Biên giới chết chóc nhất thế giới

Cao Lực |

Hơn 33.000 người di cư đã bỏ mạng trên biển Địa Trung Hải trong lúc cố đến các bờ biển châu Âu kể từ năm 2000.

Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) của Liên Hiệp Quốc hôm 24-11 công bố số liệu này trong báo cáo mới nhất, qua đó khiến Địa Trung Hải trở thành biên giới chết chóc nhất thế giới. Dù vậy, ông Philippe Fargues, chuyên gia của Viện Đại học châu Âu (Ý) và là tác giả báo cáo, cho rằng số liệu nêu trên có thể chưa phản ánh đủ quy mô thực tế của cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Địa Trung Hải.

"Báo cáo nói rằng ít nhất 33.761 người di cư được cho là đã thiệt mạng hoặc mất tích ở Địa Trung Hải trong giai đoạn 2000-2017. Số liệu này tính đến ngày 30-6. Nó kết luận rằng biên giới Địa Trung Hải của châu Âu là nguy hiểm nhất thế giới" - ông Jorge Galindo, thành viên của IOM, phát biểu tại buổi họp báo ở TP Geneva - Thụy Sĩ.

Số liệu của IOM còn cho biết tính từ đầu năm 2017 đến nay, khoảng 161.000 người di cư và tị nạn đã đến được châu Âu bằng đường biển, trong đó khoảng 75% người đặt chân đến Ý và những người còn lại đến Hy Lạp, Cyprus, Tây Ban Nha. Dù vậy, số người bỏ mạng hoặc mất tích trong hành trình này là gần 3.000.

Trong tuần này, người ta chứng kiến sự gia tăng các hoạt động cứu hộ cũng như lượng người tìm cách vượt biển đến châu Âu. Tính riêng hôm 24-11, lực lượng bảo vệ bờ biển của Libya hậu thuẫn đã ngăn chặn hơn 600 người di cư, bao gồm phụ nữ và trẻ em, trên 5 chiếc thuyền rời bờ biển phía Đông thủ đô Tripoli. Trước đó, trong hai ngày 22 và 23-11, lực lượng bảo vệ bờ biển Ý cho biết khoảng 1.600 người di cư trên gần 20 con thuyền đã được cứu tại Địa Trung Hải.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại