Bí mật về vụ chìm tàu của Hải quân Hoàng gia Anh được tiết lộ sau 35 năm

Hoàng Tiến |

Ngày 4-5-1982, cuộc chiến giành lại đảo Falklands giữa Argentina - Anh bước vào giai đoạn khốc liệt sau hơn 1 tháng cả hai quốc gia sử dụng lực lượng, phương tiện mạnh nhất của Hải quân và Không quân giao tranh.

Tàu khu trục HMS Sheffield là niềm tự hào của Hải quân Hoàng gia Anh khi ấy đã bị chìm rất nhanh. Bí mật về vụ tấn công tàu khu trục này đã được tiết lộ sau 35 năm.

Quần đảo Falkland, có tên tiếng Tây Ban Nha là Malvinas, nằm ở phía Nam Đại Tây Dương, cách bờ biển Nam Mỹ khoảng 460km. Falkland là lãnh thổ tự trị của Anh với Thủ phủ Stanley, nằm trên đảo Đông Falkland. Ngày 2-4-1982, quân đội Argentina xâm nhập và chiếm đóng quần đảo Falkland, trong một nỗ lực nhằm thiết lập chủ quyền mà nước này tuyên bố từ lâu.

Ngày 5-4-1982, Chính phủ Anh quốc phái một binh đoàn tác chiến hỗn hợp gọi là Lực lượng đặc nhiệm (Task Force) vượt gần 8.000 hải lý đến Nam Đại Tây Dương giao chiến với Hải quân và Không quân Argentina trước khi tiến hành một cuộc tấn công đổ bộ và chiếm lại quần đảo.

Trong giao chiến khốc liệt, tàu HMS Sheffield bị trúng một quả tên lửa diệt hạm Exocet của Argentina làm 20 thuyền viên thiệt mạng và 26 người bị thương. Đây là tàu chiến Hải quân Hoàng gia đầu tiên đã bị đánh chìm kể từ Thế chiến thứ hai.

Bí mật về vụ chìm tàu của Hải quân Hoàng gia Anh được tiết lộ sau 35 năm - Ảnh 1.

Phi công Argentina tham chiến trong cuộc chiến Falklands

Sai lầm chủ quan

Một bản báo cáo chi tiết nguyên bản của Ủy ban Điều tra vụ tàu khu trục HMS Sheffield bị đánh chìm được thông qua và dự định công bố vào năm 2012 nhưng Bộ Quốc phòng Anh đã trì hoãn công bố nó cho đến tháng 10-2017 vừa qua.

Bản báo cáo nêu rõ: Ngày 4-5-2017, trong hành trình tham gia binh đoàn tác chiến hỗn hợp, khu trục Type 42 Sheffield bị một quả tên lửa Exocets đâm vào bên mạn phải, vị trí khoảng 2,4m trên mực nước, tạo ra một lỗ cao 1,3m và dài 4,5m.

Nó đã xuyên thủng đến phòng bếp của con tàu, nơi mà 8 đầu bếp được cho là đã tử vong ngay lập tức. Lửa bùng lên trong vài giây và con tàu đầy khói. 12 người chết vì ngạt khói, trong đó có 5 người làm nhiệm vụ trong phòng máy tính của Sheffield không thể thoát ra ngoài, một số người bị bỏng nặng.

Mặc dù thủy thủ đoàn đã cố gắng xử lý đám cháy nhưng do không nhận được lệnh của chỉ huy một cách tập trung nên đám cháy gây ra thiệt hại ngoài sức tưởng tượng. Đường ống chính dẫn nước chữa cháy bị vỡ, một số máy bơm không hoạt động.

Các cửa thoát hiểm quá chật hẹp, khói bao trùm kín các khoang gây nguy hiểm ngay cả cho những người mang mặt nạ chống ngạt. Trong tình thế không thể kiểm soát được ngọn lửa, Thuyền trưởng của Sheffield, ông Sam Salt đã ra lệnh bỏ tàu.

Để xảy ra tình trạng hoàn toàn "chịu trận", không có bất cứ phản ứng gì trước đợt tấn công của Không quân Argentina, bản báo cáo đã chỉ rõ những sai lầm mang tính chủ quan như sau:

Một số thuyền viên chán nản và thất vọng vì di chuyển quãng đường quá xa. Sĩ quan chỉ huy chiến đấu rời khỏi phòng điều khiển của tàu đến uống cà phê trong phòng ăn tập thể khi Hải quân Argentina phát động cuộc tấn công, trong khi trợ lý của ông ta cũng bỏ vị trí chiến đấu lên phía mũi tàu.

Radar trên boong tàu đáng lẽ có thể phát hiện máy bay chiến đấu Super Étendard của Argentina nếu không truyền tải tín hiệu phục vụ các tàu khác. Khi tàu khu trục HMS Glasgow ở gần đó phát hiện máy bay tiếp cận đã ra cảnh báo khẩn cấp nhưng sĩ quan chỉ huy trên Sheffield đã không phản ứng kịp, một phần do thiếu kinh nghiệm nhưng quan trọng hơn là đang ở vị trí không thích hợp.

Sĩ quan phòng không được triệu hồi khẩn về phòng điều khiển nhưng không tin rằng Sheffield đang nằm trong tầm bắn của máy bay chiến đấu Super Étendard. Khi máy bay của Argentina phóng tên lửa diệt hạm ở khoảng cách có thể nhìn bằng mắt thường, các sĩ quan trên đài chỉ huy của Thuyền trưởng dường như bị "đờ ra", không thể phát lệnh cảnh báo cho toàn bộ con tàu.

Ủy ban điều tra còn phát hiện ra sai lầm của sĩ quan chỉ huy phòng không khi ông này chỉ đọc lướt qua những thông tin tình báo đánh giá khả năng tấn công của Không quân Argentina và cho rằng đó là những thông tin khó lĩnh hội.

Trong khi đoàn thủy thủ trên tàu nhận thức được mối đe dọa từ sự nguy hiểm của tên lửa Exocet thì một số người trong đó có lãnh đạo chỉ huy lại nghĩ rằng Sheffield đã vượt khỏi tầm bay của máy bay Super Étendard nhưng họ không biết rằng nó có thể tiếp nhiên liệu trên không.

Ủy ban cũng kết luận: Thuyền trưởng của Sheffield, ông Sam Salt rất ít kinh nghiệm với tàu khu trục tấn công bề mặt vì ông này chuyển sang từ vị trí chỉ huy của tàu ngầm chiến đấu.

Trong trường hợp vụ tấn công này, ông Sam Salt không thực hiện đúng chức trách của một Thuyền trưởng. Con tàu của Salt đã không ở vị trí chiến đấu, không quay tàu về hướng tên lửa để thu hẹp phạm vi tấn công và cũng không có nỗ lực nào để bắn hạ tên lửa.

Bí mật về vụ chìm tàu của Hải quân Hoàng gia Anh được tiết lộ sau 35 năm - Ảnh 2.

Phi công Argentina tham chiến trong cuộc chiến Falklands

Sự thật bị che giấu

Ngay sau khi HMS Sheffield trúng tên lửa, Hạ viện Anh yêu cầu Bộ Quốc phòng giải trình toàn bộ sự việc. Một ủy ban điều tra được thành lập để đánh giá vì sao tàu khu trục Sheffield lại dễ dàng bị đánh đắm đến vậy. Thế nhưng, những kết luận của ủy ban này bị kiểm duyệt rất kỹ, nội dung bị thay đổi theo hướng Bộ Quốc phòng Anh mong muốn.

Bản báo cáo chỉ ra rằng, hai sĩ quan chỉ huy có lỗi sơ suất, nhưng họ không bị xét xử trước toà án binh và không phải đối mặt với bất kỳ mức án kỷ luật nào. Rõ ràng việc che giấu thông tin vụ việc là để tránh làm giảm sự phấn chấn của quân đội Anh đang nắm giữ lợi thế lớn vào cuối cuộc chiến.

Đến tháng 7-1982, trong báo cáo gửi tới Tổng Tư lệnh Hải quân Đô đốc John Fieldhouse, Ủy ban điều tra cho biết họ đã kết luận, sĩ quan trực chính của Sheffield trong buồng điều khiển đã phản ứng không đúng quy chuẩn và kiến thức đào tạo.

Ủy ban cũng phát hiện ra sĩ quan phòng không đã lơ đãng vì vắng mặt thời gian khá lâu tại phòng điều khiển chiến đấu. Báo cáo ghi nhận rằng 12 phút sau khi va chạm, sĩ quan này vẫn nói rằng con tàu không bị tên lửa tấn công. Tuy nhiên, ông Fieldhouse quyết định hai sĩ quan này không phải chịu bất kỳ hình phạt nào.

Tháng 9-1982, ông John Fieldhouse gửi một bức thư tới Bộ Quốc phòng, trong đó nêu rõ: Mặc dù cả hai người đều có sơ suất nhưng không chứng minh được sự sơ suất của họ. Họ sẽ không phải đối mặt với tòa án, mức kỷ luật hoặc bất kỳ thủ tục tố tụng chính thức nào.

Thay vào đó, ông Fieldhouse quyết định nói chuyện với từng sĩ quan để đảm bảo rằng mọi người đều hiểu rõ hoàn cảnh khi đó.

Sau cuộc nói chuyện, một trong hai sĩ quan đáng ra bị kỷ luật lại được thăng cấp, bổ nhiệm làm Thuyền trưởng và phục vụ Hải quân Hoàng gia Anh 20 năm nữa. Tất cả những việc này chỉ có thể lý giải là vì tại thời điểm đó, Chính phủ Anh đang muốn bán càng nhiều càng tốt loại tàu khu trục lớp Type 42 này.

Bức thư giúp lật ngược thế cờ

Trong cuộc chiến tranh Falkland, Argentina sở hữu lực lượng không quân mạnh hơn Anh, với 400 máy bay chiến đấu, trong đó có hơn 100 chiến đấu cơ khá hiện đại gồm các loại như A4 Skyhawk và 14 chiếc Super Étendard mang tên lửa diệt hạm Exocets của nhà sản xuất Aérospatiale, Pháp.

Loại tên lửa này có khả năng gây tổn thất nặng nề cho biên đội tàu chiến mà không phải bay vào tầm hỏa lực phòng không của nó. Exocets trở thành mối nguy thực sự khi nó tiêu diệt HMS Sheffield một cách dễ dàng.

Trước tình hình này, Bộ Quốc phòng Anh đã nghiên cứu và đề ra biện pháp đối phó có thể tắt cơ chế hợp nhất của tên lửa Exocet khi nó khóa mục tiêu.

Biện pháp này ngăn tên lửa phát nổ nhưng đòi hỏi phải có dữ liệu thông tin xử lý tín hiệu, trong khi các tên lửa được sản xuất tại Nhà máy Aérospatiale ở Toulouse, Pháp và đó là những thông tin tuyệt mật không thể khai thác được. Cuối cùng để ngăn chặn Exocets tiếp tục đánh chìm các tàu chiến, biện pháp ngoại giao đã được tính đến.

Các tài liệu mật thời gian đó cũng cho thấy các nỗ lực ngoại giao căng thẳng từ phía Anh nhằm ngăn thương vụ của Chính phủ Peru mua tên lửa Exocet do Pháp sản xuất. Trong một bức điện mật gửi Tổng thống Pháp Mitterrand vào ngày 30-5-1982, Thủ tướng Anh Margaret Thatcher cho biết London mất tinh thần trước viễn cảnh tên lửa diệt hạm Exocet của Pháp sẽ sang Argentina từ Peru.

"Với tất cả lòng thành khẩn, tôi phải yêu cầu Ngài tìm các biện pháp trì hoãn giao các tên lửa trên trong ít nhất là vài tháng nữa.

Bình thường thì chúng tôi muốn các tên lửa sẽ vĩnh viễn không được gửi đi, nhưng khoảng thời gian vài tuần trong thời gian này là hết sức quan trọng đối với chúng tôi" - bà Thatcher nhấn mạnh và cũng không quên cảnh cáo - "Nếu điều này lộ ra, rõ ràng là Pháp bán vũ khí cho Peru và số vũ khí này được chuyển sang cho Argentina để chống lại chúng tôi mà Anh lại là một đồng minh của Pháp. Vì vậy điều này sẽ hủy hoại hoàn toàn mối quan hệ bang giao giữa hai nước chúng ta".

Các nỗ lực ngoại giao này đem lại hiệu quả rõ rệt vì chỉ sau đó vài ngày, lực lượng Không quân Argentina rơi vào rối loạn do thiếu vũ khí chiến đấu góp phần đem lại chiến thắng của quân đội Anh chỉ sau 2 tháng, 1 tuần và 5 ngày giao chiến.

http://anninhthudo.vn/quan-su/bi-mat-ve-vu-chim-tau-cua-hai-quan-hoang-gia-anh-duoc-tiet-lo-sau-35-nam/746221.antd

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại