Biển Đông: Tập Cận Bình kiểm soát được áp lực từ "phe chủ chiến" trong quân đội TQ

Hữu Hoàng |

Sau phán quyết vụ kiện biển Đông của Tòa trọng tài thường trực (PCA), giới lãnh đạo Trung Quốc đang cảm nhận áp lực từ phía quân đội nước này.

Theo Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), nhiều quan chức trong giới quân đội Trung Quốc lên tiếng yêu cầu áp dụng biện pháp cứng rắn ở biển Đông để đối phó với phán quyết của PCA.

Phán quyết bác bỏ cái gọi là "quyền lịch sử" của Trung Quốc ở biển Đông và căn cứ pháp lý của "Đường 9 đoạn", đã làm trỗi dậy làn sóng chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở Trung Quốc.

Nguồn tin được cho là thân cận với giới quân sự Trung Quốc nói với Reuters: "Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã sẵn sàng."

Ngày 2/8, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn nói rằng, Trung Quốc đang đối mặt với nguy cơ an ninh trên biển và cần chuẩn bị cho "chiến tranh nhân dân trên biển".

Trước đó, ngày 17/7, các phương tiện truyền thông Trung Quốc đồng loạt đưa tin Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, Thượng tướng Phạm Trường Long thị sát Chiến khu phía Nam và ra chỉ thị "sẵn sàng chiến đấu", được đánh giá là mệnh lệnh cụ thể nhất đối với hướng biển Đông kể từ năm 1949.

Trong khi đó, những bài xã luận của truyền thông nhà nước Trung Quốc ngập tràn giọng điệu "chủ chiến".

Dù vậy, cho đến nay Trung Quốc chưa có các dấu hiệu áp dụng các biện pháp thực tế cứng rắn. 

Cùng lúc với việc nhấn mạnh "(cái gọi là) bảo vệ chủ quyền" để củng cố lòng tin trong nước, Bắc Kinh vẫn kêu gọi giải quyết hòa bình tranh chấp.

Biển Đông: Tập Cận Bình kiểm soát được áp lực từ phe chủ chiến trong quân đội TQ - Ảnh 1.

Thượng tướng Thường Vạn Toàn đã đưa ra tuyên bố "hiếu chiến" nhất của quân đội Trung Quốc kể từ sau phán quyết PCA. (Ảnh: AP)

Học giả Mỹ: Tập Cận Bình kiểm soát được chủ nghĩa dân tộc trong nước

Ông Timothy Heath, nhân viên nghiên cứu cao cấp về quốc phòng quốc tế và vấn đề Trung Quốc của RAND Corporation, công ty nghiên cứu quốc phòng quan trọng của Mỹ, trả lời phỏng vấn đài VOA nói rằng, chắc chắn một bộ phận trong PLA sẵn sàng mạo hiểm để "gửi thông điệp chính trị" tới Mỹ, cũng như thể hiện thái độ quyết tâm của Bắc Kinh trong vấn đề biển Đông.

Nhưng ông cũng cho rằng những vấn đề này nằm trong phạm vi kiểm soát được của Tập Cận Bình.

Timothy Heath nói: "Đừng quên rằng, chính Tập Cận Bình xác định quan điểm chủ yếu cứng rắn trong vấn đề chủ quyền. Ông ta là người đề ra 'chính sách giới hạn cuối cùng'.

Ông Tập trong nhiều diễn đàn đều bày tỏ, không thể thỏa hiệp trong vấn đề (cái gọi là) chủ quyền của Trung Quốc.

Quan điểm chủ yếu của ông Tập trong vấn đề chủ quyền cứng rắn hơn nhiều so với người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào.

Do đó tôi cho rằng, Tập Cận Bình là người có quyền lực và uy tín, cũng là người rất tự tin, có thể giải quyết được những vấn đề này."

Theo ông Health, Tập Cận Bình cũng nhận thức được rằng nếu như khiêu khích Mỹ dẫn đến xảy ra xung đột quân sự là không phù hợp với lợi ích của Trung Quốc.

Phó giáo sư Jessica Chen Weiss của Học viện Chính phủ, thuộc trường Đại học Cornell, Mỹ trả lời phỏng vấn VOA cũng đưa ra quan điểm tương tự.

Bà cho biết: "Rất khó để biết Tập Cận Bình đang phải đối mặt với bao nhiêu áp lực từ phía quân đội.

Không còn nghi ngờ gì nữa, trong PLA có những 'nhân vật phái diều hâu' muốn áp dụng biện pháp cứng rắn hơn trong vấn đề biển Đông. Nhưng mặt khác, Tập Cận Bình là nhà lãnh đạo có quyền lực nhất trong lịch sử chính trị Trung Quốc đương đại.

Do vậy, rất khó xác định ông Tập liệu có vì sức ép nội bộ mà phải thực thi một số chính sách không phù hợp với lợi ích Trung Quốc hay không."

Bà Weiss cho rằng, sau phán quyết PCA, Trung Quốc đã bị "mất mặt" nhưng không chấp nhận "tỏ ra yếu kém".

Xét từ nguyên nhân này, PLA có thái độ cứng rắn hơn bởi đã được nhận thêm một số không gian tự do mới. Quân đội Trung Quốc đã tung tín hiệu đe dọa nhằm "phủ đầu", ngăn các nước khác có hành động cứng rắn đáp trả.

Đối với việc chủ nghĩa dân tộc trỗi dậy ở Trung Quốc, Jessica Chen Weiss bình luận, chính phủ Trung Quốc vẫn kiểm soát được vấn đề này.

Bà nói: "Tính đến nay, chính phủ Trung Quốc đang kiểm soát chủ nghĩa dân tộc trên mạng Internet, đồng thời hạn chế những người kêu gọi chiến tranh cực đoan, ngăn chặn các phát ngôn kháng nghị. Có thể nói, Bắc Kinh vẫn quản lý tốt sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc."

Bà cho hay, các vụ biểu tình bên ngoài chuỗi cửa hàng KFC kết thúc rất nhanh, đó là một minh chứng rất cụ thể cho điều này.

Hiện nay, sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc đang nhằm vào Mỹ, một mặt đó là phản ứng chân thực của người dân Trung Quốc đối với kết quả vụ kiện biển Đông, mặt khác là kết quả việc kích động của truyền thông Trung Quốc.

Dưới ảnh hưởng của "giấc mộng Trung Hoa" và "phục hưng dân tộc" do Tập Cận Bình đề ra, những người càng tự tin như người dân Trung Quốc càng khó chấp nhận kết quả như vậy.

"Chính phủ Trung Quốc luôn 'có tính lựa chọn' trong vấn đề để người dân bày tỏ chủ nghĩa dân tộc của mình.

Nhưng tư tưởng chủ nghĩa dân tộc đối với chính phủ Trung Quốc mà nói cũng là việc khó xử, một mặt giúp Bắc Kinh cứng rắn trong lúc chống lại áp lực từ bên ngoài, nhưng nếu không kiểm soát được, nó có thể làm cho chính phủ mất đi tính mềm dẻo trong chính sách ngoại giao," bà Jessica Chen Weiss cho biết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại