Câu hỏi khó cho ông Lý Hiển Long hé lộ cuộc đấu không khoan nhượng giữa Mỹ-Trung Quốc

Ngọc Nguyễn |

Mỹ gìn giữ trật tự quốc tế có được từ sau Thế chiến II, trong khi Trung Quốc đang cố gắng tạo dựng một trật tự mới.

Trong chuyến thăm Mỹ vừa qua, thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhận được câu hỏi từ một doanh nhân Mỹ: "Ông vẫn tin rằng Singapore duy trì là quốc gia hưởng nhiều lợi ích nhất từ ​một ​thế giới phụ thuộc lẫn nhau, các hình thức trao đổi cởi mở và những vai trò đa phương?"

James R Keith, giám đốc điều hành của McLarty Associates, công ty chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn chiến lược và vận động cho các doanh nghiệp đa quốc gia, tin rằng không ai khác có thể trả lời câu hỏi trên tốt hơn chính phủ Trung Quốc. 

Theo ông, Bắc Kinh sẽ không có tiếng nói gì nếu không quyết tâm thiết lập một trật tự thế giới mới. Theo quan điểm từ phía Trung Quốc, các nhân tố mang tính "thường thái mới" (new normal) trên thế giới không còn phù hợp với trật tự thế giới tự do đã tồn tại lâu dài, vốn là nền tảng cho nền kinh tế toàn cầu dựa trên các luật lệ hiện nay.

Một mô hình Trung Quốc mới

Các động thái của chính phủ Trung Quốc nhằm gia tăng tầm ảnh hưởng và hướng tới việc hình thành trật tự thế giới mới có thể kể đến việc thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ Tầng Châu Á (AIIB) cùng sáng kiến "Vành đai và Con đường". 

Những dự án này được kì vọng đóng góp hiệu quả cho nền kinh tế toàn cầu và cải thiện chất lượng cuộc sống ở các nơi mà Trung Quốc đầu tư. Tuy vậy, theo giám đốc Keith, mục tiêu chỉ có thể đạt được nếu Bắc Kinh đồng ý theo đuổi hướng tiếp cận minh bạch hơn. 

Ví dụ, Mỹ và các nước khác sẽ cùng với Trung Quốc giúp định hình các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng tại châu Á, thúc đẩy sự phát triển và tính hiệu quả của các nền kinh tế trong khu vực, thay vì chỉ dừng ở vai trò hỗ trợ cho kinh tế Trung Quốc như hiện nay.

Gần đây, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề xuất mô hình kinh tế mới mang đặc trưng Trung Quốc, gắn liền với "giấc mộng Trung Hoa". Thuật ngữ "Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc" đang trở nên ngày càng phổ biến tại nước này. Theo quan điểm của ông Tập, chủ nghĩa Marx-Lenin vẫn đóng vai trò then chốt trong trật tự thế giới mới. 

Các hành động gần đây của chính phủ Trung Quốc đang gửi đi tín hiệu về ý định tạo dựng các khuôn khổ mới cho thế giới, trong đó các quốc gia có thể hưởng đặc quyền dựa trên tương quan về quyền lực giữa họ với khu vực xung quanh.

Quan điểm của Trung Quốc trong vấn đề bảo hộ các sản phẩm trí tuệ hay quản lý mạng Internet đã chỉ ra rằng quốc gia đông dân nhất thế giới đang tự mình đưa ra các quy luật để dẫn dắt các nước khác, thay vì chấp nhận các thiết chế toàn cầu, vốn hình thành trên nền tảng trật tự thế giới sau Thế chiến II và do Mỹ làm trung tâm.

Câu hỏi khó cho ông Lý Hiển Long hé lộ cuộc đấu không khoan nhượng giữa Mỹ-Trung Quốc - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) đón tiếp thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tại Nhà Trắng, ngày 23/10/2017 (Ảnh: Bloomberg)

Những hoài nghi về cam kết của Mỹ với Châu Á

Một lần nữa, không chỉ Trung Quốc mà ngay cả chính quyền tổng thống Mỹ Donald Trump cũng có những hoài nghi về cam kết của nước này đối với châu Á. 

Trong khi Trung Quốc thể hiện ngày càng mạnh mẽ việc thành lập trật tự thế giới mới, thì chuyến công du châu Á mới đây của Tổng thống Trump được nhận định có phần khiến siêu cường duy nhất của thế giới xa rời những cam kết trước đây với khu vực.

Và khi đó, câu hỏi đặt ra cho Thủ tướng Lý Hiển Long ở trên còn mang ý nghĩa lớn hơn : Thế giới sẽ trở nên như thế nào nếu Mỹ cũng quyết rút lui hoặc phớt lờ những quy định của các thể chế quốc tế?

Mỹ và các quốc gia châu Á đều chia sẻ những lợi ích quốc gia quan trọng trong việc thúc đẩy các hoạt động thương mại và đầu tư có trật tự. Nhưng điều này chỉ có thể diễn ra trong bối cảnh chính trị ổn định và hoà bình. 

Trong giai đoạn cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, việc Mỹ duy trì sự hiện diện tại khu vực Đông Á là yếu tố hàng đầu đảm bảo sự ổn định của khu vực. Quan hệ song phương Mỹ-Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong sự hiện diện đó. Mối quan hệ song phương hiện nghiêng về hướng cạnh tranh hơn là hợp tác.

Ông Keith nhận định, những lợi ích an ninh và những quan điểm cạnh tranh về trật tự thế giới tự do hiện tại, vai trò của luật pháp... đều là nhân tố quan trọng trong mối quan hệ cạnh tranh giữa hai cường quốc lớn nhất thế giới. 

Việc chính quyền tổng thống Trump quyết định rút khỏi một số sáng kiến thúc đẩy thương mại và đầu tư đa phương như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã thể hiện hướng đi mới này. Do vậy, ưu tiên lớn nhất của các nhà lãnh đạo Mỹ lúc này là cần tìm ra các biện pháp mới thúc đẩy hợp tác kinh tế và thương mại tại Đông Á để lấp vào chỗ trống vừa để lại.

Chính quyền ông Trump cần có một kế hoạch toàn diện và thực tế để duy trì vai trò lãnh đạo tại Châu Á, hay ít nhất chứng minh họ có ý định thực thi một kế hoạch như vậy.

Tổng thống Mỹ Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu ở APEC CEO Summit 2017, thể hiện tầm nhìn khác nhau đối với phát triển kinh tế toàn cầu và khu vực châu Á (Ảnh: Reuters)

Cả Trung Quốc và Mỹ đều đang phải đối mặt với những thách thức và mâu thuẫn trong nước khó giải quyết trong nhiều những năm tới, và không bên thứ ba nào muốn giải quyết những hệ quả tiêu cực từ quá trình chia rẽ giữa hai cường quốc.

Ông Keith chỉ ra, các đồng minh và đối tác của Mỹ tại châu Á đã gửi thông điệp rõ ràng tới ông Trump: Hãy tiếp tục duy trì sự can thiệp của Mỹ ở khu vực, không chỉ giới hạn ở lĩnh vực an ninh mà nên mở rộng sự hợp tác ra lĩnh vực kinh tế và giao lưu nhân dân. 

Liệu Nhà Trắng có nghe thấy thông điệp này và hồi đáp lại thông điệp này hay không? Câu trả lời sẽ trở nên rõ ràng trong những tháng tới đây. Nhưng chắc chắn rằng sự hòa bình, ổn định và thịnh vượng của châu Á cũng như của Mỹ phụ thuộc rất nhiều vào cách Mỹ đáp trả với thông điệp này ra sao.

Video của kênh CGTN giới thiệu sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại