Điều TQ sợ nhất: Bộ tứ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là viên gạch đầu tiên của "NATO châu Á"

Hải Võ |

Sự hình thành "bộ tứ" Mỹ-Nhật-Ấn Độ-Australia là dấu hiệu những thay đổi kịch tính tiềm ẩn trong bức tranh an ninh châu Á, được Mỹ định hình là phạm vi Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Cụm từ "châu Á-Thái Bình Dương" không còn được sử dụng, thay vào đó là "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" - theo cách gọi của chính quyền tổng thống Mỹ Donald Trump và các đồng minh tại khu vực. Khái niệm này hé lộ những thay đổi tiềm ẩn trong cục diện an ninh khu vực.

Bằng chứng rõ nhất là Mỹ, Ấn Độ, Australia và Nhật Bản tuyên bố bốn nước nhất trí thành lập một lực lượng chung để tuần tra và phát huy tầm ảnh hưởng trên các vùng nước từ Ấn Độ Dương tới Thái Bình Dương, bao gồm ở biển Đông và biển Hoa Đông.

Sự hình thành của Đối thoại an ninh bốn bên, gọi tắt là "Bộ tứ", lần đầu được đề xuất vào năm 2007 bởi thủ tướng Nhật Shinzo Abe, nhưng sáng kiến bị chính phủ Trung Quốc phản đối gay gắt với lý do mối quan hệ hợp tác quốc phòng với Ấn Độ nhằm chống lại sự phát triển của Trung Quốc.

Sáng kiến "Bộ tứ" trở lại và đạt bước tiến đầy bất ngờ vào ngày 12/11, khi đại diện Mỹ-Nhật-Ấn-Australia chính thức họp bốn bên lần đầu tiên tại Manila, Philippines, trong khuôn khổ hội nghị cấp cao ASEAN 31, trong bối cảnh tổng thống Trump có chuyến công du lịch sử đến châu Á qua 5 nước.

Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), rõ ràng nhóm này đặt chương trình nghị sự về an ninh với Trung Quốc làm trọng tâm. Sự hồi sinh của "Bộ tứ" cho thấy mối nghi ngại và khó chịu gia tăng trong giới ngoại giao ở Washington, Tokyo, Canberra và New Delhi, khi chứng kiến sự trỗi dậy với tốc độ đáng ngạc nhiên của Trung Quốc cả trong kinh tế lẫn sức mạnh quân sự dưới thời ông Tập Cận Bình lãnh đạo.

Trong thông cáo sau cuộc họp ngày 12, bốn nước cho biết họ cam kết bảo đảm gìn giữ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương "tự do cởi mở", "tôn trọng luật pháp quốc tế" và "trật tự dựa trên các quy định" - những cụm từ được cho là liên hệ với những gì các nước này nhìn nhận về hành động của Trung Quốc trong tranh chấp trên bộ, trên biển và trong thương mại, bao gồm việc Bắc Kinh từ chối công nhận và chấp hành phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague về vấn đề biển Đông.

Chiến lược mới đối đầu với Trung Quốc hướng tới một "mặt trận thống nhất", trong đó nổi bật là cuộc cạnh tranh tay đôi giữa Bắc Kinh và Washington.

Điều TQ sợ nhất: Bộ tứ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là viên gạch đầu tiên của NATO châu Á - Ảnh 1.

Một cuộc tập trận chung giữa lính thủy đánh bộ Mỹ và Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) nhằm cảnh cáo Triều Tiên (Ảnh: Reuters)

Tiền đề hình thành "NATO châu Á"

Cuộc gặp "Bộ tứ" diễn ra trong tình hình Mỹ có dấu hiệu xoay trục chiến lược một lần nữa. Với việc nhấn mạnh khái niệm "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" thay cho "châu Á-Thái Bình Dương", ông Trump đã gửi một thông điệp rõ ràng tới Trung Quốc.

SCMP đánh giá, chiến lược mới là một phần trong chính sách đối ngoại ở Đông Á của ông Trump theo hướng "cân bằng cứng". Ông coi đây là cách để duy trì Mỹ hiện diện trong khu vực, sau khi Nhà Trắng tuyên bố chính sách "xoay trục châu Á" của cựu tổng thống Barack Obama đã kết thúc, và ông Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Dù là siêu cường duy nhất trên Thái Bình Dương từ sau Thế chiến II, sức mạnh đối ngoại và quân sự của Mỹ hiếm khi vươn tới Ấn Độ Dương. Nhưng thỏa thuận mới với Nhật, Ấn Độ và Australia đã thể hiện được cam kết của Washington - cả trên bình diện ngoại giao và quân sự - ở khu vực, đồng thời làm rõ tầm quan trọng của một đồng minh như Ấn Độ.

Các nước khác trong khu vực như Hàn Quốc, Singapore, Indonesia, Philippines... cũng có thể hưởng lợi từ quan hệ hợp tác đa phương do Mỹ dẫn dắt tại châu Á. Điều này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của địa chính trị hàng hải trong một thế giới hội nhập.

Tổng thống Mỹ Donald Trump nêu tầm nhìn về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tại APEC CEO Summit 2017

Về mặt kinh tế, sáng kiến "Bộ tứ" được xem là câu trả lời đáp lại "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc - sáng kiến do ông Tập Cận Bình khởi xướng, nhằm thiết lập con đường thương mại trên bộ và trên biển xuyên Á-Âu lấy Trung Quốc làm trung tâm.

Dù các thành viên "Bộ tứ" phủ nhận mục tiêu hợp tác nhằm vào "bên thứ ba", giới quan sát cho rằng họ nhìn thấy mối đe dọa tiềm tàng đối với hòa bình và ổn định của khu vực và toàn cầu. Bốn nước khẳng định hướng tới thúc đẩy sự tự do, tự chủ trong khu vực.

Điều có thể hình dung về "Bộ tứ", bên cạnh các quan điểm chung được chia sẻ, là bốn nước không có cạnh tranh về lợi ích trong các vấn đề an ninh khu vực, dù là ở biển Đông, biển Hoa Đông hay trong vấn đề Triều Tiên. SCMP nhận xét, các yếu tố đó là tiền đề cho phép nhóm hợp tác phát triển thành một "NATO châu Á", và đem lại sự thay đổi kịch tính trong bức tranh an ninh khu vực nhiều thập kỷ tới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại