Chi tiêu sao cho hợp lý luôn là bài toán tài chính mà các gia đình nỗ lực để tìm ra câu trả lời phù hợp nhất. Gia đình Trần Trang (34 tuổi) gồm 2 vợ chồng và con nhỏ đang sống ở Hà Nội - một trong những thành phố có chi phí sinh hoạt trung bình cao nhất Việt Nam. Dù vậy, với mức thu nhập dao động 30-50 triệu/tháng, vợ chồng Trần Trang vẫn tiết kiệm được 30-40% thu nhập hàng tháng.
Trần Trang - Ảnh: NVCC
Luôn cố gắng tận dụng các ưu đãi giảm giá
Mỗi tháng chi phí sinh hoạt của gia đình Trần Trang rơi vào 18-25 triệu. Trong đó, khoản tiền lớn nhất dành cho việc ăn uống dao động 10-12 triệu/tháng cho cả gia đình. Đối với khoản ăn uống để tiết kiệm hơn, hàng ngày Trần Trang chỉ mua đủ khẩu phần ăn, tránh mua nhiều không ăn hết, sinh ra lãng phí phải bỏ đi nhiều thực phẩm. Ngoài ra, cô cũng có những mối mua thực phẩm ở chợ quê, như vậy giá sẽ hợp lý hơn rất nhiều và thực phẩm sạch.
Bên cạnh đó, mỗi tháng gia đình Trần Trang sẽ chi khoảng 2-4,5 triệu cho khoản mục xăng xe điện thoại, điện nước. Với các khoản thu điện nước và phí sinh hoạt này, cô ưu tiên thanh toán qua các ứng dụng ngân hàng, ví điện tử. Bởi vì hình thức này thường sẽ có rất nhiều ưu đãi chiết khấu giúp tiết kiệm được một khoản tiền kha khá.
“Mình hiện tại đang làm trong lĩnh vực ngân hàng nên hiểu được và luôn cố gắng để tận dụng mọi ưu đãi thanh toán của ngân hàng. Chẳng hạn, khi mua sắm trên trang thương mại điện tử, mình sẽ cố gắng tận dụng mã giảm giá vốn có và thanh toán bằng thẻ tín dụng ngân hàng để nhận được ưu đãi hoàn tiền, mã giảm giá”.
Ảnh minh hoạ - Pinterest
Đối với những món đồ không thiết yếu chẳng hạn như quần áo, giày dép... mỗi khi có ý định mua, Trần Trang thường sẽ dành 1 ngày để cân nhắc xem bản thân có thật sự cần không. Mẹo này đã giúp cô tránh lãng phí khi mua những món đồ chỉ vì có mã giảm giá sâu chứ không thật sự có nhu cầu. Dù giảm giá đến đâu, mua về và không dùng, đó vẫn là khoản chi cực kỳ lãng phí.
Đối với các món đồ thiết yếu, ví dụ đồ gia dụng, sản phẩm phục vụ sinh hoạt, cô thường sẽ tham gia vào các chương trình giảm giá bên bán cung cấp. Với tháng 11 có nhiều chương trình khuyến mãi chẳng hạn như vào ngày 11/11 hoặc Black Friday (Thứ Sáu Đen hay còn được biết đến là ngày thứ sáu sau Lễ Tạ ơn và được coi là ngày mở hàng cho mùa mua sắm Giáng sinh), gia đình Trần Trang sẽ tăng thêm chi tiêu mua sắm 10-20% để sắm sửa thêm cho bản thân và gia đình dịp cuối năm. “Đối với mình đây là cách chi tiêu thông minh, vì có thể tận dụng chương trình giảm giá mạnh nhất năm để mua những đồ mà mình thích”.
Khoản chi cho con cái sẽ dao động 3-5 triệu/tháng. Trần Trang chia sẻ rằng học phí ở mức khá hợp lý do con hiện tại đang theo học trường công. Đối với học phí cho con và đóng bảo hiểm, cô cũng thường dùng thẻ ngân hàng với khả năng được hoàn tiền cao nhất.
Ảnh minh hoạ - Pinterest
Kế hoạch tài chính cụ thể cho tương lai
Gia đình Trần Trang có kế hoạch liên quan đến tiền bạc khá cụ thể cho những năm tới. Cụ thể trong tương lai gần tức 2-3 năm tới, gia đình cô sẽ duy trì cách quản lý chi tiêu hiện tại để có thể giữ được mức tích lũy 30-50% hàng tháng. Song song đó, đầu tư vào các hình thức an toàn để “tiền đẻ ra tiền” dù với mức lợi nhuận không cao nhưng có thể giảm bớt tính rủi ro.
Tương lai xa 5-10 năm tới, khi có tích lũy vừa đủ tài chính sẽ đầu tư các khoản lớn như mua bất động sản, đầu tư kinh doanh để tạo thu nhập thụ động. Điều này sẽ phụ thuộc vào đến lúc đó hình thức đầu tư nào phù hợp nhất. “Chẳng hạn như bất động sản sẽ phải mất 2-3 năm để tích lũy mới có thể mua được bất động sản từ 2-3 tỷ đồng. Còn đầu tư kinh doanh cũng tùy quy mô như cà phê bánh sẽ mất 1-2 năm tích lũy để có vốn 500 triệu-1 tỷ đồng để mở quán”.
Từ 10-15 năm tới, gia đình Trần Trang cố gắng tự do tài chính nhờ những khoản thu nhập thụ động trên.
Đối với những bạn trẻ vừa mới lập gia đình, Trần Trang cho rằng nên áp dụng nguyên tắc ngân sách chia nhỏ thu nhập 30/50/20 để quản lý tài chính. Trong đó 30% thu nhập sẽ dành cho tiết kiệm, 50% tiếp theo dành cho nhu cầu thiết yếu và 20% cuối cùng cho nhu cầu mua sắm, du lịch, đi lại và các khoản phí cho con.