Một nhóm các nhà khoa học thuộc Viện Động vật học London (ZSL) đã nghiên cứu bộ xương của những con chim khổng lồ được phát hiện trên đảo Madagascar của Ấn Độ Dương. Loài chim cao tầm 3 mét (được gọi là Aepyornis và Mullerornis) nặng gần 500 kg.
Dựa vào những mẫu xương được tìm thấy tại sông Christmas của Madagascar vào năm 2009, các nhà khoa học cho rằng những dấu tích và vết gãy trên xương là do các thợ săn thời tiền sử gây ra.
Thông qua phương pháp định tuổi bằng cacbon, các nhà khoa học phát hiện ra rằng những con chim này đã bị giết khoảng 10.500 năm trước.
Một đoạn xương của loài chim voi.
Nghiên cứu này rất quan trọng bởi theo như các nghiên cứu trước về xương các loài vượn cáo và các hiện vật khác thì con người đến Madagascar đầu tiên cách đây 2.400 đến 4.000 năm. Trong khi đó các mẫu xương của loài chim khổng lồ lại cho thấy con người đã đến hòn đảo này sớm hơn nhiều so với các nghiên cứu trước đây chỉ ra.
Các nhà khoa học đã công bố phát hiện của họ trên tạp chí Science Advances.
Nghiên cứu mới này cũng gợi lại cuộc tranh luận về việc con người có gây ra sự tuyệt chủng của loài chim khổng lồ hay không. Tiến sĩ James Hansford thuộc Viện Động vật học ZSL, cho biết “Các loài chim voi, hà mã, rùa khổng lồ và vượn cáo khổng lồ đã tuyệt chủng chưa đầy 1.000 năm trước đây.
Đã có nhiều lí giải cho sự tuyệt chủng đó, nhưng việc có hay không sự tham gia của con người thì chưa được chứng minh rõ ràng.”
Nơi tìm ra những bộ xương.
Nghiên cứu mới nhất cho rằng con người đã cùng tồn tại hàng ngàn năm trước cùng với chim voi. Hansford cho biết: “Nghiên cứu đã cung cấp bằng chứng rằng con người ở Madagascar đã tồn tại sớm hơn 6.000 năm so với nghi ngờ trước đây và vì vậy để hiểu được sự biến mất đa dạng sinh học diễn ra trên hòn đảo cần dựa trên một giả thiết tuyệt chủng khác.
Con người dường như đã cùng tồn tại với chim voi và các loài đã tuyệt chủng khác trong hơn 9.000 năm, rõ ràng có tác động tiêu cực ít nhiều đến sự đa dạng sinh học trong phần lớn thời gian đó.
Đồng tác giả của nghiên cứu, giáo sư Patricia Wright thuộc trường Đại học Stony Brook, cho biết “Vào cuối kỷ Băng hà, khi con người chỉ sử dụng công cụ bằng đá, có một nhóm người đã đến Madagascar.
Sẽ không thể biết nguồn gốc của những người này đến khi tìm thấy thêm những bằng chứng khảo cổ học, nhưng bằng chứng về gen của họ trong con người ngày nay là không thể có.
Câu hỏi vẫn chưa có lời đáp - những người này là ai? Và khi nào và tại sao họ biến mất? "
Bộ xương của loài chim voi được phục dựng.
Tại đầm lầy nơi xương được tìm thấy chứa một số lượng lớn các loài động vật cổ xưa. Các chuyên gia dự đoán rằng “điểm giết chóc” này có thể là một nơi mà con người thời tiền sử giết các con mồi, nhưng nhận định này cần thêm thời gian để xác nhận.
Các nhà khảo cổ ở Áo gần đây đã phát hiện ra một 'điểm giết chóc” khủng khiếp, nơi những người thời kỳ đồ đá tàn sát những con voi ma mút. Các nhà khảo cổ đã phát hiện ngà voi và xương tại địa điểm này. Những tàn tích này đã có từ 18.000 đến 28.000 năm trước.
Nguồn: Fox news