MALD AMD-160B và AGM-88 HARM sẽ mở đường cho Storm Shadow tấn công thành công
Vai trò của hệ thống mồi nhử trên không
Một thông tin đáng chú ý liên quan đến cuộc xung đột Nga-Ukraine là gần đây giới quan sát quân sự đã phát hiện một mảnh vỡ của "Mồi nhử tên lửa phóng trên không" (Miniature Air-Launched Decoy - MALD) AMD-160 do Mỹ sản xuất, tại chiến trường miền Đông Ukraine.
Từ trước đến nay, loại vũ khí này chưa từng được Washington công khai trong các gói viện trợ quân sự dành cho Kiev.
Tuy nhiên, điều này cũng không có gì là khó hiểu, bởi trước đây, khi Quân đội Ukraine sử dụng tên lửa chống radar (còn gọi là tên lửa chống bức xạ) do Mỹ sản xuất ở Donbass thì người ta mới biết Lầu Năm Góc đã cung cấp AGM-88 HARM cho chính quyền Kiev.
Hình ảnh của những mảnh vỡ của MALD AMD-160B nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội, dấy lên câu hỏi lực lượng vũ trang Ukraine (AFU) có thể đã sử dụng chiến thuật phóng tên lửa làm mồi nhử để đánh lừa các hệ thống phòng không tối tân của Nga.
Mảnh vỡ tên lửa AMD-160B thu được tại chiến trường Donbass
Theo giới chức Lầu Năm Góc, AGM-160B MALD về cơ bản là một tên lửa hành trình/bom lượn nhỏ có tầm phóng tối đa 500 dặm, có thể được lập trình trước. Mặc dù MALD không được trang bị đầu nổ mạnh hay động năng lớn để xuyên phá, nhưng nó đóng vai trò chiến lược trong các cuộc đọ sức trên chiến trường.
AGM-160B được trang bị hệ thống gây nhiễu radar hoặc có khả năng phát ra bức xạ tín hiệu giống như trên bộ phận điều khiển hỏa lực của các loại tên lửa hoặc mô phỏng tín hiệu phản xạ của máy bay Mỹ và đồng minh, đánh lừa hệ thống phòng không tích hợp (IADS) của đối phương.
Những tên lửa mồi nhử này được sử dụng với hai mục đích chính:
Một là: Gây nhiễu loạn các hệ thống phòng không, khiến đối phương tin rằng đang phải đối mặt với một cuộc tập kích đường không từ chiến đấu cơ và tên lửa Ukraine, làm phân tán sự tập trung của các hệ thống radar và tiêu hao đạn tên lửa của các hệ thống đánh chặn Nga.
Hai là: Buộc các radar của các hệ thống phòng không Nga phải hoạt động hết công suất trong thời gian dài, làm bộc lộ vị trí của các đài radar, các bệ phóng tên lửa để những tên lửa chống bức xạ như AGM-88 HARM (Mỹ) hay ALARM (Anh) tấn công các hệ thống phòng không Nga.
Ukraine cũng đã sử dụng tên lửa chống radar AGM-88 HARM ở chiến trường miền Đông
Cả hai mục đích này đều nhằm dọn đường cho cuộc tấn công thực sự xảy ra đồng thời hoặc sau đó của vũ khí tấn công chính xác hiện đại nhất của Ukraine là tên lửa Storm Shadow do Anh cung cấp, đánh vào mục tiêu.
Sự kết hợp của MALD với HARM và Storm Shadow
Các chuyên gia quân sự phương Tây cho rằng, Mỹ đã giúp Ukraine gắn những tên lửa mồi nhử này lên tiêm kích MiG-29, loại máy bay chiến đấu đã được tích hợp những vũ khí tiên tiến của Mỹ bao gồm tên lửa chống radar AGM-88 HARM hay bom thông minh JDAM-ER; còn tên lửa Storm Shadow chỉ có thể được lắp trên Su-27 và Su-24.
Thực tế đã cho thấy, trong hai đợt tấn công bằng tên lửa Storm Shadow vào vùng Lugansk vừa qua đã ghi nhận các chiến đấu cơ Ukraine xuất hiện trên không chính là bộ đôi MiG-29 và Su-24.
Giới quân sự phỏng đoán chính tiêm kích MiG-29 Ukraine đã dùng MALD AMD-160B để gây nhiễu loạn và có thể phóng cả AGM-88 HARM để đánh vào các hệ thống phòng không Nga, dọn đường cho máy bay ném bom tiền tuyến Su-24 thực hiện đòn tấn công mặt đất đánh trúng mục tiêu.
Như vậy, sự kết hợp của tên lửa mồi nhử với tên lửa chống bức xạ và tên lửa hành trình không đối đất như Storm Shadow, kết hợp với đòn đánh bão hòa của các phi đội máy bay không người lái Ukraine có thể tạo ra những thách thức đáng kể cho hệ thống phòng không Nga.
Tuy nhiên, một khó khăn lớn cho Ukraine là số lượng chiến đấu cơ của họ có thể mang các vũ khí này là không nhiều, nên khả năng tấn công bị hạn chế.
Trước đây, Không quân Ukraine chỉ có tổng cộng 26 chiếc Su-27 và 12 chiếc Su-24 có thể mang Storm Shadow, nhưng hiện nay đa số đã bị bắn hạ, số khác đã bị hỏng hóc. Theo tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov, hiện Không quân Ukraine AFU chỉ còn 6 máy bay có khả năng mang Storm Shadow.
Còn trước chiến tranh, không quân Ukraine có 23 chiếc MiG-29, sau đó, có nguồn tin cho biết Ukraine đã được một số quốc gia Đông Âu bí mật giúp đỡ để đưa vào biên chế thêm vài chục chiếc nữa. Nhưng số máy bay này cũng đã bị bắn hạ hoặc hỏng hóc khá nhiều.
Vừa qua, Nhà Trắng đã quyết định chấp thuận cho các đồng minh đã mua F-16 Fighting Falcon do Mỹ sản xuất, được phép cung cấp loại tiêm kích hạng nhẹ tiên tiến cho Không quân Ukraine, còn giới chức lãnh đạo Kiev tuyên bố muốn nhận được 48 chiếc máy bay loại này.
Nếu được cung cấp thêm khoảng hai trung đoàn máy bay chiến đấu F-16 có khả năng mang nhiều loại vũ khí phương Tây hiện đại này, khả năng chiến đấu của Không quân Ukraine sẽ được tăng mạnh, đủ sức gây ra nhiều khó khăn cho Lực lượng Phòng không Nga.