Các binh sĩ Ukraine được đưa lên xe buýt sau khi đầu hàng. Ảnh: Reuters
"Các tù binh chiến tranh từ Azovstal đang bị giam giữ trên lãnh thổ DPR", ông Denis Pushilin - lãnh đạo nước cộng hòa tự xưng này cho biết, theo hãng tin Interfax. "Việc tổ chức một phiên tòa quốc tế trên lãnh thổ DPR cũng đang được lên kế hoạch."
Tuy nhiên, ông Pushilin không cho biết những tội danh mà các tù binh Ukraine đang đối mặt là gì.
Trước đó ngày 20/5, Bộ Quốc phòng Nga thông báo toàn bộ khu phức hợp Azovstal ở Mariupol đã "được giải phóng" sau khi hơn 2.400 người cố thủ bên trong nhà máy (bao gồm cả binh sĩ Ukraine và thành viên Tiểu đoàn Azov) buông súng đầu hàng.
Nga gọi động thái hạ vũ khí của lực lượng Ukraine là "một cuộc đầu hàng quy mô lớn", trong khi quân đội Ukraine cho biết các binh sĩ bảo vệ nhà máy thép đã "hoàn tất nhiệm vụ chiến đấu", và mục tiêu chính hiện tại là cứu mạng họ.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết "quy trình trao đổi tù binh sẽ được tiến hành để các binh sĩ được trở về nhà". Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk cũng đề cập đến phương án trao đổi tù binh với Nga, nhưng không cung cấp thông tin chi tiết.
Nga hiện chưa lên tiếng về thông tin này. Tuy nhiên, người phát ngôn Điện Kremlin - Dmitry Peskov cam kết các chiến binh Ukraine đã đầu hàng "sẽ được đối xử theo đúng các tiêu chuẩn quốc tế".
Một số quan chức Nga khác đã đưa ra những tuyên bố cứng rắn hơn. Ông Leonid Slutsky - một nghị sĩ Nga từng tham gia đàm phán với Ukraine - đề xuất chính phủ nên dỡ bỏ lệnh cấm thi hành án tử hình đối với các chiến binh thuộc Tiểu đoàn Azov mà Mátxcơva cho là theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, tân phát xít.
Đây là một trong những lực lượng chính tham gia bảo vệ nhà máy thép Azovstal, bên cạnh lực lượng chính quy của quân đội Ukraine.
Vyacheslav Volodin – Chủ tịch Duma Quốc gia Nga hôm 17/5 tuyên bố "các đối tượng tân phát xít không nên được trao đổi".
"Đất nước của chúng tôi đối xử nhân đạo đối với những người đầu hàng hoặc bị bắt. Nhưng với những đối tượng tân phát xít, lập trường của chúng ta không nên thay đổi: họ là tội phạm chiến tranh, và chúng ta phải làm mọi cách để đưa họ ra vành móng ngựa".
Cùng ngày, Văn phòng Tổng công tố Nga đã yêu cầu tòa án Tối cao công nhận Tiểu đoàn Azov là một tổ chức khủng bố. Tòa án Tối cao Nga dự kiến sẽ xem xét đề nghị vào ngày 26/5. Việc này, nếu được tòa Tối cao chấp thuận, có thể sẽ tạo ra rào cản cho một cuộc trao đổi tù binh.
Ủy ban Điều tra Nga thông báo sẽ thẩm vấn các chiến binh bị bắt và kiểm tra xem họ có dính líu đến tội ác chống lại dân thường ở vùng Donbass, miền đông Ukraine hay không.