Bí mật đằng sau cuộc hòa giải giữa Vinasun và Grab

Quốc Chiến |

Grab đề nghị mua lại cổ phần với giá chênh lệch 65 tỷ đồng nhưng phía Vinasun không chấp nhận vì muốn "đòi lại môi trường kinh doanh lành mạnh".

Ngày 26/12, TAND TP HCM lại tiếp tục đưa vụ án tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (sở hữu thương hiệu taxi Vinasun) kiện Công ty TNHH Grab (Grab) đòi bồi thường 41,2 tỷ đồng ra xét xử sau gần 1 tháng tạm dừng.

Trước đó, hồi 30/11, khi quay lại phần xét hỏi, Vinasun và Grab đề nghị tòa tạm dừng phiên tòa, để hai bên có thời gian ngồi lại với nhau nhằm đưa ra phương án hòa giải. Sau khi hội ý, HĐXX đã quyết định tạm dừng phiên tòa theo đề nghị của 2 bên, thời gian tạm dừng không quá 1 tháng và sẽ được thông báo lịch xử sau.

"Nếu nguyên đơn muốn tiếp tục hòa giải thì chúng tôi sẽ đàm phán tiếp", đại diện Grab nói. Tuy nhiên, Vinasun khẳng định không muốn tiếp tục hòa giải. Do đó, HĐXX tiếp tục tiến hành xét xử.

Grab: "Vinasun muốn triệt tiêu cái mới"

Mở đầu phiên tòa hôm nay, hai bên đương sự cho biết việc hòa giải đã không có kết quả khi Grab muốn mua cổ phần của Vinasun với giá chênh lệch là 65 tỷ đồng nhưng hòa giải không thành.

Đại diện Grab nói: "Chúng tôi muốn ngồi lại hòa giải với nhau để hoá giải những hiểu lầm... Các bên hoà giải để tập trung vào hoạt động, để ko phải theo đuổi vụ kiện vô nghĩa này, hoá giải góc nhìn sai lệch thành mối quan hệ kinh doanh tốt đẹp.... Nhưng việc hòa giải bất thành nên đề nghị HĐXX không đề cập đến nữa".

Bổ sung thêm, luật sư của Grab trình bày: "Tôi đề nghị HĐXX không đề cập đến nội dung hoà giải vì đó là vấn đề thương mại, đảm bảo bí mật kinh doanh... Mục đích của Vinasun là muốn triệt tiêu cái mới, triệt tiêu mô hình kinh doanh mới. Đây là mấu chốt của vấn đề".

Bí mật đằng sau cuộc hòa giải giữa Vinasun và Grab - Ảnh 1.

Luật sư của Grab trình bày tại phiên xử.

Đại diện Grab cho rằng mục đích kiện tụng của Vinasun không phải vì tiền. Vì nếu là mục tiêu thương mại thì với những đề nghị của Vinasun thì Grab hoàn toàn có thể đưa ra giải pháp có lợi hơn yêu cầu của Vinasun. “Dường như Vinasun cũng không biết họ muốn gì. Họ có muốn đòi bồi thường 41,2 tỷ hay không?”, Grab đặt câu hỏi.

Trả lời HĐXX, đại diện Grab cho biết, các lái xe không thuộc thành phần người lao động của Grab mà là thuộc người lao động của các đối tác của Grab là các Hợp tác xã.

"Nếu trong trường hợp toà án cho rằng toà có thẩm quyền xem xét, thì việc xem xét đó phải khách quan toàn diện, phải có ý kiến của Bộ Giao thông vận tải. Về sự tham gia của Bộ Giao thông vận tải, chúng tôi đã đề nghị là phải có ý kiến chính thức của Bộ Giao thông vận tải về vấn đề đánh giá đề án thí điểm này.

Điều thứ hai cũng là sự quan trọng của vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại là tính chất thiệt hại nhưng cơ quan, tổ chức giám định thiệt hại lại không xuất hiện tại phiên tòa từ đầu đến giờ. 

Điều đó đã chứng tỏ, có một vấn đề gì đó, mà rõ ràng là sự xuất hiện của họ sẽ không tạo ra một sự minh bạch ở phiên xử, trong việc đánh giá xem kết luận đó có hợp lý, có đúng hay không" - Luật sư của Grab chia sẻ.

Vinasun: "Chúng tôi muốn đòi lại môi trường kinh doanh lành mạnh"

Riêng Vinasun, đại diện hãng này giữ nguyên quan điểm như những phiên tòa trước, đề nghị tòa tuyên buộc Grab bồi thường thiệt hại 41,2 tỷ đồng.

Phía Vinasun cho rằng nội dung đàm phán đưa ra không gắn với nội dung vụ án và mối quan hệ nhân quả nên không chấp nhận. "Grab đưa ra đề nghị không đúng với Vinasun nên hòa giải không thành" - ông Trường Đình Quý (Phó tổng giám đốc Vinasun) nói.

"Chúng tôi không phải vì khoản tiền đó mà mục đích khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại để làm rõ được các hành vi sai phạm trong hoạt động kinh doanh của Grab, mối quan hệ nhân quả của hành vi này với thiệt hại… 

Đây là lợi ích của đất nước, cùa quốc gia với mong muốn xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh. Vì vậy, nếu Grab đồng ý trả 41,2 tỷ, chúng tôi cũng không đồng ý" - đại diện Vinasun khẳng định.

Bí mật đằng sau cuộc hòa giải giữa Vinasun và Grab - Ảnh 2.

Phía Vinasun cho rằng muốn khởi kiện để đòi lại môi trường kinh doanh lành mạnh.

Đại diện Vinasun khẳng định việc kiện bồi thường với mục đích chính là làm rõ hành vi sai phạm của Grab để bảo vệ những doanh nghiệp làm ăn uy tín. Phía nguyên đơn nói rằng tất cả các lái xe của hãng đều được thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế, được đóng bảo hiểm y tế và xã hội.

"Chúng tôi không cần 41,2 tỷ đồng. Chúng tôi khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại nhằm muốn đòi lại môi trường kinh doanh lành mạnh. 

Liên quan tới việc Grab đàm phán mua lại cổ phần với giá chênh lệch 65 tỷ đồng là không liên quan tới vụ án vì thế chúng tôi không chấp nhận" - Ông Trương Đình Quý, Phó tổng giám đốc Vinasun thông tin.

Trao đổi với PV sau phiên xử, luật sư Lưu Tiến Dũng (bảo vệ cho Grab) nói: "Vinasun khởi kiện vụ kiện này không phải là vấn đề bồi thường thiệt hại, mà sử dụng diễn đàn của toà án này để can thiệp vào hoạt động hành pháp của cơ quan chính phủ".

Hồi tháng 6 năm ngoái, Vinasun kiện Grab "vi phạm Đề án 24 của Bộ GTVT, gây náo loạn thị trường". Theo nguyên đơn, Grab chỉ đăng ký cung cấp ứng dụng công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải, nhưng thực tế hoạt động như doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi – lĩnh vực cùng ngành nghề với Vinasun.

Vinasun cho rằng, hoạt động vi phạm pháp luật của Grab đã gây nhiều hệ lụy cho công ty này. Cụ thể, trong năm 2016 và nửa đầu năm 2017 Vinasun bị thiệt hại gần 76 tỷ đồng, trong đó do Grab gây ra là gần 42 tỷ nên yêu cầu đơn vị này bồi thường.

Phía Grab cho rằng, tòa án không có thẩm quyền giải quyết vụ kiện. Họ không thay đổi ngành nghề kinh doanh như đã đăng ký với các cơ quan chức năng là "cung ứng phần mềm kinh doanh vận tải" và không hoạt động trong lĩnh vực vận tải taxi. Mức giá Grab áp dụng cho khách hàng là do hợp tác xã đưa ra.

Nhiều lần tại tòa, Grab bác bỏ kết quả giám định thiệt hại của Vinasun mà Công ty Cửu Long đưa ra "vì không có cơ sở". Bị đơn cũng công bố nghiên cứu thị trường cho thấy Vinasun mất khách hàng đến từ nhiều nguyên nhân như: thái độ của tài xế, thời gian chờ xe lâu, chất lượng xe...

Hồi tháng 10, sau một tuần xét xử, VKS đề nghị HĐXX chấp nhận đơn kiện của Vinasun, buộc Grab bồi thường gần 42 tỷ. Tòa dự kiến tuyên án vào 29/10, nhưng sau đó bất ngờ trở lại phần xét hỏi để làm rõ thiệt hại của Vinasun.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại