Biên đội tàu sân bay Trung Quốc "vừa thiếu, vừa yếu": Đối đầu Hải quân Mỹ sẽ là thảm họa!

Trịnh Ngọc Tiến |

Nếu biên đội tàu sân bay Trung Quốc phải đối đầu với biên đội tàu sân bay Mỹ thì chắc chắn Bắc Kinh sẽ chịu rất nhiều áp lực do khoảng cách chênh lệch quá lớn giữa hai lực lượng.

Phương pháp tác chiến biển xa của biên đội tàu sân bay Trung Quốc

Tác chiến biển xa là mục tiêu cũng như chiến lược phát triển của biên đội tàu sân bay Trung Quốc. Hoạt động tác chiến biển xa là ở khu vực có khoảng cách khá xa bờ biển của Trung Quốc, cự ly vượt quá khả năng tác chiến của máy bay chiến đấu cấp chiến thuật (bao gồm máy bay chiến đấu, máy bay tiêm kích, máy bay ném bom).

Ở cự ly này, chỉ có các loại máy bay ném bom tầm xa, cảnh báo sớm, tác chiến điện tử và máy bay tuần tra trên biển mới đủ khả năng vươn tới để hoạt động nhưng cũng phải mất vài giờ đồng hồ mới có thể hành trình tới nơi. Đồng thời, lực lượng không quân cũng khó có khả năng phản ứng linh hoạt khi có tình hình nguy cấp xảy ra.

Với đặc điểm tác chiến như vậy, biên đội tàu sân bay của Hải quân Trung Quốc khi tác chiến biển xa chủ yếu phải dựa vào các vũ khí trang bị tiến công và phòng thủ được biên chế trong biên đội.

Trong đó, nhiệm vụ tiến công tầm xa chủ yếu do các máy bay trên tàu sân bay và vũ khí tiến công tầm xa, biên chế cho tàu chiến trong biên đội tàu sân bay đảm nhận (thường do tên lửa hành trình tiến công tầm xa, biên chế trên các tàu khu trục thực hiện).

Đối với tiến công tầm trung và tầm gần, chủ yếu dựa vào năng lực tác chiến của máy bay trên hạm, tên lửa hành trình trang bị trên tàu khu trục, tên lửa chống hạm, pháo phòng không và các loại tên lửa được trang bị trên các tàu ngầm có trong thành phần biên chế của biên đội tàu sân bay thực hiện.

Trong các phương pháp tiến công trên, phạm vi tiến công của máy bay chiến đấu biên chế trên tàu sân bay là lớn nhất và có sức mạnh uy hiếp cao nhất.

Biên đội tàu sân bay Trung Quốc vừa thiếu, vừa yếu: Đối đầu Hải quân Mỹ sẽ là thảm họa! - Ảnh 1.

Tiêm kích hạm J-15 cất cánh từ tàu sân bay Liêu Ninh

Một điểm đáng chú ý ở đây đó là, trong quá trình tác chiến tại vùng biển xa bờ, một mặt lực lượng không quân đóng tại các căn cứ trên đất liền của Trung Quốc, không thể tham gia hỗ trợ tác chiến cho biên đội tàu sân bay; mặc khác, khu vực tác chiến đó lại gần với các căn cứ không quân trên đất liền của đối phương.

Trong cuộc diễn tập tác chiến biển xa của biên đội tàu sân bay Liên Ninh hồi tháng 6/2019, khu vực diễn ra các khoa mục diễn tập, gần ngay đảo Guam của Mỹ, địa bàn hiện là tiền đồn bố trí lực lượng hải quân của Quân độ Mỹ tại khu vực Tây Thái Bình Dương.

Nếu như biên đội tàu sân bay của Trung Quốc thực hiện các hành động tác chiến ở khu vực Tây Thái Bình Dương, rõ ràng khu vực hoạt động của biên đội sẽ cách rất xa đất liền Trung Quốc, nhưng lại gần ngay khu vực bố trí lực lượng quân sự của Quân đội Mỹ.

Trong tình hình như vậy, Hải quân Mỹ hoàn toàn có thể sử dụng các máy bay chiến đấu F-35A và F-35C tham gia tác chiến, gây nhiều bất lợi cho biên đội tàu sân bay của Trung Quốc.

Các mối đe dọa chủ yếu đối với biên đội tàu sân bay Trung Quốc

Biên đội tàu sân bay của Trung Quốc được thiết kế chủ yếu để thực hiện các nhiệm vụ tiến công, nhưng do đội hình kéo dài, lực lượng triển khai lớn nên dễ dàng trở thành mục tiêu tiến công của đối phương. Đây chính là điểm yếu có thể khai thác của biên đội tàu sân bay Trung Quốc.

Trong hệ thống biên chế lực lượng phòng ngự của biên đội tàu sân bay Trung Quốc, lực lượng đảm nhận nhiệm vụ phòng thủ đường không có vị trí vai trò hết sức quan trọng. Chính vì vậy, phòng thủ đường không được Hải quân Trung Quốc đặt vào vị trí trọng yếu, cần tập trung phát triển để có thể đối phó được với lực lượng không quân hải quân quá mạnh của Mỹ.

Lực lượng tác chiến chủ yếu trong biên đội tàu sân bay của Hải quân Mỹ hiện nay và trong tương lai gồm máy bay cảnh báo sớm tầm xa E-2D, tiêm kích hạm F-35C (trong tương lai), F/A-18E/F, máy bay tác chiến điện tử E/A-18G.

Trong đó, máy bay cảnh báo sớm tầm xa E-2D đảm nhận nhiệm vụ cảnh giới trên không tầm xa và chỉ huy hoạt động chiến đấu. Máy bay chiến đấu F-35C thực hiện các cuộc tiến công từ trên không và bảo vệ tàu sân bay. Máy bay F/A-18E/F thực hiện nhiệm vụ tiến công đột kích.

Biên đội tàu sân bay Trung Quốc vừa thiếu, vừa yếu: Đối đầu Hải quân Mỹ sẽ là thảm họa! - Ảnh 2.

Tiêm kích hạm F/A-18 Super Hornet có tính năng vượt xa tiêm kích hạm J-16 của Trung Quốc

Nếu như thực hiện đội hình chiến đấu gồm 3 biên đội tàu sân bay, thì trên hướng tác chiến chủ yếu sẽ bố trí từ 4 - 5 chiếc máy bay cảnh báo sớm tầm xa E-2D, 24 - 26 chiếc máy bay chiến đấu F-35C, 24 - 26 chiếc máy bay chiến đấu F/A-18E/F và từ 4 - 5 chiếc máy bay tác chiến điện tử EA-18G.

Hạt nhân liên kết các hệ thống và lực lượng tác chiến của biên đội tàu sân bay Mỹ là máy bay cảnh báo sớm tầm xa và hệ thống chỉ huy tác chiến.

Dưới sự chi viện và cảnh báo tình hình tầm xa từ các máy bay cảnh báo sớm, cũng như năng lực điều khiển chỉ huy của hệ thống chỉ huy hỏa lực, các máy bay E-2D sẽ trinh sát, theo dõi, phát hiện mục tiêu từ tầm xa đồng thời chỉ huy hoạt động tác chiến đối với hệ thống vũ khí trang bị trên tàu sân bay.

Dưới sự chỉ huy tác chiến của máy bay cảnh báo sớm E-2D, các máy bay chiến đấu F-35C sẽ là lực lượng tiến công chính khi đối mặt với biên đội tàu sân bay Trung Quốc.

Khi thực hiện hoạt động tiến công tổng lực, các máy bay chiến đấu của Hải quân Mỹ sẽ đồng loạt tiến công từ 3 hướng khác nhau, với góc tiến công giữa các hướng dao động từ 30º - 60º.

Mỗi phi đội máy bay chiến đấu F/A-18E/F sẽ thực hiện phóng tên lửa chống hạm dưới sự chỉ huy cảnh báo và xác định chỉ thị mục tiêu từ máy bay cảnh báo sớm E-2D từ cự ly khoảng 1.000 km.

Khi thực hiện phương thức tiến công lần lượt, 3 phi đội máy bay chiến đấu sẽ thay nhau xuất kích từ tàu sân bay để thực hiện tiến công nhưng từ 3 hướng khác nhau, với thời gian xuất kích cách nhau từ 3 - 5 phút.

Biên đội tàu sân bay Trung Quốc vừa thiếu, vừa yếu: Đối đầu Hải quân Mỹ sẽ là thảm họa! - Ảnh 3.

Các tàu khu trục hộ vệ của biên đội tàu sân bay Mỹ phóng tên lửa phòng không hạm

Căn cứ vào mô hình tổ chức hệ thống tiến công của Không quân Mỹ hiện nay, rõ ràng nếu như phải đối mặt với lực lượng Không quân Mỹ tại khu vực tác chiến biển xa thì biên đội tàu sân bay Trung Quốc gặp phải áp lực rất lớn, trước hết đến từ khoảng cách về quy mô tổ chức lực lượng giữa hai nước.

Nếu như đội hình chiến đấu của Hải quân Mỹ được tổ chức với 3 biên đội tàu sân bay thì với ưu thế "3 chọi 1", rõ ràng biên đội tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc hoàn toàn bất lợi. Nếu so sánh số lượng máy bay trên tàu sân bay, sẽ có thể xuất hiện tình trạng 1 chọi 5, thậm chí là 1 chọi 6.

Bên cạnh sự chênh lệch về quy mô tổ chức lực lượng, khoảng cách về trình độ vũ khí trang bị cũng khiến biên đội tàu sân bay của Trung Quốc khó có thể đối trọng được với các biên đội tàu sân bay của Hải quân Mỹ.

Trong 5 năm tới, việc đưa vào biên chế các máy bay chiến đấu F-35C, khiến cho năng lực tiến công của Hải quân Mỹ được nâng cao hơn nữa, do máy bay F-35C có khả năng tàng hình, lại mang được nhiều vũ khí có uy lực sát thương cao.

Bên cạnh đó, các lực lượng này còn được hỗ trợ bởi máy bay cảnh báo sớm, máy bay chiến đấu, chế áp điện tử càng khiến cho mức độ uy hiếp gia tăng.

Hiện nay biên đội tàu sân bay Trung Quốc chưa có máy bay cảnh báo sớm trên hạm cánh cố định như hiện nay, đồng thời lại phải đối mặt với biên đội tàu sân bay có khả năng tác chiến hùng hậu của Mỹ, rõ ràng biên đội tàu sân bay của Trung Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn khi tác chiến biển xa.

Nếu như biên đội tàu sân bay của Hải quân Trung Quốc phải đối đầu với các lực lượng Hải quân Mỹ, thì chắc chắn biên đội tàu sân bay của Hải quân Trung Quốc sẽ chịu rất nhiều áp lực.

Nguyên nhân là do khoảng cách chênh lệch về số lượng máy bay chiến đấu trên hạm cũng như trình độ kỹ thuật, khả năng vận hành đối với hoạt động tác chiến của biên đội tàu sân bay giữa Mỹ và Trung Quốc./.

Video Trung Quốc phô diễn sức mạnh hải quân

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại