* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Tim Culpan, cây viết của Bloomberg về các vấn đề công nghệ.
---
"Sóng gió" chờ đợi các tập đoàn của Mỹ
Hãy tưởng tượng bạn là một kỹ sư thiết kế sản phẩm tại chi nhánh Trung Quốc của một công ty công nghệ Mỹ. Bạn phải nộp hộ chiếu để làm thủ tục gia hạn thị thực hàng năm, và nếu không được cấp thị thực, thì bạn không thể đi đâu hết.
Hơn nữa, do những mối lo ngại ngày càng gia tăng về bảo mật và những vấn đề liên quan tới VPN (mạng riêng ảo - cho phép người dùng lách qua bức tường kiểm duyệt internet nghiêm ngặt của Trung Quốc), công ty của bạn yêu cầu các cuộc thảo luận về sản phẩm có tính chất nhạy cảm phải diễn ra theo hình thức trao đổi trực tiếp tại trụ sở chính của công ty.
Tại Thâm Quyến, nơi đặt dây chuyền lắp ráp sản phẩm của bạn, thì nhà máy đã bị khám xét đến lần thứ 3 trong tháng. Các thanh tra muốn "bới lông tìm vết" để phát hiện dấu hiệu sai phạm về an toàn và sức khỏe lao động. Chỉ cần một vết rỉ sét nhỏ trên đường ống cũng trở thành cái cớ khiến nhà máy của bạn bị đóng cửa, dù điều đó không hề nằm trong quy định.
Đó không phải là vấn đề duy nhất. Chính sách kiểm soát nguồn tiền nội địa khiến bạn không thể chuyển khoản lợi nhuận thu được ra nước ngoài, và cũng không thể chuyển tiền cho các nhà cung cấp Nhật Bản hay Hàn Quốc. Tất nhiên là họ sẽ không chuyển hàng tới Trung Quốc nếu như không nhận được tiền.
Bạn có thể thử vay tiền từ một ngân hàng Nhật Bản để xoay xở trước tình thế này, nhưng điều này sẽ mất thời gian, và mùa mua sắm thì đang đến rất gần!
Giải pháp gần như cuối cùng là sử dụng nguồn hàng địa phương, nhưng tất cả các sản phẩm có sẵn tại Trung Quốc lại không phù hợp với tiêu chí của bạn. Nếu muốn các nhà cung cấp địa phương làm ra được sản phẩm đúng theo tiêu chí của bạn, thì bạn sẽ cần phải đầu tư đáng kể thời gian và tiền bạc, và thậm chí còn phải bỏ tiền ra mua thiết bị cho họ nữa.
Đừng nghĩ rằng những viễn cảnh trên chỉ là tưởng tượng hay giả thiết, chúng hoàn toàn có thể xảy ra với các công ty của Mỹ.
Sau khi Giám đốc Tài chính (CFO) Mạnh Vãn Chu bất ngờ bị bắt giữ tại Canada theo yêu cầu của Mỹ, tập đoàn công nghệ Huawei ngày càng lo ngại về tương lai của mình.
Trước đó, tập đoàn công nghệ ZTE, đơn vị cung cấp nhiều loại linh kiện điện tử cho các công ty của Mỹ từng bị chính quyền Tổng thống Donald Trump suýt đẩy đến bờ vực phá sản. Và chuyện tương tự cũng có thể xảy ra với Huawei nếu chính phủ Mỹ quyết định không chỉ dừng lại ở vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, theo ý muốn của một số thành viên Quốc hội nước này.
Bà Mạnh Vãn Chu, CFO của tập đoàn công nghệ Huawei vừa bị bắt giữ tại Canada. Ảnh: TASS.
Trung Quốc còn giấu vũ khí trong tay áo
Các công ty Mỹ sẽ thiệt hại rất nhiều nếu như viễn cảnh trên xảy ra. Một điều họ chắc chắn không thể tránh khỏi là phản ứng phẫn nộ của dư luận Trung Quốc. Những "nạn nhân" điển hình bao gồm các tập đoàn Apple, Cisco, Dell, Ford... do các tập đoàn này có dây chuyền lắp ráp và sản xuất các sản phẩm, linh kiện tại Trung Quốc.
Không chỉ các tập đoàn sản xuất, mà hệ thống máy chủ của các tập đoàn lớn như Facebook, hay Alphabet và Amazon cũng sẽ bị liên lụy.
Đối với Tổng thống Trump, thuế nhập khẩu đối với các loại hàng hóa Trung Quốc đã trở thành chuyện chủ chốt trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông, và đó cũng là một trong những chủ đề chính trong cuộc gặp song phương của ông và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Argentina, vào đêm bà Mạnh bị bắt giữ tại Vancouver.
Mặc dù cả hai bên đều có những phát ngôn khá mạnh miệng, nhưng nhiều người vẫn bình thản dự đoán rằng trong tương lai, người Mỹ rồi sẽ vẫn sản xuất được iPhone (ở Trung Quốc), và người Trung Quốc vẫn có thể mua được chip điện tử của tập đoàn Qualcomm (của Mỹ).
Tuy nhiên, một xu hướng ngày càng gia tăng là các linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài đang dần được thay thế bằng các linh kiện được sản xuất tại địa phương. Nhưng đổi lại, đối với Mỹ, việc thay thế người lao động, cũng như các nhà máy và chuỗi cung ứng tại Trung Quốc không hề đơn giản.
Tất nhiên là các công ty và tập đoàn của Mỹ có thể tìm đến những giải pháp thay thế như chuyển nhà máy tới các địa điểm khác như đảo Đài Loan hay Mexico... Nhưng điều đó sẽ tốn nhiều thời gian, và cả tiền bạc của Mỹ để đẩy nhanh tiến độ.
Các chính trị gia Mỹ thường thảo luận về việc ngăn chặn việc bán một số sản phẩm cho Trung Quốc, nhưng họ cần cân nhắc hậu quả có thể xảy đến với chính nước mình. Tương tự, Trung Quốc cũng không thể mong tránh được những tác dụng ngược khi gây tổn hại đến những lợi ích của nước Mỹ.
Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm lại, và sóng gió trên thị trường thế giới lũ lượt ập tới, thì Trung Quốc sẽ khó mà chống chọi được đòn giáng ấy. Tuy vậy, nếu Mỹ tiếp tục "chơi rắn" với Huawei - trụ cột trong tham vọng công nghệ của Trung Quốc - thì hãy cẩn thận kẻo có ngày "dính" đòn đau từ những vũ khí nguy hiểm mà Bắc Kinh vẫn đang giấu kĩ trong tay áo.
Có thể Mỹ đã thành công trong việc "cùm tay, cùm chân" một công dân Trung Quốc. Nhưng, hãy nhớ rằng nhiều công ty và tập đoàn của Mỹ vẫn đang nằm trong vòng "dây xích" của Trung Quốc.