Báo Trung Quốc: Canada tiếp tay cho sự xấu xa của Mỹ
Theo CNBC, vừa qua, tờ China Daily - nhật báo tiếng Anh của nhà nước Trung Quốc đã đăng bài viết lên án gay gắt Canada vì hành động bắt giữ Giám đốc Tài chính (CFO) của tập đoàn Huawei theo yêu cầu của Mỹ.
Trong đó, bài viết đã chỉ trích Canada "cúi đầu" trước áp lực của Mỹ, và cho rằng vụ bắt giữ CFO Huawei chỉ đơn thuần là một phiên tòa dàn dựng, diễn ra với mục đích duy nhất là để làm nhục Trung Quốc vì đã dám "cả gan" thách thức ngôi vương của Mỹ trong lĩnh vực công nghệ.
Bà Mạnh Vãn Chu, con gái của nhà sáng lập tập đoàn Huawei Nhậm Chính Phi, đồng thời là CFO của tập đoàn này, đã bị bắt giữ tại thành phố Vancouver, Canada hôm 1/12 vừa qua do cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran. Theo một số nguồn tin thân cận với vấn đề, bà Mạnh có thể sẽ bị dẫn độ về Mỹ.
Vụ việc trên diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ vốn đang căng thẳng vì cuộc chiến thương mại, và chỉ mới đạt được thỏa thuận "đình chiến" tạm thời tại cuộc gặp song phương của hai nhà lãnh đạo tại Argentina, vào đúng ngày bà Mạnh bị chính quyền Canada bắt giữ.
Chính phủ Bắc Kinh và các cơ quan ngôn luận của nhà nước đã có phản ứng rất quyết liệt trước vụ việc này. Điển hình là tờ báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Thời báo Hoàn cầu, với lời cáo buộc Mỹ sử dụng thủ đoạn hèn hạ, côn đồ nhằm kìm chân tập đoàn Huawei trên thị trường công nghệ thế giới.
Còn tờ China Daily, trong bài viết được đăng tải hôm Chủ nhật (9/12) vừa qua, đã tố cáo Canada bắt giữ bà Mạnh vì mối quan hệ của nước này với Mỹ, do Washington và Ottawa có quan hệ khá thân thiết trong liên minh tình báo Five Eyes (gồm 5 quốc gia Anh, Mỹ, Australia, New Zealand và Canada).
"[Canada] đã tiếp tay cho sự xấu xa của Mỹ trong chính trị bằng hành động bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu", tờ China Daily gay gắt chỉ trích Ottawa.
Trước đó, công tố viên Canada John Gibb-Carsley từng tiết lộ tại phiên tòa ngày 7/12 rằng lệnh bắt giữ bà Mạnh đã được ban hành tại New York vào ngày 22/8, Reuters đưa tin.
Ngoài ra, ông Gibb-Carsley còn cho biết Huawei đã lách lệnh trừng phạt của Mỹ để làm ăn với Iran thông qua một công ty công nghệ tại Hồng Kông có tên là Skycom, và bà Mạnh đã nói dối các ngân hàng của Mỹ về mối liên hệ này. Theo lời bà Mạnh, Huawei đã bán Skycom từ năm 2009.
Trong bức thư gửi các nhà cung cấp hôm thứ 5 vừa qua, Huawei khẳng định công ty này "tuân thủ nghiêm ngặt các điều khoản và luật lệ trong các hoạt động kinh doanh trên toàn cầu", và khẳng định họ "không biết bà Mạnh từng có bất cứ sai phạm nào".
Bên cạnh đó, China Daily còn cáo buộc Canada "ngược đãi" bà Mạnh.
"Việc bắt giữ một công dân Trung Quốc trong thời gian quá cảnh mà không đưa ra bất kỳ lý do cụ thể nào là hành động vi phạm nghiêm trọng đến các quyền và lợi ích hợp pháp của [bà Mạnh]", tờ báo nhấn mạnh.
Bà Mạnh Vãn Chu. Ảnh: IC.
Phiên tòa "dàn dựng"
Tuy Huawei không thuộc sở hữu của nhà nước, nhưng nhà sáng lập của tập đoàn này, ông Nhậm, được cho là có mối quan hệ khá thân thiết với chính phủ Bắc Kinh, do trước đây ông từng tham gia lực lượng Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc (PLA).
Bởi vậy, sau khi bà Mạnh - con gái ruột của nhà sáng lập Huawei bị bắt giữ, nhiều nghi vấn về động cơ của Mỹ và các nước liên quan trong vụ việc này đã lập tức được đưa ra.
Theo China Daily, Canada đã coi bà Mạnh "như thể trọng phạm" khi bắt bà đeo còng tay và còng chân sau phiên điều trần đầu tiên.
Cách đối xử trên cho thấy phiên tòa xét xử bà Mạnh dường như chỉ là "dàn dựng", nhằm làm nhục nhân phẩm của đương sự và khiến Trung Quốc bẽ mặt.
Đặc biệt, theo lời đương sự, thì sức khỏe của bà không được tốt do vừa phẫu thuật tuyến giáp hồi tháng 5 và huyết áp cũng không ổn định. Vì lí do này, mà nhiều cơ quan báo chí và cả Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã vô cùng tức giận, và chỉ trích Mỹ là "vô nhân đạo".
Tập đoàn công nghệ Huawei, một trong những nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, đã bị Mỹ và nhiều quốc gia nghi ngờ do những lo ngại về bảo mật.
Huawei đã bác bỏ những lo ngại về bảo mật nói trên, và khẳng định không có bằng chứng nào cho thấy thiết bị của hãng này là mối đe dọa về an ninh.
Thay vào đó, tờ China Daily đã tố "ngược" rằng Mỹ có mục đích kìm chân tham vọng của Huawei trong lĩnh vực công nghệ: "[Huawei] đang nỗ lực vươn lên hàng top đầu trong cuộc cách mạng 5G mới bắt đầu hình thành, và chính quyền Mỹ muốn giành lấy vị trí đó cho các công ty của Mỹ".