bài Joker được dùng làm chìa khóa để lắp ráp các mẫu bản đồ nhỏ kết thành tấm bản đồ lớn. Bản đồ thoát hiểm yêu cầu các POW phải bố trí toàn bộ con Bích (Pích) trước khi đổi màu sang con Rô rồi sang con Nhép và cuối cùng là con Cơ.

Sử gia Hammond giải thích: “Quý vị bắt đầu chơi bài từ bên trái rồi tiếp tục lấy thêm lá bài, và chia thành từng cặp kế tiếp”. Liên quan đến bản đồ miền Nam nước Đức, các chỉ dẫn đã nói với những POW rằng “những con đường đào ngục sang ngả Thụy Sỹ sẽ mang lại vận mệnh thành công rực rỡ nếu nỗ lực vượt qua bang Schaffhausen” trong khi cảnh báo những người chạy trốn phải tránh xa vùng hồ Constance.

Bộ bài kỳ diệu giúp tù binh trốn khỏi nhà tù Đức Quốc Xã - Ảnh 3.

Địa điểm từng một thời là Trụ sở của Công ty thẻ chơi Hoa Kỳ, đơn vị đã cung cấp các bộ bài bản đồ cho tình báo Anh và Mỹ cứu thoát các POW. Ảnh nguồn: For Construction Pros .

Bộ bài còn sót lại

Trong khi bộ bài bản đồ có thể là một phần của gói quà đặc biệt của Hội Chữ thập đỏ mừng Giáng sinh, thì MIS-X cũng gửi đi 100 gói quà chăm sóc hàng ngày xuất phát từ địa điểm Bưu cục 1142 tại Fort Hunt (Alexandria, Virginia), một địa điểm của Cục công viên quốc gia Hoa Kỳ nơi quân đội Mỹ đã tiếp quản trong suốt ĐCTGII. Những bộ bài bổ sung có thể đã bao gồm trong các gói hàng này.

MI-9 cũng gửi nhiều gói hàng từ một địa chỉ ở London mà đã lâu không còn tồn tại do bị đánh bom. Ít nhất 32 tù binh đã sử dụng bản đồ mật trốn thoát khỏi lâu đài Colditz, và hàng ngàn bộ bài đã được phân bổ tạo ra thêm hơn 300 vụ đào tẩu bổ sung khác trên khắp nước Đức.

Sử gia Hammond phân tích: “Tôi cho rằng những bộ bài đã được sử dụng cho nhiều hình thức đào ngục khác nhau, và lâu đài Colditz là minh chứng điển hình nhất. Có một sự đột phá to lớn từ bộ bài, bất kỳ thông tin nào nhắc đến các vụ đào tẩu thành công thì đích thị là có sự giúp đỡ của những bộ bài này”.

Nỗ lực tạo ra bộ bài bản đồ đã được giữ kín khá lâu nhằm tránh sự phát hiện của quân Đức, và nếu nó bị phát giác thì cũng bị xem là vi phạm Công ước Geneva cho nên nỗ lực giữ trong vòng tuyệt mật suốt hàng thập kỷ và chỉ lộ sáng vào thập niên 1970. Sử gia Hammond giải thích:

“Trong thế giới tình báo và gián điệp, bộ bài bản đồ là một bức tranh khảm về một số thứ sẽ dần dần hé lộ nội tình theo thời gian, cũng như luôn có những phần mà quý vị không thể nhìn thấy chính xác. Không rõ có bao nhiêu bộ bài đã được in, bao nhiêu vào lãnh thổ Đức và bao nhiêu tù binh đã trốn thoát nhờ sử dụng chúng. Và ngay cả chúng tôi cũng phân vân”.

Về phía công ty thẻ chơi Hoa Kỳ khẳng định rằng họ không có không tin lưu trữ chi tiết về những bộ bài do tính chất tối mật của hoạt động, song phát ngôn viên của hãng này đánh giá về nỗ lực là “một trong những dự án thú vị nhất trong lịch sử hoạt động lâu đời của hãng”.

Sử gia Hammond không rõ liệu người Đức có giải mã được câu đố về bộ bài bản đồ hay không, hoặc giả là việc họ có tịch thu bất kỳ bộ bài nào như vậy hay không, tuy nhiên trong bối cảnh của ĐCTGII thì có vẻ như người Đức không quá bận tâm đến chuyện này vì thực tế cũng có nhiều bộ bài như thế chuyển vào các trại POW.

Tại Bảo tàng gián điệp quốc tế nằm ở Washington, D.C đang có một bộ bài còn sót lại trong kho lưu trữ của họ. Ngoài bộ bài được niêm phong này, thì còn có 6 con Nhép được mổ xẻ để lộ tấm bản đồ giấu bên trong chúng.

Các hiện vật quý báu này đã từ Bảo tàng CIA chuyển đến Bảo tàng gián điệp, và chỉ những ai có thể vào được tổng hành dinh ở Langley thì mới có quyền tiếp cận các hiện vật này. Sử gia Hammond khẳng định: “Thật tuyệt khi có thứ đồ tuyệt vời này, song nếu không có ai nhìn thấy nó thì lại không vui chút nào”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại