Bình Thuận kiến nghị không nhận chìm xuống biển

PHƯƠNG NAM |

Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận:“Đưa lên bờ thì không được rồi. Có thể là lấn biển, đê kè, thậm chí là xuất khẩu cát nhiễm mặn”.

Chiều 25-7, UBND tỉnh Bình Thuận đã tổ chức buổi họp báo sáu tháng đầu năm, thông báo tình hình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và những vấn đề mà báo chí đã phản ánh, quan tâm.

Cuộc họp báo do ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, chủ trì. Nhiều câu hỏi liên quan đến dự án nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn, cát nạo vét của nhiệt điện Vĩnh Tân 1 đã được lãnh đạo Bình Thuận trả lời thẳng thắn.

Trung ương sẽ vào cuộc

Trả lời Pháp Luật TP.HCM về việc tỉnh đã có văn bản nào liên quan đến dự án nhận chìm, ông Nguyễn Đức Hòa cho biết cho đến nay tỉnh đã gửi nhiều văn bản cho các ban ngành trung ương, trong đó có đề cập đến vấn đề ba nhà khoa học bị mạo danh mà Pháp Luật TP.HCM đã nêu.

Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Huỳnh Thái Dương, Phó ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận, cũng cho biết Tỉnh ủy Bình Thuận đã có nhiều văn bản gửi các cơ quan trung ương về việc này, trong đó kiến nghị chuyển sang hình thức khác chứ không thực hiện nhận chìm.

Theo ông Dương, đối với việc mạo danh các nhà khoa học, tỉnh đang chờ trả lời của các cơ quan trung ương.

Theo ông Nguyễn Đức Hòa, việc nạo vét luồng hàng hải, vũng quay tàu để các nhà máy nhiệt điện ở Vĩnh Tân hoạt động là cần thiết. Tuy nhiên, ông Hòa đặt vấn đề: Có nên nhận chìm ở khu vực 30 ha vùng biển dù đã có quy hoạch hay không? Vị này cũng cho hay tỉnh Bình Thuận đã có đề nghị yêu cầu phải thận trọng, khoa học, hạn chế thấp nhất việc gây ô nhiễm môi trường.

“Hiện nay vấn đề này đã ở tầm quốc gia. Trong nay mai, Thủ tướng, Ban Bí thư, các bộ, ngành trung ương sẽ vào cuộc và sẽ công khai, minh bạch.

Tỉnh cũng đang tìm các phương án khác (sử dụng bùn, cát nạo vét - PV), trong đó ưu tiên một là lấn biển cho các dự án ven bờ. Đưa lên bờ thì không được rồi. Có thể là lấn biển, đê kè, thậm chí là xuất khẩu cát nhiễm mặn...” - ông Hòa nói.

Bình Thuận kiến nghị không nhận chìm xuống biển - Ảnh 1.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đặt vấn đề: Có nên nhận chìm ở khu vực 30 ha vùng biển dù đã có quy hoạch hay không? Ảnh: PHƯƠNG NAM

Chưa được giao vùng biển đã triển khai

Trả lời Pháp Luật TP.HCM về công văn của UBND tỉnh Bình Thuận tháng 7-2010 đồng ý cho Ban quản lý nhiệt điện Vĩnh Tân không cần đánh giá tác động môi trường (ĐTM) ở vị trí nhận chìm là đúng hay sai, ông Lê Hùng Việt, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận, cho biết thời điểm trên ông chưa nhận công tác nên chưa thể trả lời.

Đối với việc Công ty Vĩnh Tân 1 đưa màn chắn, phao quây ra vị trí nhận chìm để triển khai, ông Nguyễn Đức Hòa cho biết công ty này phải có quyết định giao mặt nước, mặt biển mới được triển khai và việc làm trước khi có quyết định là sai.

Trả lời về việc Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận có lập kế hoạch kiểm tra việc hoạt động trên biển và xử phạt công ty này hay không, Phó Giám đốc Sở TN&MT Lê Hùng Việt cho biết Bộ TN&MT đang chờ thẩm tra toàn diện vùng biển này và chưa có quyết định giao mặt biển.

Theo ông Việt, khu vực trên thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ TN&MT theo đề nghị của Tổng cục Biển và Hải đảo. “Chúng tôi sẽ có báo cáo ngay cho Bộ TN&MT việc này” - ông Việt cho biết.

Trước đó, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM liên quan đến việc ba nhà khoa học bị mạo danh trong dự án này, một lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận cho biết đã có báo cáo cho Chính phủ, Bộ TN&MT.

“Theo tôi biết, Bộ TN&MT cũng đang theo dõi, lắng nghe báo chí và những kiến nghị của chính quyền địa phương nên đã thẩm tra và thẩm tra lại rất kỹ.

Tỉnh cũng đã có kiến nghị xác minh việc mạo danh các nhà khoa học thực hiện dự án như báo chí đã nêu. Nếu đúng cần phải tạm dừng để làm rõ.

Chúng tôi cũng mong mọi người bình tĩnh bởi Bình Thuận rất có trách nhiệm trong việc này chứ không buông xuôi và nếu muốn thực hiện dự án phải chứng minh rõ ràng, khoa học” - vị lãnh đạo này cho biết.

Bộ TN&MT: Chưa thể cung cấp thông tin

Ông Phạm Ngọc Sơn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, cho biết: Ngày 25-7, PGS-TS Võ Sĩ Tuấn, Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, đã có một số nội dung trao đổi với Bộ TN&MT liên quan đến việc nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn, cát tại biển Vĩnh Tân (Bình Thuận). Tuy nhiên, theo ông Sơn, những nội dung trao đổi đến thời điểm hiện tại chưa thể được thông tin và sẽ có buổi làm việc chính thức sau khi hoàn tất các nội dung liên quan.

Khi được hỏi về thông tin báo chí phản ánh có một số nhà khoa học lên tiếng vì bị mạo danh trong dự án này, ông Sơn thông tin: "Hiện chúng tôi đang cho khảo sát lại bề mặt dưới đáy biển khu vực nhận chìm và một số nội dung khác rồi sẽ xem xét, thông tin cụ thể về dự án này".

Trước đó, ông Võ Sĩ Tuấn cho biết ông sẽ trực tiếp báo cáo cho Bộ TN&MT kết quả sơ bộ khảo sát, đánh giá lại hiện trạng khu vực biển dự kiến nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn, cát tại Bình Thuận. Theo đề nghị của bộ trưởng Bộ TN&MT, Viện Hải dương học Nha Trang đã cử đoàn công tác thực hiện đợt khảo sát kéo dài bốn ngày trong phạm vi 30 ha tại vùng biển trên. Đoàn khảo sát đã thực hiện bốn nội dung chính gồm đo đạc, vẽ bản đồ địa hình; quay phim hiện trạng nền đáy; lấy mẫu trầm tích; lấy mẫu sinh vật đáy trong trầm tích.

ĐẶNG TRUNG

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại