Mới đây, một người nông dân tên là Len McLean, 69 tuổi, sống tại Morundah, New South Wales, Úc, đã chia sẻ bức ảnh hài cốt của một con kangaroo nằm trên bãi cỏ khô ở trung tâm Riverina, New South Wales, lên mạng xã hội. Chỉ là một bức ảnh nhưng nó đã phơi bày sự thật trần trụi, tàn khốc mà quốc gia này đang phải chịu đựng.
Ông Len cho biết việc gia súc chết trong suốt tuần qua khi hạn hán kéo dài là chuyện quá đỗi bình thường. Tuy nhiên, kangaroo chết vì nguyên nhân này và còn nguyên vẹn bộ xương lại là chuyện khá hiếm gặp, bởi cáo và các loài động vật hoang dã thường khiến xương của những con vật xấu số phân tán, rải rác khắp bãi cỏ.
“Khi tôi tìm thấy nó, bộ xương vẫn còn nguyên vẹn. Tôi chỉ cần dựng đứng bộ xương lên là được. Bộ xương khá khô. Ở đây không có nhiều thức ăn và những con chuột túi chết ở khắp nơi“, ông Len chia sẻ.
Dường như, con kangaroo này đang lê lết trên thảm cỏ khô khốc không khác gì sa mạc ở New South Wales thì gục xuống do thiếu thức ăn, nguồn nước uống dẫn đến kiệt sức.
Phần thịt của nó bị những con chim ăn thịt đói khát tìm đến rỉa trụi chỉ còn bộ xương khô phơi giữa vùng đất “khát nước”.
New South Wales, Úc đang hứng chịu đợt nắng nóng nghiêm trọng nhất trong suốt 100 năm qua. Điều này khiến nước Úc chịu thiệt hại nặng nề, đặc biệt là nền nông nghiệp.
Một con cừu con đứng bên cạnh xác chết của mẹ nó tại trang trại Billaglen.
Gia súc chết do hạn hán tại đây là điều xảy ra thường ngày.
Chính quyền bang New South Wales tuyên bố vào hôm 8/8 rằng 309.000 dặm vuông tại tiểu bang này đều bị hạn hán nghiêm trọng. Ông Niall Blair, Bộ trưởng Bộ công nghiệp cho biết người nông dân tại đây đang phải chịu đợt hạn hán nặng nề nhất so với các vùng khác thuộc Nam bán cầu.
Ông nói: “Điều này thực sự rất khó khăn. Không có người dân nào trong khu vực mà không dài cổ ngóng mưa rơi xuống“.
Các bể chứa nước tại nông trại đều cạn kiệt, mùa màng thất bát khiến nhiều nông dân phải bán gia súc của họ đi.
Trước thực tế trần trụi này, ông Blair nói: “Nếu không kiểm soát tình trạng này, chúng ta sẽ thấy hàng chục nghìn con chuột túi bị đói khát, cuối cùng dẫn đến một cuộc khủng hoảng về phúc lợi động vật“.