Tờ Asahi Shimbun Nhật Bản ngày 4/7 dẫn lời quan chức Nhật Bản cho biết Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản có kế hoạch điều tàu sân bay trực thăng Kaga cùng 1 tàu hộ vệ đến Biển Đông tuần tra.
Dự kiến, hai tàu chiến này sẽ khởi hành vào tháng 9 tới, tiến hành thăm và huấn luyện trong 2 tháng, đồng thời đến tuần tra ở Biển Đông và Ấn Độ Dương, tham gia huấn luyện, diễn tập liên hợp đa quốc gia.
Một quan chức Nhật Bản nói: "Đây là một phần trong thúc đẩy Ấn Độ - Thái Bình Dương rộng mở".
Tàu sân bay trực thăng Kaga chính thức đi vào hoạt động từ ngày 22/3/2017, dài 248 m, có thể chở theo nhiều nhất 14 máy bay trực thăng.
Lần này, tàu Kaga sẽ đến thăm cảng biển của Ấn Độ, Sri Lanka và các nước Đông Nam Á như Indonesia. Tàu Kaga rất có thể sẽ tiến hành diễn tập liên hợp với tàu chiến hải quân các nước Đông Nam Á.
Bình luận về việc Nhật Bản sẽ điều tàu sân bay trực thăng Kaga đến Biển Đông thời gian tới, tờ Liberty Times Net Đài Loan ngày 4/7 cho rằng trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang gia tăng tranh đoạt bá quyền trên biển và Biển Đông trở thành một trong những khu vực rất căng thẳng, Nhật Bản tiếp tục điều tàu sân bay trực thăng đến Biển Đông là để tránh bị "cho ra rìa" và thúc đẩy quyền lợi tự do đi lại ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Tàu sân bay trực thăng Izumo của Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản. Ảnh: QQ.
Còn tờ Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc ngày 4/7 đăng bài xã luận cho rằng đối với người Trung Quốc, việc Nhật Bản có kế hoạch điều tàu sân bay trực thăng Kaga đến tuần tra Biển Đông là một thông tin "gai mắt", không phù hợp với không khí cải thiện quan hệ Trung - Nhật hiện nay.
Theo báo Trung Quốc, Nhật Bản là quốc gia phối hợp với Mỹ ở mức cao nhất trong hành động tự do đi lại ở Biển Đông, đồng thời tìm cách đạt được nhiều mục đích khác, chẳng hạn tiến hành kiềm chế Trung Quốc, tạo ra một "quân bài" để đấu với Trung Quốc, có lý do để tăng cường sức mạnh quân sự, tạo ra một điểm tựa ngoại giao mới, tăng khả năng tham gia vào các vấn đề an ninh khu vực.
Tuy nhiên, tàu sân bay trực thăng Nhật Bản đến Biển Đông cũng không thể tạo ra được mối đe dọa thực tế cho Trung Quốc, không ảnh hưởng đến việc xây dựng (phi pháp) đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông - tờ Thời báo Hoàn Cầu nhấn mạnh.
Báo Trung Quốc đe dọa, nếu tàu chiến Nhật Bản đi vào khu vực 12 hải lý của các đảo, đá ngầm do Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp ở Biển Đông thì sẽ gặp "rủi ro rất lớn". Nhật Bản biết mình không thể gánh được những rủi ro này.
Theo bài báo, tàu chiến Nhật Bản đến Biển Đông với bất cứ lý do gì thì đều sẽ bị coi là "khiêu khích chính trị và ngoại giao" đối với Trung Quốc. Hành động này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ Trung - Nhật, Trung Quốc sẽ có hành động "báo thù" và thủ đoạn báo thù hoàn toàn "không ít".
Thời báo Hoàn Cầu tiếp tục đe dọa, Biển Đông không phải là nơi để Nhật Bản tìm kiếm cảm giác hiện diện. Nhật Bản cần kiềm chế sự phối hợp với hành động của Mỹ trên Biển Đông, cân nhắc đầy đủ cảm giác của Trung Quốc. Tờ báo dân tộc chủ nghĩa Trung Quốc hăm dọa rằng Biển Đông không phải là nơi thích hợp để triển khai đối đầu với Trung Quốc.
Được biết, tháng 5/2017, Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản cũng từng điều tàu sân bay trực thăng Izumo đến Biển Đông, tiến hành diễn tập liên hợp với biên đội tàu sân bay Mỹ, đồng thời thăm nhiều quốc gia Đông Nam Á. Tàu Izumo là tàu cùng loại với tàu Kaga.
Ngoài ra, Mỹ đã nhiều lần tiến hành tuần tra trên không và trên biển ở xung quanh các đảo, đá ngầm do Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp trên Biển Đông. Tháng 5/2018, Mỹ đổi tên Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương ở Hawaii thành Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe là người đưa ra sớm nhất, cũng là người thúc đẩy tích cực nhất của chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương. Nhật Bản chắc chắn sẽ gia tăng vai trò ảnh hưởng chiến lược ở Biển Đông - một tuyến đường hàng hải chiến lược quan trọng.
Tuy nhiên, Nhật Bản không tham gia hoạt động tự do đi lại của Mỹ ở Biển Đông, bởi vì làm như vậy sẽ kích động Trung Quốc, có thể làm gia tăng hiện diện quân sự của Trung Quốc ở biển Hoa Đông, nhất là khu vực đảo Senkaku.