Vụ CFO Huawei: Khi phía sau Mỹ là cả "liên quân" chống TQ, Bắc Kinh định xoay xở ra sao?

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Giữa ông Trump và Trung Quốc, bên nào có khả năng chịu đựng được tác động tiêu cực của cuộc cạnh tranh chiến lược lâu dài hơn, thì bên đấy rồi sẽ chiến thắng.

Bước ngoặt quyết định và định mệnh

Chậm nhất cho tới khi xảy ra vụ việc người phụ trách tài chính của tập đoàn Huawei Mạnh Vãn Chu bị phía Canada bắt giữ khi quá cảnh ở thành phố Vancouver của nước này, phía Trung Quốc phải nhận thấy rằng mối quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ nói riêng và với những nước thuộc phe Phương Tây nói chung đã đến bên một bước ngoặt mới với ý nghĩa quyết định tới mức mang cả tính định mệnh cho tương lai của quan hệ của Trung Quốc với tất cả các đối tác kia.

Vụ việc Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu theo yêu cầu của Mỹ hiện tại thách thức thể diện, uy danh, thế và lực, cũng như bản lĩnh ứng phó và đáp trả của Trung Quốc còn hơn cả chuyện xung khắc thương mại với Mỹ.

Nếu để bị thua trong chuyện này, hoặc không nhanh chóng giải quyết được với Mỹ và Canada mà kết quả phải là bà Mạnh Vãn Chu được trở về Trung Quốc, thì Trung Quốc sẽ chẳng khác gì bị Mỹ và các đối tác kia "nắm thóp", và sẽ càng thêm khó khăn nếu muốn chiến thắng phía kia trong cuộc cạnh tranh chiến lược toàn diện với họ.

Vụ việc bà Mạnh Vãn Chu bị bắt giữ nói riêng, và hoạt động kinh doanh của tập đoàn Huawei bị ngăn trở và tẩy chay ở Mỹ, Canada, Australia, New Zealand và một số nước thành viên EU là giọt nước làm tràn ly, buộc Trung Quốc phải thay đổi phương thức đối phó và đáp trả Mỹ và các đối tác kia, cũng như điều chỉnh cách thức thực hiện kế hoạch "Made in China 2025".

Bước ngoặt này có tính định mệnh đối với Trung Quốc chính là ở đó.

Vụ CFO Huawei: Khi phía sau Mỹ là cả liên quân chống TQ, Bắc Kinh định xoay xở ra sao? - Ảnh 2.

Phiên tòa xét xử bà Mạnh Vãn Chu, Giám đốc Tài Chính của tập đoàn Huawei tại thành phố Vancouver, Canada. Ảnh: JANE WOLSAK / THE CANADIAN PRESS.

Ý đồ sâu xa của Mỹ

Ít nhất thì cũng có hai bài học mà Trung Quốc không thể không rút ra được từ vụ việc này.

Thứ nhất, mọi thỏa thuận đạt được giữa Mỹ và Trung Quốc về mọi lĩnh vực chính sách và quan hệ song phương hiện tại cũng như trong thời gian tới - ít nhất là chừng nào ông Donald Trump còn cầm quyền ở Mỹ - đều không thể là cơ bản và có hiệu lực bền vững, đều có thể bị bào mòn hiệu lực hoặc vô hiệu hóa hoàn toàn một cách bất ngờ và nhanh chóng, đều chỉ là giải pháp tình thế chứ không phải là định hướng hay khuôn khổ quan hệ cho lâu dài, đều là danh nhiều mà thực ít.

Như thế có nghĩa là mối quan hệ song phương này không được ổn định và sẽ diễn biến theo hướng hợp tác thì ít và cạnh tranh và đối đầu sẽ nhiều.

Thứ hai, không chỉ có riêng Mỹ, mà ngày càng có thêm nhiều nước khác thuộc khối Phương Tây cạnh tranh chiến lược quyết liệt với Trung Quốc, mà mục tiêu hàng đầu của tất cả là không để Trung Quốc thành công toại nguyện với kế hoạch "Made in China 2025".

Hay nói theo cách khác, Mỹ đã thành lập được hẳn một liên quân đối phó tham vọng của Trung Quốc vươn lên dẫn đầu thế giới về kỹ thuật hiện đại và công nghệ cao.

Bà Mạnh Vãn Chu bị phía Canada bắt giữ với cáo buộc của phía Mỹ là công ty của người phụ nữ này ở Hồng Kông cách đây nhiều năm đã cung ứng cho Iran thiết bị điện tử của các doanh nghiệp Mỹ.

Phía Mỹ tận dụng vụ việc này để răn đe tất cả các đối tác khác trên thế giới chớ nên bất chấp yêu cầu và điều kiện của Mỹ trong hợp tác kinh tế và thương mại với Iran. Phía sau ấy còn là ý đồ của Mỹ nhằm ngăn cản những tập đoàn công nghệ cao của Trung Quốc phát triển mạnh mẽ và chinh phục rồi chế ngự thị trường Mỹ và các nước Phương Tây khác.

Để đạt được mục tiêu ấy và thực hiện được ý đồ ấy, thì chẳng có biện luận nào thích hợp hơn ngoài cáo buộc các tập đoàn công nghệ cao của Trung Quốc tham gia hoạt động gián điệp và tình báo, không có giải thích nào có được tác động dân túy công hiệu hơn ngoài khuấy động mối đe dọa cho an ninh quốc gia.

Mỹ-Trung đọ sức chịu đựng

Vụ CFO Huawei: Khi phía sau Mỹ là cả liên quân chống TQ, Bắc Kinh định xoay xở ra sao? - Ảnh 4.

Cho tới thời điểm hiện tại, Trung Quốc mới thể hiện thái độ phản ứng về chính trị rất kiên quyết đối với Canada và Mỹ. Nếu bà Mạnh Vãn Chu không được trả tự do trong những ngày tới thì phía Trung Quốc sẽ bắt buộc phải có những biện pháp đáp trả cụ thể và mạnh mẽ đối với Canada trước hết, và sau đó đối với Mỹ.

Trung Quốc chỉ có thể thành công khi biện pháp đáp trả của Trung Quốc phải đủ mạnh mẽ và quyết liệt để phía Canada thấm đòn, để cảnh báo Mỹ và răn đe những nước Phương Tây khác.

Ông Trump chỉ lùi bước trước Trung Quốc khi thiệt hại và tổn hại đối với Mỹ từ những chuyện xung khắc này với Trung Quốc bộc lộ rõ và kéo dài. Chuyện xung khắc này càng tiến gần đến thời điểm diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới ở Mỹ - vào đầu tháng 11/2020 - thì tình thế sẽ càng thêm bất lợi cho ông Trump.

Cho nên, giữa ông Trump và Trung Quốc, bên nào có khả năng chịu đựng được tác động tiêu cực của cuộc cạnh tranh chiến lược lâu dài hơn thì bên đấy rồi sẽ chiến thắng. Hiện tại, Trung Quốc gặp khó khăn và khó xử, nhưng về lâu dài mà cứ như thế thì ông Trump sẽ còn khó khăn và khó xử hơn.

* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại