Nhiều binh sĩ Ukraine mất tích
Ngày 12/2, phát biểu trên kênh truyền hình "112 Ukraine", ông Dmitry Zavtonov, sĩ quan phụ trách báo chí của Nhóm chiến thuật "Mariupol" cho biết một nhóm binh sĩ của Các lực lượng vũ trang Ukraine đã không quay trở lại căn cứ sau khi thực hiện nhiệm vụ tại tỉnh Lugansk.
"Một nhóm binh sĩ thực hiện nhiệm vụ quan sát một số vị trí ở tiền tuyến, tuy nhiên đến nay chúng tôi vẫn không liên lạc được với nhóm này", ông Zavtonov tuyên bố.
Tình hình tại Donbass tiếp tục trở nên căng thẳng vào tháng 1/2017. Nga cáo buộc leo thang căng thẳng tại khu vực trên là do Chính phủ Ukraine vi phạm nghiêm trọng các thỏa thuận Minsk và chính quyền tổng thống Poroshenko không mong muốn giải quyết cuộc khủng hoảng bằng biện pháp hòa bình.
Phát biểu với báo giới, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng chính các lực lượng dân tộc cực đoan trong chính quyền Ukraine đã làm gia tăng căng thẳng dọc toàn bộ giới tuyến giữa hai bên xung đột tại Donbass.
Trong khi đó, ông Alexander Hug, Phó trưởng Ủy ban Giám sát đặc biệt (SMM) thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) ở Ukraine ngày 11/2 cũng kêu gọi các bên trong cuộc xung đột ở Donbass rút vũ khí khỏi các khu vực giới tuyến.
Lính Ukraine bỏ trốn?
Giới phân tích cho rằng, nhóm binh sĩ Ukraine không hề mất tích mà đang tìm cách trốn sang Nga hoặc khu vực miền Đông Ukraine để tránh những chiến sự căng thẳng leo thang.
Mới đây, các quân nhân Ukraine tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn với các phóng viên Strana.ua rằng họ không coi lệnh tấn công nhằm vào tỉnh Donetsk là việc nên khuyến khích.
Một sĩ quan đơn vị mang số hiệu 72 của quân đội Ukraine nói rằng, nhiều binh lính không thấy được ý nghĩa của cuộc tấn công. Họ đặt câu hỏi là tại sao đang có thỏa thuận Minsk, mà binh lính lại được lệnh nổ súng, dẫn tới có quá nhiều tổn thất cho vài trăm mét đất trống vô dụng.
Một trung sĩ của đơn vị này cho rằng, nếu đã nổ súng thì hãy tấn công trên tất cả các quy tắc, bao gồm pháo binh, xe tăng, không quân nhưng thay vào đó, các cuộc tấn công chỉ có bộ binh tham gia nên quân lính bị ném ra như các đơn vị du kích và ngay lập tức bị tổn thất lớn.
Theo trung sĩ này, tất cả điều đó đặt ra câu hỏi cho ban chỉ huy quân đội Ukraine rằng, có phải là họ đang giải quyết "một số kế hoạch chính trị khó khăn" bằng mạng sống của binh lính hay không.
Quân nhân này cho biết, do không tìm thấy ý nghĩa đích thực của cuộc chiến với lực lượng ly khai nên một số binh sĩ bắt đầu "ốm" bất thường trước khi bắt đầu cuộc tấn công. Tóm lại, họ tìm bất kỳ mọi lý do để không bị đẩy ra dưới làn đạn thực hiện các "kế hoạch Napoleon" của chỉ huy.
Trước đó, hồi tháng 10/2015, trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình 112 của Ukraine, Trưởng Công tố viên quân sự Anatoly Matios có tới 16.000 lính Ukraine mang theo vũ khí đào ngũ trong khu vực miền Đông Ukraine, nơi mà chính quyền nước này đang thực hiện "hoạt động chống khủng bố".
"Chúng tôi đã điều tra 16.000 vụ án hình sự chống lại những kẻ đào ngũ, những người đã rời khỏi khu vực của các hoạt động quân sự, phần lớn vẫn đem theo vũ khí của họ", ông Matios nói.
Ông Matios cũng đổ lỗi cho Bộ nội vụ nước này khi cho rằng trong số hàng nghìn binh lính đào ngũ mang theo cả vũ khí, cơ quan này chỉ bắt và đưa ra xét xử hình sự 1.000 người.
"Trong suốt cả năm, các ơ quan của Bộ nội vụ đã không tìm ra hơn 1.000 người đào ngũ. Họ đã đi đâu? Họ đâu có thể bay? Họ trở về nhà. Điều đó có nghĩa là các cảnh sát địa phương không hề làm việc, công việc mà họ được trả hàng tháng tới 2.000 grivna (khoảng 95 USD). Điều đó có nghĩa là toàn bộ hệ thống bị tê liệt", ông Matios gay gắt.
Thậm chí, hãng truyền thông Nga Rossiyskaya Gazeta còn tiết lộ, một số binh sĩ Ukraine đào ngũ đã mang súng chạy sang hàng ngũ lực lượng Cực hữu Ukraine. Những người này ngay lập tức biến thành tội phạm có vũ trang, sử dụng vũ khí của mình gây ra các tội ác trên khắp lãnh thổ nước mình.
Ngoài ra, còn có khoảng 27.000 thanh niên Ukraine đã trốn nghĩa vụ trong đợt Tổng động viên lần thứ 6 hồi tháng 8/2015. Con số này chiếm đến hơn 50% số người được chính quyền Ukraine gọi ra nhập ngũ trong đợt tuyển quân đó. Trong đó, một số lượng không ít đã chạy qua miền Đông để sang Nga.