Bi kịch kinh hoàng của Covid-19 ở Syria: Các bệnh viện đang rơi vào cảnh 'người trước tử vong, người sau mới tới lượt'

J.D |

Sự quá tải đang thể hiện rất rõ trong các bệnh viện của Syria - đất nước vốn đã đang kiệt quệ vì chiến tranh kéo dài.

Covid-19 là một căn bệnh nguy hiểm - đây là điều không thể phủ nhận nữa. Virus corona có khả năng lây lan nhanh, đẩy các bệnh viện vào tình trạng quá tải. 

Và một khi đã quá tải, nó dẫn đến một bi kịch: bệnh nhân phải chờ đợi người đến trước tử vong (hoặc may mắn khỏi bệnh), sau đó mới có thể sử dụng máy thở hòng cứu lấy tính mạng của chính mình.

Đây cũng chính là những gì đang xảy ra tại các bệnh viện ở Syria, nơi được đại dịch đang được nhận định ở mức độ khủng hoảng sau khi các ca nhiễm trên toàn quốc tăng mạnh trong vài tuần gần đây.

Khủng hoảng toàn diện, người trước tử vong, người sau tới lượt

Ở thời điểm hiện tại, số liệu từ Bộ Y tế Syria cho biết đất nước chính thức ghi nhận tổng cộng 112 ca tử vong vì Covid-19 kể từ tháng 3/2020, với 2765 ca nhiễm. Đáng chú ý, con số trên chỉ bằng phân nửa cách đây 3 tuần. 

Tuy nhiên các chuyên gia y tế cho biết, số liệu không phản ánh quy mô dịch bệnh thực tế trong khu vực.

Phóng viên CNN đã tiến hành phỏng vấn 3 bác sĩ giấu tên tại Damascus và Aleppo (Syria). Cả 3 cho biết, số lượng các ca nhiễm tại đây bùng nổ vào tuần cuối tháng 7. 

Bác sĩ tại Aleppo chia sẻ, bệnh viện nơi ông làm việc từ chỗ tiếp nhận chỉ 4 - 5 ca nghi nhiễm hồi tháng 4, trở nên như bị nhấn chìm với làn sóng 90 - 100 bệnh nhân mỗi ngày vào cuối tháng 7, đầu tháng 8.

Bi kịch kinh hoàng của Covid-19 ở Syria: Các bệnh viện đang rơi vào cảnh người trước tử vong, người sau mới tới lượt - Ảnh 1.

Một bệnh viện tại Syria hồi đầu tháng 3/2020.

Làn sóng bệnh nhân gia tăng dẫn đến thiếu hụt về trang thiết bị y tế, và khiến các bác sĩ phải chạy đua với thời gian để cứu lấy bệnh nhân. 

Các bác sĩ tại Damascus mô tả, ngay cả nhân viên y tế cũng hoảng loạn khi phải cố gắng đảm bảo đủ giường bệnh có trang bị máy thở cho bệnh nhân. Tình hình thậm chí còn tệ hơn, bởi các trang bị bảo hộ cho nhân viên y tế cũng không đủ.

"Các bệnh nhân thực sự phải chờ người tới trước tử vong (hoặc khỏi bệnh) mới có thể sử dụng máy thở. 

Người nhà bệnh nhân cũng tạo áp lực lên đường dây nóng của bệnh viện, yêu cầu đặt thân nhân của họ vào danh sách ưu tiên," - Ihsan (tên giả), bác sĩ tại Aleppo cho biết.

Bi kịch kinh hoàng của Covid-19 ở Syria: Các bệnh viện đang rơi vào cảnh người trước tử vong, người sau mới tới lượt - Ảnh 2.

"Trong toàn bộ đại dịch, bệnh viện chỉ trang bị cho tôi 6 chiếc khẩu trang N95, và đôi khi một ca làm của tôi kéo dài 14 tiếng liên tục," - Bác sĩ Ihsan chia sẻ. Một số bác sĩ và y tá thậm chí không đeo khẩu trang khi đang làm việc. 

"Đó là điều diễn ra hàng ngày, và thực sự là thiếu sót lớn trong công tác quản lý vì không cung cấp đủ khẩu trang. Họ cũng không thể bỏ tiền ra mua, vì khẩu trang quá đắt so với thu nhập của họ."

Tại Damascus, bác sĩ Abd (tên giả) cho biết anh thậm chí phải tự khử trùng chiếc khẩu trang vốn để dùng 1 lần của mình. 

Và đó là còn sau khi một chiến dịch truyền thông trên mạng xã hội kêu gọi các công ty dược đứng ra cung cấp trang thiết bị cho nhân viên y tế.

Dĩ nhiên, việc thiếu hụt vật tư y tế như vậy đồng nghĩa với việc Syria - đất nước vốn đã kiệt quệ vì chiến tranh kéo dài - đang mất dần y bác sĩ trong cuộc chiến chống lại virus.

Bi kịch kinh hoàng của Covid-19 ở Syria: Các bệnh viện đang rơi vào cảnh người trước tử vong, người sau mới tới lượt - Ảnh 3.

Ở thời điểm hiện tại, vẫn chưa xác minh được tổng số y bác sĩ đã thiệt mạng tại Syria kể từ đầu đại dịch. 

Tuy nhiên, có một danh sách với ít nhất 61 cái tên đang lan truyền trên các website khá tin cậy của Syria. Một quan chức y tế cấp cao tại Damascus xác nhận được vài cái tên trong đó, nhưng không bình luận gì về con số tổng.

"Các sinh mạng của những bác sĩ và y tá tốt nhất Syria đang mất dần," - trích lời Tiến sĩ Shadi al-Najjar, giám đốc Sở Y tế Damascus. Một bác sĩ khác tại Aleppo cũng xác nhận 5 cái tên trong bản danh sách trên.

"Họ bị buộc phải làm việc suốt tuần trong tình trạng nguy hiểm cao. Bản thân các bác sĩ cũng trở thành nguồn lây bệnh cho người khác," - một bác sĩ khác chia sẻ.

Theo số liệu chính thức, đã có 76 công nhân viên y tế được xác nhận dương tính với virus corona tính đến ngày 21/8, tương đương gần 4% số ca nhiễm ở thời điểm ấy.

Sự bất lực của y bác sĩ

Cơn khủng hoảng dịch bệnh và vật tư đã khiến đội ngũ y tế đất nước cảm thấy vô vọng, khi phải chứng kiến các bệnh nhân lần lượt qua đời. Đôi khi, bệnh nhân ấy cũng chính là người thân của họ.

Bác sĩ Abd kể lại một cú sốc kinh hoàng, khi anh phải chứng kiến 4 đồng nghiệp làm mọi cách cũng không thể cứu mạng sống của chính người cha của họ.

"Cảm giác tệ nhất là sự bất lực và vô vọng," - Bác sĩ Abd cho biết. "Nó khiến tôi cảm thấy lo ngại cho chính gia đình mình, khi bản thân tôi đã phải tiếp xúc với các ca nhiễm mỗi ngày. 

Tôi hoàn toàn có thể là nguồn mang virus về cho họ. Nhiều bác sĩ đã phải đưa gia đình ra khỏi Damascus."

Bi kịch kinh hoàng của Covid-19 ở Syria: Các bệnh viện đang rơi vào cảnh người trước tử vong, người sau mới tới lượt - Ảnh 4.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), việc Syria đối mặt với dịch bệnh như thế nào là một thách thức rất lớn. Khả năng xét nghiệm của họ là thấp, với chỉ 500 xét nghiệm mỗi ngày và dự tính tăng lên 3000.

Trên thực tế, đại dịch đã tấn công Syria ở thời điểm quá tệ, khi đất nước gần như đang kiệt quệ vì chiến tranh kéo dài, cùng cơn khủng hoảng kinh tế đang gia tăng. 

Tiền tệ của họ - đồng Lira đã mất giá trầm trọng trong những tháng gần đây, trong khi tình trạng thất nghiệp tăng mạnh. Dân chúng giờ còn chẳng đủ tiền để chi tiêu cho những nhu yếu phẩm cơ bản nhất.

Ban đầu để chống lại dịch bệnh, chính phủ đã phê duyệt lệnh phong tỏa toàn diện. 

Tuy nhiên trước áp lực kinh tế và bối cảnh phần lớn cư dân phải dựa vào thu nhập theo ngày, họ buộc phải mở cửa nền kinh tế, không còn cách nào khác. 

Thay vào đó, chính phủ Syria khuyến khích người dân đeo khẩu trang và duy trì giãn cách xã hội, nhưng CNN quan sát thấy việc thực thi là cực kỳ thấp.

Bi kịch kinh hoàng của Covid-19 ở Syria: Các bệnh viện đang rơi vào cảnh người trước tử vong, người sau mới tới lượt - Ảnh 5.

Hiện tại, các chuyên gia y tế Liên Hợp Quốc (UN) nhận định họ vẫn còn thời gian để san phẳng đường cong và ngăn chặn nền y tế sụp đổ, bằng cách tăng cường xét nghiệm, lần vết người nhiễm và tăng nhận thức của người dân.

"Vẫn chưa phải quá muộn để ngăn chặn Covid-19 tại Syria," - trích lời Iman Riza, Điều phối viên Lưu trú và Nhân đạo tại Syria của UN. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng quốc gia này đang dần bị dồn vào chân tường.

"Không có nổi một con phố nào tại Aleppo mà các căn nhà không có nhiều hơn 1 ca nhiễm," - Diaa, một cư dân giấu tên tại Syria cho biết. 

Chị gái của Diaa đã sớm xuất hiện triệu chứng từ đầu tháng 9, nhưng cô không được nhập viện. Khi yêu cầu được làm xét nghiệm, họ sẽ phải tới Damascus - nơi dịch bệnh đang bùng phát mạnh. Và số bộ xét nghiệm thì đang cạn dần.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại