Sáng 27/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nêu ý kiến tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy Tp Hồ Chí Minh Đinh La Thăng cho rằng, tình hình an toàn thực phẩm hiện nay là đáng báo động, tràn lan, phức tạp, nguy hiểm.
Nguyên nhân hàng đầu của thực trạng này là không xác định được trách nhiệm, không ai bị kỷ luật khi để tình trạng mất VSATTP tràn lan.
Công tác thanh tra kiểm soát của lực lượng chức năng không tốt, không nghiêm, còn tình trạng bao che, thông đồng.
Cùng với đó, cơ chế chính sách chưa hỗ trợ để cá nhân, cơ sở sản xuất đầu tư nuôi trồng, tiêu thụ, phân phối quy mô, hệ thống.
"Lò mổ bất hợp pháp, cơ sở mất vệ sinh xã, phường biết nhưng không ai bị xử lý cả, đây là trách nhiệm của bí thư, chủ tịch.
Chúng ta cần phải xác định xử lý trách nhiệm cơ quan đơn vị, cá nhân có liên quan đến tình trạng lộn xộn, bất cập trong quản lý ATTP hiện nay", Bí thư Thăng nói.
Bí thư Thành uỷ TP HCM cho rằng ông rất băn khoăn số liệu bộ ngành báo cáo về vi phạm ATTP: "Tôi không tin vì cách lấy mẫu của chúng ta vẫn còn nhiều vấn đề, thực tế diễn biến phức tạp hơn nhiều".
Về dự thảo chỉ thị của Thủ tướng về ATTP, ông Thăng đặt câu hỏi: Nếu được thông qua, các địa phương cùng quyết liệt thực hiện có giảm tình trạng mất VSATTP không?
"Tôi nghĩ là chưa giảm vì thứ nhất phải xác định, đánh giá vệ sinh ATTP hiện nay nguyên nhân số 1 là không xác định được trách nhiệm.
Không kỷ luật được ai cả từ phường, xã, thành phố trong khi tình trạng mất vệ sinh ATTP thì tràn lan...
Nếu không xử lý được ai, như vậy cả làng đều vui, ăn bẩn vẫn vui vì có xác định được ai có trách nhiệm đâu. Nếu để tình trạng như thế này không giải quyết được"- ông Thăng nói tiếp.
Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép các địa phương được chủ động tổ chức bộ máy quản lý ATTP trên nguyên tắc không tăng biên chế.
Đồng thời, kiến nghị cho phép TPHCM thí điểm thành lập cơ quan thống nhất quản lý về ATTP, tiền xử phạt được để lại địa phương để đầu tư cho công tác quản lý, bảo đảm VSATTP.
Đối với lực lượng thực thi trong quản lý ATTP, Bí thư Đinh La Thăng cho rằng cần phải rà soát, chấn chỉnh, bố trí đúng vai trò chức năng, nhiệm vụ.
“Chúng ta nên giao cho lực lượng Cựu chiến binh tại địa phương giám sát các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm”, ông Thăng đề xuất.
Bên cạnh đó, cần quản lý chặt chẽ các chợ kinh doanh hóa chất, phụ gia thực phẩm, khuyến khích phát triển chuỗi thực phẩm an toàn quy mô lớn, tăng cường phối hợp giữa các địa phương.
Bí thư Đinh La Thăng nhấn mạnh tăng cường quản lý VSATTP nhưng các bộ ngành, địa phương không được quy định thêm "giấy phép con".
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần làm rõ trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương trong công tác bảo đảm ATTP tại hội nghị.
Theo Phó Thủ tướng, trước năm 2010 công tác quản lý ATTP theo phân khúc nhưng từ khi có Luật ATTP thì tất cả những sản phẩm thực phẩm đều có địa chỉ cụ thể là ngành nào quản lý từ khâu sản xuất, lưu thông, kinh doanh, chế biến, kể cả bao bì đóng gói.
Trong quá trình triển khai Luật ATTP có một số mặt hàng giao thoa thì các bộ đã có thông tư liên tịch giao cho bộ nào quản lý chính.
Trách nhiệm của địa phương cũng được quy định rất rõ là quản lý toàn diện công tác VSATTP trên địa bàn.