Từ mục đích tốt đẹp…
Năm 1765, trước nạn mại dâm có chiều hướng gia tăng tại hầu hết các thành phố lớn ở Ireland, cũng như hiện tượng quan hệ tình dục ngoài hôn nhân trở nên phổ biến, Giáo hội Ireland quyết định sử dụng một khu vực trong tu viện Dublin nằm trên đường Gloucester, quận Clare, thành phố Ennis, Ireland để thành lập một trường dạy nghề giặt ủi quần áo cho những phụ nữ sẩy chân lạc lối, gọi là Phòng Magdelene (lấy tên từ một điển tích trong Kinh thánh).
Ban đầu, đa số học viên vào trường là những người tự nguyện. Họ chấp nhận ở lại nhiều năm để vừa học, vừa xa lánh những cám dỗ bên ngoài.
Phòng giặt ủi Magdelene được chính quyền thành phố Ennis hỗ trợ tài chính bằng cách giao cho nhiều hợp đồng. Bên cạnh đó, phòng còn được sự ủng hộ vật chất của các tín đồ mộ đạo.
Dần dà, Phòng Magdalene tiếp nhận thêm nhiều thiếu nữ mang hoang thai, hoặc những thiếu nữ bị cho là "quá hấp dẫn" đối với nam giới, là mầm mống của nạn hiếp dâm, bạo lực tình dục.
Nhà sử học Mark Owen giải thích: "Cụm từ "quá hấp dẫn" là cách để chỉ những cô gái phục vụ trong các quán rượu nằm dọc theo bến cảng Dublin.
Họ ăn mặc khêu gợi và bản thân họ cũng tỏ ra dễ dãi với những lời mời mọc của cánh đàn ông. Điều này đã khiến những quý bà "tiết hạnh khả phong" gai mắt và thế là họ bị đưa vào trường dạy nghề…".
Thời điểm ấy, tất cả những người ở phòng Magdalene chỉ phải làm việc khoảng 4 tiếng mỗi ngày dưới sự quản lý của các nữ tu. Họ chia thành nhiều bộ phận: Tiếp nhận quần áo bẩn, phân loại rồi chuyển sang khu giặt.
Sau khi phơi khô, quần áo được chuyển sang khu ủi và cuối cùng là bộ phận đóng gói, giao cho khách hàng.
Bên cạnh đó, còn có một bộ phận thêu ren, may áo gối, vải (drap) trải giường. Phần lớn thời gian trong ngày, họ đọc kinh cầu nguyện, ăn năn sám hối.
Nhà văn Williams Krondite trong cuốn tiểu thuyết "The Begrudge Mothers - Những bà mẹ bất đắc dĩ" đã lấy bối cảnh của phòng giặt ủi Magdalene để xây dựng các nhân vật: "Ấn tượng đầu tiên là một căn phòng lớn với trần nhà rất cao.
Trong phòng có những cái guồng sắt chạy bằng hơi nước, liên tục đập xuống những chiếc thùng ngập nước, chứa đầy quần áo bẩn. Những bộ quần áo này được đưa sang từ nhà tù Mountjoy ở gần đó.
Khoảng 30 phụ nữ, tuổi từ 15 đến 40, da xanh trắng vì có lẽ đã lâu không tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, liên tục dùng tay đảo những bộ quần áo để bảo đảm rằng nó được đập sạch như nhau…".
…đến nhà tù trá hình
Đầu thế kỷ 19, phòng giặt ủi Magdalene biến thành một nơi tương tự như trại giam. Điều hành hoạt động là một nhóm phụ nữ được chỉ định bởi chính quyền thành phố Dublin.
Học viên của phòng lúc này ngoài những người do gia đình gửi vào thì còn có những bệnh nhân ở các bệnh viện tâm thần, tù nhân ở các nhà tù, những phụ nữ làm mẹ khi chưa cưới hỏi và những người có quan hệ tình dục ngoài hôn nhân.
Họ bị buộc phải "chuộc tội" bằng việc may quần áo, thêu ren, giặt ủi trong nhiều năm và đôi khi là suốt cuộc đời dưới sự giám sát chặt chẽ của ban điều hành.
Và bởi vì học viên có cả nam lẫn nữ nên tình trạng hãm hiếp, bạo lực tình dục là chuyện thường xuyên xảy ra.
Marie Barry, một "học viên" của phòng Magdalene nói: "Chúng tôi phải làm việc cật lực mỗi ngày 10 tiếng. Ai làm không xong thì bị đánh, bị cắt phần ăn. Tất cả đều bị tước bỏ họ tên, chỉ được gọi bằng những con số.
Nhiều nam tù nhân khi được chuyển từ nhà tù Mountjoy sang đây với vai trò "trật tự viên" đã có cơ hội để tác oai tác quái. Nhiều đứa trẻ ra đời là con của những tù nhân này…".
Những người sống sót sau hơn 40 năm ở Phòng Magdalene. từ trái sang: Maureen Sullivan, Mary McManus, Kitty Jennette và Mary Smith. |
Một người sống sót khác là Marina Gambold, được một linh mục địa phương cứu thoát khi cô bị phạt bằng cách phải nằm trần truồng trong một phòng giam bề ngang 1,5m, dài 2m giữa mùa đông chỉ vì cô lỡ tay làm vỡ một cái tách uống trà ở phòng ăn.
Năm 2013, trong một cuộc trả lời phỏng vấn của Đài BBC, Marina Gambold nói: "Mỗi ngày từ 8 giờ sáng đến 6 giờ chiều, tôi phải đứng bên máy giặt. Lúc nào tôi cũng đói vì cả ngày, tôi chỉ được phát 300gam bánh mì…".
Kitty Jennette, cũng sống sót sau hơn 40 năm ở phòng Magdalene kể lại: "Mặc dù hầu hết chúng tôi đều không bị kết án về bất kỳ một tội nào, nhưng các điều kiện sống của chúng tôi chẳng khác gì nhà tù.
Chúng tôi có thể bị cạo trọc đầu, bị trói, bị biệt giam với bữa ăn chỉ có bánh mì và nước lã, bị cấm thăm viếng và không được viết thư...".
Mary Smith, cũng là một trong những người sống sót nói: "Tôi bị cưỡng hiếp và tôi đã có thai. Để che giấu, ban điều hành bắt tôi phải cắt bỏ mái tóc dài rồi đặt cho tôi một cái tên khác. Con tôi cũng được đem cho người khác.
Tôi không được phép nói chuyện với những người trong xưởng giặt. Nếu cố tình vi phạm, tôi sẽ bị đánh. Tôi không nhớ là mình đã bị đánh bao nhiêu lần vì tội này...”.
Tính đến năm 1996 - là năm phòng Magdalene bị đóng cửa, theo các tài liệu tạm thời thu thập được, đã có khoảng 30.000 phụ nữ bị đưa đến nơi này, và hơn 1.600 người đã chết, trong đó có ít nhất 796 trẻ sơ sinh, xác chỉ còn là những bộ xương, được tìm thấy trong một cái bể tự hoại lớn ở trước sân.
Ngoại trừ 796 trẻ nói trên, tất cả những người chết đều được chôn cất ở nghĩa trang Donnybrook nhưng đây không phải là nơi an nghỉ bình thường như các nghĩa trang khác vì hầu hết các ngôi mộ ở Donnybrook là mộ tập thể, và dĩ nhiên là không có bia, bên trong chứa hài cốt của những phụ nữ không tên tuổi, không ngày sinh, ngày mất.
Tấm ảnh bà Bridie Rodgers trước khi bà bị đưa vào Phòng Magdalene .
Khi việc di dời được các nữ tu dòng Đức Mẹ Từ bi tiến hành năm 1992, người ta phát hiện 155 ngôi mộ tập thể thuộc loại này. Chưa kể hơn 2.000 trẻ sơ sinh đã được đem cho các cha mẹ nuôi người Mỹ, chủ yếu là những gia đình giàu có.
Nó đã dẫn đến phản ứng phẫn nộ của người dân Ireland và các nhà hoạt động nữ quyền ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Những dấu hỏi
Khi sự thật kinh hoàng về Phòng giặt ủi Magdalene bị phát hiện, dư luận Ireland đặt câu hỏi rằng làm thế nào một tội ác có hệ thống lại tồn tại suốt 321 năm mà chẳng ai hay biết?
Nhà sử học Mark Owen sau nhiều năm tìm hiểu đã cho biết: "Phần lớn những người vào Phòng Magdalene là gái mại dâm, hoặc chửa hoang, hoặc có quan hệ tình dục ngoài hôn nhân.
Do mặc cảm và xấu hổ về quá khứ nên họ chấp nhận im lặng. Một số ít may mắn được tha thì giống như "chết sống lại". Họ không dại gì nói ra những điều mắt thấy tai nghe vì sợ lại phải bị bắt vào phòng …".
Vẫn theo sử gia Mark Owen, một nguyên nhân nữa dẫn đến tấm màn bí mật bao trùm Phòng Magdalene trong suốt 321 năm là vì hầu hết chủ nhân của các đơn đặt hàng giặt ủi quần áo, thêu ren, may bao gối từ chối không cung cấp thông tin lưu trữ cho các nhà điều tra.
Bên cạnh đó, những nữ tu dòng Đức Mẹ Từ bi tuy ở sát bên cạnh nhưng cuộc sống tu hành khép kín đã khiến họ không quan tâm đến những gì đang xảy ra ở thế giới bên ngoài.
Khi tiến hành di dời hài cốt, các nữ tu chỉ xin phép bốc 133 ngôi mộ - là những nữ tu đã chết nhưng thực tế thì khi bốc, họ phát hiện thêm 155 bộ hài cốt khác, trong đó chỉ 75 hài cốt là có giấy chứng tử.
Khi thông tin về Phòng giặt ủi Magdalene bùng nổ trên báo chí, một số phụ nữ đã từng là "học viên" bắt đầu lên tiếng, chứng thực về những gì đã xảy ra khi họ còn ở trong phòng.
Dưới áp lực của công luận, Chính phủ Ireland và Giáo hội Thiên Chúa giáo La Mã buộc phải lên tiếng, nhất là khi Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc kêu gọi Vatican cần xem xét một cách nghiêm túc về vấn đề này.
Kevin Flanagan và Marie Barry, sinh ra tại Phòng Magdalene, cắm hoa trước bia tưởng niệm những phụ nữ đã chết ở Phòng Magdalene. |
Trong lời kêu gọi của Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc có đoạn: "Các cô gái ở Magdalene đã bị tước đoạt danh tính, bị tước quyền học hành, bị cắt chế độ thực phẩm và những loại thuốc men thiết yếu, bị buộc phải im lặng và bị cấm không được tiếp xúc với thế giới bên ngoài.
Tất cả những điều ấy đã vi phạm quyền cơ bản của con người và đó là điều mà chúng ta không thể chấp nhận…".
Năm 2013, Chính phủ Ireland cho công bố một bản báo cáo, thừa nhận hoạt động của Phòng Magdalene có sự tham gia của một số cơ quan công quyền ở thành phố Dublin qua những hợp đồng giặt ủi, và sự tàn ác của những người điều hành, được bổ nhiệm bởi chính quyền Dublin.
Cũng trong năm này, Tổng thống Ireland chính thức lên tiếng xin lỗi tất cả những phụ nữ đã bị cưỡng ép vào Phòng Magdalene - dù họ còn sống hay đã chết - đồng thời tuyên bố sẽ mở ra một quỹ đền bù với 60 triệu Euro cho những người sống sót nhưng một lần nữa, chủ nhân của các đơn đặt hàng giặt ủi quần áo, thêu ren, may bao gối từ chối không đóng góp vì theo họ, họ đã trả đủ các khoản tiền công rồi!
Ngày 25-10-1996, Phòng giặt ủi Magdalene chính thức đóng cửa. Lúc ấy, 600 phụ nữ đã từng là "học viên" của Phòng Magdalene vẫn còn sống. Riêng tại phòng còn 40 phụ nữ, hầu hết đã già và nhiều người bị khuyết tật.
9 người trong số đó không biết thân nhân họ hàng của mình là ai nên xin ở lại với các nữ tu. Họ được Hội đồng y tế Dublin trợ cấp cho mỗi người 22, 50 bảng Anh mỗi tuần.
Năm 2011, một đài tưởng niệm đã được dựng lên tại quận Clare để tưởng nhớ những người đã chết trong Phòng Magdalene. Năm 2014, một số hài cốt trẻ em lại tiếp tục được tìm thấy.
Theo các chuyên gia, số hài cốt này cùng 796 bộ hài cốt khác đều là con của những phụ nữ ở Phòng Magdalene, ra đời từ hậu quả của những vụ cưỡng hiếp, hoặc chửa hoang ngoài xã hội rồi vào Phòng để tránh tai tiếng.
Và bởi vì thiếu ăn, cộng với không được chăm sóc y tế chu đáo nên những đứa trẻ ấy đều chết trước tuổi trưởng thành.
Đầu năm 2017, nhiều tranh cãi đã nổ ra xung quanh việc sử dụng Phòng Magdalene vào việc gì? Có ý kiến nên xây dựng một trung tâm bảo tàng nhưng cuối cùng, lợi ích kinh tế đã thắng.
Tháng 3-2017, Hội đồng thành phố Dublin quyết định biến nó thành một khách sạn, khép lại quá khứ đau thương kéo dài suốt 321 năm…