*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại
Biến thể Delta đang khiến tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp ở châu Á, nhất là khu vực Đông Nam Á.
Ảnh minh hoạ: Reuters
Hiệp hội Bác sĩ Indonesia (IDI) cho biết số y bác sĩ qua đời do COVID-19 ở nước này đã tăng mạnh trong nửa đầu tháng Bảy.
Theo IDI, 114 bác sĩ đã tử vong trong khoảng thời gian từ ngày 1/7 đến 17/7. Đây là con số cao nhất từ trước đến nay, chiếm hơn 20% trong tổng số 545 bác sĩ Indonesia qua đời vì COVID-19 kể từ đầu dịch.
Mahesa Paranadipa, một quan chức cấp cao của IDI, cho biết hiệp hội lo ngại rằng hệ thống y tế Indonesia có thể không đủ khả năng đối phó với làn sóng dịch mới.
"Chúng tôi lo rằng hệ thống có thể sẽ sụp đổ", Paranadipa nói. "Đây mới chỉ là những dữ liệu chúng tôi thu thập được. Có thể còn nhiều dữ liệu khác chưa được báo cáo tới chúng tôi."
Với sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta , số ca mắc mới COVID-19 hàng ngày ở Indonesia đã tăng lên tới khoảng 40.000 - 50.000 ca. Tổng số ca mắc COVID-19 đến thời điểm hiện tại là gần 2,9 triệu ca, với hơn 73.500 ca tử vong.
Các chuyên gia y tế đang gọi Indonesia là tâm dịch mới của châu Á. Ngày 18/7, nước này báo cáo 44.721 ca mắc COVID-19 mới với 1.093 ca tử vong.
Quảng Cáo
Trước đó, chính phủ Indonesia đã áp đặt các biện pháp hạn chế di chuyển nghiêm ngặt bắt đầu từ ngày 3/7 để làm chậm sự lây lan của virus. Các biện pháp này sẽ hết hạn vào thứ Ba tuần tới, nhưng có thể sẽ được gia hạn.
Ban điều hành về ngăn ngừa và chống lây lan dịch Covid-19 của Nga ghi nhận hơn 5.400 ca tử vong trong bảy ngày qua. Đây là tỷ lệ tử vong tối đa được cập nhật trong tuần thứ tư liên tiếp.
Theo Ban điều hành về ngăn ngừa và chống lây lan dịch Covid-19 của Nga, tỷ lệ mắc Covid-19 ở nước này trong bảy ngày qua thực tế đã ngừng tăng lên, tuy nhiên, tỷ lệ tử vong tối đa đang được cập nhật trong tuần thứ tư liên tiếp. Hôm nay (18/7), ban điều hành đã ghi nhận 5.417 người tử vong trong bảy ngày qua. Đây là mức cao mới kể từ khi bắt đầu đại dịch, tuần trước là 5.077 trường hợp tử vong được ghi nhận. Đồng thời, tỷ lệ tử vong trên nền nhiễm bệnh cao hầu như không thay đổi. So với cuối tuần qua, tỷ lệ này đã tăng từ 2,47% lên 2,49%.
Ảnh minh họa: TASS
Về số ca mắc mới, từ ngày 12 đến ngày 18/7, Ban điều hành thông báo, có 174.800 trường hợp. Con số này chỉ cao hơn 1,4% so với trong bảy ngày trước đó, trong khi tuần trước con số này vượt quá 8% và tuần trước đó là 18,7%. Mặc dù vậy, hôm nay là ngày thứ 3 liên tiếp, Nga ghi nhận hơn 25.000 ca mắc Covid-19 trong một ngày. Số ca mắc mới nhiều nhất vẫn là ở thủ đô Moscow - gần 4.360, tỉnh Moscow - hơn 2.550 và St.Petersburg - hơn 1.940. Trên cả nước đã ghi nhận 764 ca tử vong trong 24h qua.
Trong diễn biến liên quan, thị trưởng Moscow Sergei Sobyanin cho biết, tình hình dịch bệnh tuy vẫn còn phức tạp, nhưng theo tuần, số ca mắc mới đang ít đi, số ca nhập viện cũng ngày càng ít đi. Tất cả là nhờ những biện pháp hạn chế đã được đưa ra, việc tiêm chủng hàng loạt và tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu vệ sinh dịch tễ. Do đó, kể từ ngày mai, 19/07, tại thủ đô Moscow hủy yêu cầu mã QR về việc đã tiêm vaccine ngừa Covid-19, hoặc đã bị mắc bệnh chưa quá 6 tháng để đến các nhà hàng, quán cà phê; mở cửa trở lại các sân chơi dành cho trẻ em. Thị trưởng Moscow Sergei Sobyanin giải thích rằng, điều này trở nên khả thi, bao gồm nhờ việc tiêm chủng hàng loạt của người dân. Hơn 3,7 triệu người ở Moscow đã tiêm mũi đầu tiên, hơn hai triệu người đã tiêm đầy đủ cả hai mũi./.
Theo Văn phòng Thủ tướng Anh, dù cách li tại nhà song Thủ tướng Anh vẫn sẽ làm việc và chỉ đạo công việc từ xa.
Cả Thủ tướng Anh Boris Johnson và Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak sẽ phải tự cách li tại nhà theo quy định sau khi cả 2 người này đều tiếp xúc với Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid – người được cho là đã dương tính với Covid-19 .
Theo Văn phòng Thủ tướng Anh, dù cách li tại nhà song Thủ tướng Anh vẫn sẽ làm việc và chỉ đạo công việc từ xa. Với việc tự cách li tại nhà, Thủ tướng Anh đã gián tiếp từ bỏ kế hoạch cho phép những người đã tiêm đầy đủ vaccine ngừa Covid-19 sẽ không phải thực hiện cách ly sau khi có tiếp xúc với người mắc bệnh. Kế hoạch này vốn bị lực lượng đối lập chỉ trích nghiêm trọng.
Trước đó hôm qua 1(7/7), Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid cho biết, ông đã kết quả dương tính với Covid-19 sau khi xét nghiệm nhanh nhưng các triệu chứng rất nhẹ vì ông đã tiêm đủ hai liều vaccine./.
Hoàn Cầu mới đây đưa tin, 21 nhà khoa học Trung Quốc và một học giả người Anh làm việc tại Trung Quốc đã xuất bản một bài báo chứng minh rõ ràng lý do tại sao virus corona chỉ có thể đến từ tự nhiên và không thể do con người tạo ra. Các nhà khoa học đã sử dụng thuyết tiến hóa cổ điển để đi đến kết luận của họ.
Bài báo có tiêu đề "Về nguồn gốc của SARS-CoV-2 - Lập luận của những kẻ mù quáng", được đăng trên tạp chí Khoa học Đời sống Trung Quốc và được đồng tác giả bởi các nhà khoa học có chuyên môn về sinh học, khoa học đời sống, nghiên cứu động vật và di truyền học từ các trường đại học hàng đầu Trung Quốc , bao gồm Đại học Bắc Kinh, Đại học Tôn Trung Sơn, Đại học Phúc Đán, Đại học Y khoa Thủ đô và các nhà nghiên cứu từ Học viện Khoa học Trung Quốc.
Một trong các tác giả, Alice C. Hughes, là một học giả người Anh hiện đang làm việc trong Nhóm Sinh thái Cảnh quan của Trung tâm Bảo tồn Tích hợp tại Vườn Bách thảo Nhiệt đới Xishuangbanna.
Tờ Hoàn Cầu cho rằng theo ý kiến của "những kẻ mù quáng", sự thay đổi về khả năng thích ứng như vậy chỉ có thể xảy ra trước khi đại dịch hiện tại bắt đầu và cần phải có sự tiến hóa lần lượt. Theo quan điểm này, SARS-CoV-2 không thể có khả năng phát triển trong chợ động vật ở một thành phố lớn và thậm chí ít có khả năng xảy ra trong phòng thí nghiệm, tác giả cho biết.
Nguồn gốc của bất kỳ sinh vật sống nào thường là một quá trình tiến hóa kéo dài bao gồm nhiều bước sàng lọc. Do đó, quá trình tiến hóa thường trải dài trong một quy mô thời gian tiến hóa dài và đôi khi trên một khu vực địa lý rộng lớn.
Do đó, câu hỏi đặt ra là làm thế nào, khi nào và ở đâu SARS-CoV-2 đã phát triển để trở nên thích nghi hoàn hảo với thể trạng của con người. Điểm khởi đầu có thể được giả định là một dòng virus thích nghi tốt với một số loài động vật hoang dã. Vì vậy, cần có một sự thay đổi thích nghi từ vật chủ động vật sang con người, nghiên cứu cho biết.
"Virus corona mới là một loại virus 'hoàn hảo', do đó nó phải là sản phẩm của quá trình tiến hóa tự nhiên. Bởi vì ngay cả những nhà khoa học giỏi nhất của con người cũng không thể 'tạo ra' một loại virus hoàn hảo để lây bệnh cho con người", tác giả nghiên cứu nói với Tân Hoa xã.
"Giống như những nhà sản xuất điện thoại di động có kinh nghiệm và thành thạo nhất cũng không thể thiết kế ra chiếc điện thoại di động phổ biến nhất thế giới trong một sớm một chiều. Sản phẩm 'hoàn hảo' phải dựa trên thử nghiệm thị trường và phải được cải tiến nhiều lần".
Đọc bài viết đầy đủ tại:
Đi cùng với sự gia tăng đột biến số ca mắc, tỷ lệ tử vong trong đại dịch ở Indonesia cũng đang cao nhất thế giới. Điều này cho thấy quốc gia vạn đảo thực sự đang rơi vào tình trạng "chiến tranh" với đại dịch.
Hơn 72.000 người Indonesia đã tử vong do Covid-19 (Nguồn: GettyImage)
Từ khủng hoảng y tế đến khủng hoảng quan tài
Giám đốc Phòng chống và Kiểm soát Bệnh Truyền nhiễm của Bộ Y tế Indonesia, bà Siti Nadia Tarmizi cho biết, nhu cầu oxy hàng ngày ở đảo Java, hòn đảo đông dân nhất Indonesia trước đây là 400 tấn mỗi ngày, đã tăng lên 2,195 tấn mỗi ngày. Điều kiện này là rất đáng lo ngại, bởi nguồn cung từ các công ty trong nước đã không còn có thể đáp ứng các nhu cầu hàng ngày này cho dù 100% ô xy cả nước đã phải chuyển sang cho lĩnh vực y tế. Nhiều nước bắt đầu gửi viện trợ y tế cho Indonesia.
Lều cấp cứu chật cứng bệnh nhân tại tỉnh Bekasi ngày 24/6. (Nguồn: Tribunnews)
Sự bùng phát Covid-19 ở Indonesia cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu chậm lại. Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết, tỷ lệ sử dụng giường cho bệnh nhân Covid-19 ở 12 tỉnh đã vượt quá 70%. Một nửa trong số đó ở Java và phần còn lại ở các đảo lớn khác của Indonesia. Ở thủ đô Jakarta, tỷ lệ lấp đầy là gần 90%, mặc dù một số cơ sở gần đây đã được chuyển đổi thành bệnh viện cho bệnh nhân Covid-19.
Cơ sở y tế quá tải, nhiều bệnh viện phải đóng cửa do không còn khả năng tiếp nhận và chữa trị cho các bệnh nhân Covid-19. Nhiều người dân phải đi tìm nguồn oxy để tự cách ly tại nhà. Cuộc khủng hoảng oxy đã khiến hàng trăm người tử vong khi tự cách ly. Trang báo cáo độc lập Lapor Covid-19 của Indonesia cho biết có 451 bệnh nhân tự cách ly đã tử vong cho đến 15/7.
Trên cả nước trong tổng số 2.832.755 người mắc Covid-19 đã có tới 72.489 người tử vong. Nghĩa trang trên toàn Indonesia cũng đã quá tải. Nhiều người phải chấp nhận chôn cất nạn nhân Covid-19 chồng lên các ngôi mộ của người thân trong gia đình. Cuộc khủng hoàn quan tài cũng xảy ra ở các thành phố lớn như Jakarta và Yogyakarta. Anh Agus, một tình nguyện viên của phong trào quyên góp quan tài thành phố Yogyakarta cho biết, trong những ngày đầu thành lập phong trào (5/7/2021), nhóm này chỉ có thể làm được từ 5 đếm 6 chiếc quan tài một ngày. Hiện nay, Agus và các thành viên trong nhóm có thể làm từ 20 đến 30 chiếc quan tài mỗi ngày. Tuy nhiên, số lượng quan tài được sản xuất không đủ đáp ứng nhu cầu của các bệnh viện ở Yogyakarta và các vùng phụ cận.
Nhân viên nhà tang lễ chôn nhiều thi thể cùng một lúc, tại nghĩa trang Pedurenan, Bekasi, Tây Java, ngày 7/7/2021
Bài viết được dẫn nguồn từ:
Khi đại dịch COVID-19 bắt đầu tấn công Đại bình nguyên Bắc Mỹ vào đầu năm 2020, bộ tộc Sioux bên sông Cheyenne lập các chốt kiểm soát trên mọi con đường dẫn vào khu bảo tồn để bảo vệ người của mình.
Nhưng sang năm nay, lãnh đạo bộ tộc này và nhiều bộ tộc Anh-điêng khác của Mỹ chuyển sang nỗ lực thuyết phục người dân tiêm vắc-xin.
Đại dịch COVID-19 gây hậu quả vô cùng nặng nề đối với các cộng người Anh-điêng, một phần do tâm lý hoài nghi do chấn thương từ lịch sử. Theo một nghiên cứu độc lập do APM công bố vào tháng 3 năm nay, tỷ lệ tử vong vì COVID-19 trong các bộ tộc bản địa Mỹ cao hơn tỷ lệ trung bình của các nước. Cứ 100.000 người Mỹ chết vì COVID-19 thì có 256 thổ dân.
"Chúng tôi đã sống sót qua những cuộc thảm sát, chiến tranh, định kiến, phân biệt chủng tộc, diệt chủng, triệt sản và các trường nội trú. Đây chỉ là một thách thức nữa để sống sót", Remi Bald Eagle, điều phối viên liên chính phủ của bộ tộc Sioux, nói.
Khu bảo tồn sông Cheyenne. (Ảnh: National Geographic)
Nằm trong khu bảo tồn sông Cheyenne, khu Lakota thuộc bang Nam Dakota bị tụt lại trong nỗ lực của cả nước Mỹ mà Tổng thống Mỹ Joe Biden đặt mục tiêu tiêm cho 160 triệu người trong mùa hè năm nay.
Các cộng đồng thổ dân ở đây lưỡng lự với vắc-xin vì thiếu tin tưởng, hậu quả của một lịch sử đầy sóng gió. Trong những năm 1960 và 1970, Dịch vụ y tế Anh-điêng, cơ quan hiện đang phân phối vắc-xin COVID-19, đã triệt sản 25-40% phụ nữ thổ dân trong độ tuổi sinh đẻ, dù họ không đồng ý hoặc không biết.
"Với người ngoài, triệt sản hàng loạt chỉ là một sự kiện. Nhưng với chúng tôi là gia đình, gia đình mà chúng tôi không thể có", ông Bald Eagle nói.
Một báo cáo mới cho thấy, phương pháp điều trị bằng cấy ghép phân (FMT) dường như đã giúp 2 bệnh nhân có nhiều bệnh nền tránh bị các triệu chứng nghiêm trọng từ COVID-19 . Nguyên lí của phương pháp này là lấy vi sinh vật có lợi trong phân của người khỏe mạnh cấy vào ruột của người bệnh.
Vi khuẩn có lợi từ phân của người cho có thể giúp cơ thể người nhận chống lại các bệnh gây ra do nhiễm khuẩn - ví dụ như nhiễm vi khuẩn Clostridium difficile (còn được gọi là Clostridioides difficile hoặc viết tắt là C. diff) - gây ra các vấn đề như tiêu chảy hoặc hội chứng ruột kích thích.
Cấy phân chữa COVID-19
Tuy nhiên, nghiên cứu này mới chỉ dựa trên 2 bệnh nhân đơn lẻ. Do đó, việc họ khỏe mạnh trở lại có thể là do tình cờ hoặc do nhờ vào các phương pháp điều trị khác.
Cụ thể, tờ Live Science mới đây cho biết 2 bệnh nhân Ba Lan gần đây đã nhập viện vì nhiễm trùng do vi khuẩn và đã được dùng phương pháp cấy ghép phân để điều trị. Cả hai bệnh nhân sau đó đều có kết quả dương tính với COVID-19 nhưng không phát triển bệnh nặng mặc dù có các bệnh lý nền. Các tác giả nghiên cứu cho rằng biện pháp FMT có thể đã giúp bệnh nhân tránh được việc bị ốm nặng.
Cả 2 bệnh nhân trong nghiên cứu điển hình này đều đến bệnh viện vì nhiễm trùng do vi khuẩn và không phát triển các triệu chứng của COVID-19 cho đến khi họ được nhập viện và bắt đầu điều trị cấy ghép phân cho nhiễm trùng do vi khuẩn.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây:
Singapore vừa bác bỏ thông tin sai sự thật về một nghiên cứu gắn mác Bộ Y tế nước này cho rằng Covid-19 là một loại vi khuẩn bị nhiễm phóng xạ gây ra đông máu và làm chết người.
Nội dung tin nhắn phát tán trên mạng xã hội nói rằng đây là nghiên cứu của các nhà khoa học Singapore sau khi tiến hành khám nghiệm tử thi của các bệnh nhân tử vong do Covid-19 . Tin nhắn còn khẳng định có thể điều trị Covid-19 bằng thuốc kháng sinh, kháng viêm và chống đông máu...
Vì lý do đó, Singapore đã thay đổi chiến lược điều trị, cho các bệnh nhân dương tính dùng aspirin. Kết quả bệnh nhân bắt đầu hồi phục, sức khoẻ cải thiện. Chỉ trong 1 ngày, Singapore đã cho hơn 14.000 bệnh nhân được xuất viện về nhà.
Bộ Y tế Singapore khẳng định đây là thông tin sai sự thật. Cơ quan này nhấn mạnh họ không đưa ra thông tin và khuyến cáo như vậy. Bộ Y tế Singapore cũng không có bất kỳ sự thay đổi các phác đồ điều trị bệnh nhân Covid-19.
Bộ Y tế Singapore nhấn mạnh Covid-19 là do virus gây ra, không phải do vi khuẩn bị nhiễm phóng xạ gây ra. Dựa trên nhiều nghiên cứu khoa học và bằng chứng hiện tại, dịch Covid-19 là do virus SARS-CoV-2 gây ra. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nhiều lần bác bỏ thông tin cho rằng dịch Covid-19 do vi khuẩn gây ra.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây:
Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu hôm 17/7 đã tổ chức sự kiện "ăn mừng" vì chương trình tiêm chủng virus corona của họ đã có tỉ lệ tiếp cận cao hơn ở Mỹ.
"Chúng tôi đã cam kết và đã làm được. Trong tuần này, EU đã vượt qua Mỹ để trở thành châu lục có nhiều người được tiêm mũi đầu tiên nhất trên thế giới ", Ủy viên EU Thierry Breton viết trên Twitter.
Trích dẫn trang web thống kê "Our World in Data", Bộ trưởng Châu Âu của Pháp Clement Beaune đã viết rằng EU hiện đã có 55,5% người dân tiêm mũi vắc xin đầu tiên, so với 55,4% tại Mỹ.
Chiến lược của Brussels trong việc tung ra các phát súng Covid-19 đã bị chỉ trích rộng rãi vào đầu năm 2021, tụt hậu so với Anh và Mỹ vì thiếu nguồn cung.
Thuốc Molnupiravir của Merck & Co. Ảnh: AFP
Hãng dược phẩm Merck của Mỹ và công ty Ridgeback Biotherapeutics của Đức vừa thông báo thuốc uống Molnupiravir, điều trị COVID-19 cho bệnh nhân từ nhẹ đến trung bình, cho kết quả đầy hứa hẹn dù mới đang trong quá trình thử nghiệm giai đoạn 3.
Thuốc Molnupiravir đã hoàn tất 2 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, đạt hiệu quả 100% đối với tất cả bệnh nhân COVID-19. Sau 5 ngày, tải lượng virus của các bệnh nhân này xuống thấp đến ngưỡng không lây lan.
Hiện nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 thuốc Molnupiravir với 1.850 bệnh nhân trên toàn cầu đang sắp hoàn tất. Kết quả giai đoạn 3 sẽ được công bố vào mùa thu tới. Nếu thành công, Merck sẽ xin cấp phép sử dụng khẩn cấp và đưa ra thị trường loại thuốc này trong 4 - 5 tháng tới.
Thông tin trên website của Merk cho biết, thuốc Molnupiravir (EIDD-2801/MK-4482) là thuốc uống có tác dụng ức chế sự sao chép của nhiều loại virus RNA, trong đó có SARS-CoV-2, tác nhân gây bệnh COVID-19. Molnupiravir đã được chứng minh là có tác dụng trong một số mô hình SARS-CoV-2, bao gồm điều trị và ngăn ngừa lây truyền.
Theo Merk, EIDD-2801 được phát minh tại Drug Innovations at Emory (DRIVE), LLC, một công ty công nghệ sinh học phi lợi nhuận thuộc sở hữu hoàn toàn của Đại học Emory và đang được Merck & Co phối hợp với Ridgeback Biotherapeutics phát triển.
Merck cũng thông tin thêm, công ty đã ký kết các thỏa thuận cấp phép tự nguyện về thuốc Molnupiravir với các nhà sản xuất thuốc gốc Ấn Độ. Merck tham gia vào các thỏa thuận này nhằm đẩy nhanh việc sản xuất thuốc Molnupiravir ở Ấn Độ và ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình khác sau khi các cơ quan quản lý địa phương phê duyệt hoặc cấp phép dùng khẩn cấp.
Một trong những nhà sản xuất thuốc gốc ở Ấn Độ là Hetero đã thông báo có được những dữ liệu tích cực từ một nghiên cứu lâm sàng nhãn mở về Molnupiravir và đã đệ trình những dữ liệu này lên cơ quan quản lý dược phẩm của Ấn Độ DCGI để xin phép sử dụng trong chương trình khẩn cấp.
Bài viết được dẫn nguồn từ:
Sáng 18/7, Ban tổ chức Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 đã xác nhận thêm 3 trường hợp vận động viên nhiễm COVID-19 tham gia sự kiện này.
Hiện số lượng vận động viên tới Nhật Bản để tham dự Thế vận hội Olympic Tokyo đang tăng lên trước khi sự kiện thể thao này bắt đầu diễn ra vào tuần tới.
Ban tổ chức Thế vận hội Olympic Tokyo đã báo cáo 10 trường hợp mắc COVID-19 mới gồm phóng viên, nhà thầu và đối tượng khác, giảm so với 15 trường hợp được ghi nhận vào ngày 17/7, trong đó có một vận động viên. Tuy nhiên, quốc tịch của vận động viên này sẽ không được công bố để đảm bảo quyền riêng tư.
Một thành viên Ủy ban Olympic Quốc tế đến từ Hàn Quốc đã có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 ngay sau khi hạ cánh xuống sân bay Tokyo. Ryu Seung-min, một cựu vận động viên Olympic và đã được tiêm phòng, đã phản ánh nguy cơ lây nhiễm từ những người tham dự Thế vận hội ngay cả khi đã được tiêm chủng.
Hiện đã xuất hiện các ca mắc COVID-19 tại Thế vận hội Olympic Tokyo 2020. (Ảnh: AP)
Thông tin về các ca mắc COVID-19 ngay trong Làng vận động viên của Olympic Tokyo đã làm dấy lên lo ngại về khả năng virus SARS-CoV-2 có thể lây lan trong những người đang lưu trú tại đây, khi các đoàn thể thao quốc tế bắt đầu đổ về trước thềm lễ khai mạc vào ngày 23/7. Giới chức Nhật Bản cũng đang phải nỗ lực kiểm soát an ninh cho các đoàn vận động viên sau sự việc một vận động viên cử tạ người Uganda bỏ trốn khỏi địa điểm tập luyện ở tỉnh Osaka.
Tỷ lệ lây nhiễm đang tăng trong cộng đồng cư dân ở thủ đô Tokyo của Nhật Bản, quốc gia có số ca mắc mới vượt 1.000 trường hợp trong 4 ngày liên tiếp. Các cuộc thăm dò cho thấy, nhiều người dân Nhật Bản phản đối việc tổ chức Thế vận hội do sự kiện thu hút số lượng đông đảo du khách, cổ động viên nước ngoài tới quốc gia này.
Bài viết được dẫn nguồn từ:
Theo trang VOA News (Mỹ), các nghiên cứu của thế giới về việc truy tìm nguồn gốc virus Covid-19 đã đưa ra 3 phát hiện mới: thời gian phát hiện ra virus Covid-19 ở Trung Quốc phải sớm hơn thời điểm mọi người biết về nó ít nhất hai tháng; thời gian để virus lây lan trên toàn thế giới có thể đã xảy ra trước khi Vũ Hán bị phong tỏa; Sự xuất hiện của virus corona đã cho thấy khả năng thích ứng đáng kinh ngạc với cơ thể con người, và không thể loại trừ khả năng rò rỉ trong phòng thí nghiệm; việc các chuyên gia Trung Quốc tiêu hủy các mẫu bệnh phẩm virus sớm nhất được coi là bằng chứng về việc cố gắng che giấu nguồn gốc virus.
Nghiên cứu nguồn gốc của Covid-19
Ba nghiên cứu này được thực hiện bởi các nhà khoa học Australia, Hoa Kỳ và Đại học Kent của Vương quốc Anh, những kết luận mà họ đạt được rõ ràng là rất bất lợi cho tuyên bố của Bắc Kinh trong việc quy kết nguồn gốc của virus Covid-19 xuất phát từ các quốc gia khác.
Đợt bùng phát đại dịch Covid-19 ở Trung Quốc sớm hơn khoảng hai tháng so với thời điểm được biết đến hiện nay
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Kent, Vương quốc Anh đã tính toán thông qua mô hình và phát hiện: thời gian virus corona xuất hiện sớm nhất là từ đầu tháng 10 đến giữa tháng 11/2019. Thời điểm có khả năng xuất hiện virus cao nhất là ngày 17/11/2019 và đến tháng 01/2020, Covid-19 đã lây lan ra toàn thế giới.
Nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí học thuật quốc tế về y khoa "PLOS Pathogens".
Đọc toàn bộ bài viết dưới đây:
Nhiều người cho rằng tình trạng gần như sụp đổ của hệ thống chăm sóc y tế là do các biện pháp phong tỏa non nớt của chính phủ.
Gọi là phong tỏa toàn quốc nhưng phần lớn trong khu vực sản xuất của Malaysia vẫn tiếp tục làm việc, với lực lượng lao động giảm bớt.
Theo Diplomat, quyết định cho phép 18 khu vực sản xuất vận hành chủ yếu ở mức độ 60% tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh bùng phát ở các nhà xưởng và khu ở tập trung của các công nhân. Các chùm ca bệnh ở nơi làm việc đã nổi lên như một nguồn lây nhiễm chủ chốt ở Malaysia, với hàng loạt ổ dịch được xác định có liên quan tới mảng công nghiệp.
Lượng xét nghiệm thấp cũng là nguyên nhân dẫn tới các ca nhiễm không được phát hiện ở giai đoạn sớm, đặc biệt đối với người trẻ, cho tới khi tình trạng của họ xấu đi nhanh chóng. Các chuyên gia y tế công cộng đã nhấn mạnh rất nhiều lần về sự cần thiết của xét nghiệm quy mô lớn đi đôi với các quy định hạn chế.
Trong suốt giai đoạn phong tỏa, tỷ lệ dương tính trên toàn quốc (số lượng xét nghiệm trả về kết quả dương tính với Covid-19) luôn trên mốc tối đa 5% của WHO. Điều này cho thấy Malaysia không xét nghiệm đủ để khống chế dịch bệnh.
Ủy ban y tế của liên minh đối lập Pakatan Harapan gần đây đã khẳng định biện pháp phong tỏa hoàn toàn thất bại, với hình thức giới hạn di chuyển nhiều khả năng không thể kiểm soát làn sóng Covid-19 thứ tư.
Sajid Javid, Bộ trưởng Y tế Vương quốc Anh, hôm thứ Bảy thông báo rằng ông đã có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 sau khi được tiêm chủng.
Trong một video trên Twitter, ông Javid cho biết, ông đang chờ xét nghiệm PCR cho kết quả chính xác hơn khi cách ly tại nhà.
Bộ trưởng Y tế Anh đã thực hiện xét nghiệm hôm thứ Bảy sau khi cảm thấy không khỏe vào đêm hôm trước. Ông đã được tiêm cả hai liều vaccine AstraZeneca và cho biết các triệu chứng của ông đến nay "rất nhẹ".
Đầu tháng này, Thủ tướng Boris Johnson đã thông báo, các yêu cầu về đeo khẩu trang và giãn cách xã hội sẽ được dỡ bỏ vào thứ Hai, cùng với việc giới hạn số người có mặt tại các cuộc tụ họp riêng tư, các buổi hòa nhạc và các sự kiện thể thao.
Trong tuần qua, 300.000 người có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 ở Anh tăng 40% so với một tuần trước đó.
Biến thể Delta, được phát hiện là lây lan nhanh hơn khoảng 225% so với "bản gốc" của virus, hiện chiếm hơn 90% các trường hợp lây nhiễm ở cả nước và đứng sau sự gia tăng COVID-19 ở một số khu vực.
Hiện tại, 2/3 số người trưởng thành ở Anh được tiêm chủng đầy đủ; trẻ em chưa đủ điều kiện.
Ngày 17/7, Indonesia ghi nhận thêm 51.952 ca mắc và 1.092 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm và ca tử vong kể từ khi đại dịch bùng phát tại nước này lên lần lượt là 2.832.755 và 72.489 ca.
Đây là lần thứ 4 Indonesia ghi nhận trên 50.000 ca mắc mới trong một ngày và là lần thứ 3 số ca tử vong vượt mức 1.000 ca/ngày. Hiện quốc gia Đông Nam Á này vẫn còn 527.872 bệnh nhân đang được điều trị tại bệnh viện hoặc tự cách ly ở nhà và 239.294 ca nghi nhiễm.
Trong những tuần gần đây, số ca mắc COVID-19 tại Indonesia đã gia tăng đột biến và lập kỷ lục với 56.757 ca mắc ghi nhận ngày 15/7 và 1.205 ca tử vong thông báo ngày 16/7.
Tại cuộc họp báo cùng ngày, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề chính trị, pháp luật và an ninh Mahfud MD cho biết Tổng thống Joko Widodo đã yêu cầu hủy chương trình tiêm chủng trả phí. Giải thích về việc chính phủ cho phép công ty dược phẩm PT Kimia Farma tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 có trả phí, Bộ trưởng Mahfud cho rằng hiện nay, hệ thống bệnh viện đang dần quá tải, thiếu trầm trọng nhân viên y tế, không đủ khả năng tiêm chủng kịp thời cho người dân để đạt miễn dịch cộng đồng trong khi biến thể Delta đang lây lan nhanh chóng và trên diện rộng.
Theo đó, ý tưởng về việc cấp vaccine cho các cơ sở y tế tư nhân để họ tiêm chủng cho nhân viên của họ và người dân nếu có nhu cầu tiêm sớm là một biện pháp giúp giảm bớt gánh nặng cho quốc gia. Tuy nhiên, do nguồn ngân sách không đủ để xã hội hóa, công ty PT Kimia Farma cũng chưa thể đảm bảo nguồn lực để triển khai chương trình này nên chương trình tiêm chủng trả phí đã bị hủy.
Trước đó, ngày 12/7, Chính phủ Indonesia đã cấp phép cho công ty PT Kimia Farma thực hiện chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho các cá nhân có nhu cầu tiêm và phải trả phí. Chi phí ban đầu là 321.600 IDR/liều (22 USD). Tuy nhiên, chương trình này đã vấp phải phản ứng tiêu cực từ người dân. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng phản đối chương trình này trong bối cảnh số ca mắc mới và tử vong tại Indonesia tăng vọt, hơn nữa một lượng lớn vaccine cung cấp cho Indonesia là từ cơ chế COVAX nên việc thu phí tiêm chủng lúc này là không phù hợp.
Theo dữ liệu được Cơ quan y tế công cộng Canada công bố ngày 16/7, có 50,04% người Canada từ 12 tuổi trở lên (tương đương 16.612.850 người) đã được tiêm chủng đầy đủ. Tại Mỹ, theo báo cáo của CDC, 48,4% người Mỹ (tương đương 160.686.378 người) đã hoàn thành tiêm chủng.
Trong một phát biểu mới đây, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết, nếu Canada duy trì được xu hướng tích cực trong tiến độ tiêm chủng và tình trạng sức khỏe cộng đồng, quốc gia Bắc Mỹ này sẽ sẵn sàng chào đón những du khách đã được tiêm chủng đầy đủ từ tất cả các nước vào đầu tháng 9 tới.
Canada có thể sẽ bắt đầu cho phép công dân/thường trú nhân Mỹ đã được tiêm phòng đầy đủ vào Canada kể từ giữa tháng 8/2021, dù mục đích của hoạt động đi lại là không thiết yếu. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Chrystia Freeland cho biết Chính phủ Canada đang thảo luận với các quan chức Mỹ về các bước tiếp theo ở biên giới, với sự tham vấn của các cơ quan y tế công cộng cấp tỉnh và liên bang.
Tuy nhiên, các hiệp hội kinh doanh cảnh báo quyết định của Thủ tướng Trudeau mở cửa biên giới Canada cho khách du lịch nước ngoài trong khoảng 30 ngày nữa sẽ đòi hỏi sự chuẩn bị rất lớn để đảm bảo mọi hoạt động được trơn tru.
Bài viết được tham khảo từ https://baotintuc.vn. Bấm link để đọc bài viết nguồn
Từ sáng sớm, quảng trường Palais Royal ở Quận 1 của thủ đô Paris đã chật kín người tham gia biểu tình. Rất đông trong số họ mang cờ và biểu ngữ. Người biểu tình vừa hát, vừa hô vang "tự do", đồng thời kêu gọi Tổng thống phải từ chức. Trong lúc đó, một cuộc biểu tình khác do những người áo vàng khởi xướng cũng đã diễn ra ở phía Nam thủ đô Paris.
Sau khi Tổng thống Emmanuel Macron lên sóng truyền hình hôm 12/7 để thông báo về nguy cơ bùng phát làn sóng dịch thứ tư do biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 gây ra, cũng như các giải pháp kiềm chế dịch bệnh mà chính phủ sẽ áp dụng trong thời gian tới, trong đó có biện pháp áp dụng việc kiểm tra giấy chứng nhận sức khỏe (đã tiêm chủng, hoặc kết quả âm tính với test PCR) đối với những ai muốn đến các quán bar, nhà hàng, trung tâm thương mại, cũng như lên tàu hỏa, ô tô đường dài hoặc máy bay bắt đầu từ tháng 8 tới. Ngoài ra, từ ngày 21/7, nhà chức sách sẽ yêu cầu người dân xuất trình giấy chứng nhận này nếu muốn tham gia các sự kiện văn hóa, chương trình biểu diễn, lễ hội.
Bất bình với các biện pháp chống dịch của chính phủ, Florian Philippot, người sáng lập đảng cánh hữu mang tên "Những người yêu nước quốc gia" và là cựu thành viên của đảng "Tập hợp dân tộc" đã khởi xướng cuộc biểu tình trên và kêu gọi người dân tham gia.
Thủ tướng Israel Naftali Bennett cho biết khả năng bảo vệ của vaccine Pfizer chống lại biến thể Delta của Covid-19 là yếu hơn so với kỳ vọng của các chuyên gia y tế.
Ông Bennett cho biết số ca mắc mới ở nước này đang dần tăng lên dù đã tiêm chủng cho hầu hết người dân và đã bắt đầu tiêm liều thứ 3 cho một số nhóm nhất định.
Thủ tướng Bennett cho rằng các biến thể Covid-19 đang gia tăng trên toàn cầu và Israel vẫn đảm bảo có đủ nguồn dự trữ cần thiết nhưng chỉ riêng vaccine là không đủ. Israel đang lên kế hoạch nghiêm ngặt hơn để chống lại sự lây lan của biến thể Delta.
Nếu các kế hoạch mới được quốc hội thông qua, chỉ những người được tiêm chủng hoặc đã khỏi bệnh mới được phép tham gia các sự kiện trong nhà với hơn 100 người.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 0h00 ngày 18/7 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 190.596.800 ca mắc COVID-19, trong đó có 4.095.895 ca tử vong. Số bệnh nhân bình phục là 173.686.887 người.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 624.612 ca tử vong trong tổng số 34.930.856 ca nhiễm. Trong bối cảnh số ca nhiễm mới, nhập viện và tử vong gia tăng trong thời gian gần đây, Giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Rochelle Walensky đã lên tiếng cảnh báo những người dân còn đang ngần ngại đi tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Biến thể Delta cũng đang khiến tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp ở châu Á, nhất là khu vực Đông Nam Á. Theo thống kê của Worldometers, có tới 3 quốc gia Đông Nam Á nằm trong top 10 quốc gia đứng đầu về số ca mắc mới ghi nhận trong ngày (Indonesia, Malaysia và Thái Lan).
Ngoài ra, với 54.674 ca nhiễm mới, Anh là quốc gia ghi nhận số lượng ca mắc mới nhiều nhất thế giới dù nước này có lộ trình mở cửa hoàn toàn vào ngày 19/7 tới.