Theo Channel News Asia, tảo hôn luôn là một vấn đề nhức nhối trong một số cộng đồng truyền thống tại châu Á như Indonesia, Ấn Độ, Pakistan...
Tuy nhiên, trong thời gian trở lại, do dịch COVID-19 hoành hành, số lượng các cô dâu “nhí” ngày càng xuất hiện nhiều hơn.
“Tất cả những nỗ lực mà chúng ta đạt được trong 10 năm qua giờ lại gặp thách thức. Tảo hôn ăn sâu vào tư tưởng của những gia đình bất bình đẳng giới tính.
Điều gì sẽ xảy ra nếu nó trở nên tồi tệ hơn trong kỷ nguyên COVID-19”, Shipra Jha – một nhà quản lý tại tổ chức phi chính phủ Girls Not Brides (lược dịch “Bé gái không phải cô dâu”) – chia sẻ.
Sự nghèo đói, tình trạng không được tiếp cận với giáo dục và cảm giác bất an là các yếu tố dẫn đến vấn nạn tảo hôn ngay cả trong thời kỳ ổn định. Chính vì vậy, các giai đoạn khủng hoảng càng làm trầm trọng thêm vấn đề.
Mỗi năm ước tính có khoảng 12 triệu bé gái dưới 18 tuổi kết hôn (Ảnh: ÀP)
Theo Liên hợp quốc (LHQ), trên thế giới mỗi năm ước tính có khoảng 12 triệu bé gái dưới 18 tuổi kết hôn.
Tuy nhiên, tổ chức cảnh báo nếu không có các hành động cấp thiết để đối phó với tác động kinh tế và xã hội do virus SARS-CoV-2 gây ra, trong 10 năm tới sẽ có khoảng 13 triệu cuộc tảo hôn xảy ra.
“Chúng ta chứng kiến sự gia tăng các cuộc hôn nhân giữa trẻ em trong thời kỳ phong tỏa. COVID-19 gây ra một lượng lớn người thất nghiệp. Các gia đình khó khăn trong việc tìm kế sinh nhai và họ nghĩ cách tốt nhất là gả những đứa con còn chưa đủ tuổi trưởng thành kết hôn”, Rolee Singh – người điều hành chiến dịch "1 Step 2 Stop Child Marriage" – cho hay.
“Thế hệ COVID”
Bé gái 15 tuổi Muskaan chia sẻ em bị cha mẹ ép lấy một thanh niên hàng xóm 21 tuổi. Cha mẹ em là công nhân vệ sinh môi trường tại thành phố Varanasi và có tới 6 người con.
“Gia đình em rất nghèo, chúng em còn có thể làm gì khác. Mặc dù em phản đối nhưng cuối cùng em phải chấp nhận”, thiếu nữ ngậm ngùi.
Tổ chức “Save the Children” đã cảnh báo tình trạng bạo lực đối với các cô dâu “nhí” có thể trở thành mối đe dọa hơn đối với các em hơn là đại dịch COVID-19.
Các nhà hoạt động học cảnh báo biện pháp phong tỏa đã buộc hàng triệu trẻ em nghỉ học. Bé gái tại các quốc gia nghèo nhất thế giới bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Chấm dứt nạn tảo hôn sẽ giúp kết thúc “vòng luẩn quẩn” nghèo đói (Ảnh: Reuters)
Đầu tháng 8 vừa qua, 275 cựu lãnh đạo toàn cầu, chuyên gia giáo dục và nhà kinh tế học kêu gọi các chính phủ và tổ chức như Ngân hàng Thế giới đảm bảo dịch bệnh COVID-19 không tạo ra “một thế hệ COVID bị mất mát về giáo dục và cơ hội bình đẳng trong cuộc sống”.
“Rất nhiều em trong những đối tượng này là các bé gái coi việc đến trường là lá chắn tốt nhất bảo vệ các em khỏi vấn nạn tảo hôn và là hy vọng cho một cuộc sống tốt đẹp sau này”, bức thư kêu gọi với nhiều chữ ký của các nhân vật có tầm ảnh hưởng như cựu Thư ký LHQ Ban Ki-moon, cựu Thủ tướng Pakistan Shaukat Aziz, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair… đề cập.
Tại Ấn Độ, các nhà hoạt động học cho biết nhiều gia đình coi tục tảo hôn là giải pháp giải quyết những khó khăn về kinh tế do dịch COVID-19 gây ra mà không nhận ra hậu quả của nó đối với các bé gái.
“Chúng ta chứng kiến trẻ em kết hôn khi các bên đề nghị trao đổi bằng tiền hoặc một hình thức giúp đỡ nào đó. Những gia đình này không hiểu định nghĩa của hành vi buôn người – và đây là một xu hướng đáng lo ngại”, nhà hoạt động Singh bày tỏ.
Chuyên gia Jha nhất trí với quan điểm sức ép kinh tế là một phần nguyên nhân gây ra vấn nạn tảo hôn, song tình trạng này còn phức tạp hơn rất nhiều, đặc biệt là ở châu Á.
"Nỗi sợ lớn nhất mà các gia đình có là các bé gái trong quá trình trưởng thành có thể tò mò về giới tính và nhiều khi gặp kết quả không mong muốn là mang thai”, bà Jha nói thêm.
Bà cho biết vấn đề trở nên trầm trọng hơn khi các chính phủ dồn nguồn lực từ các lĩnh vực phát triển quan trọng như giáo dục, kế hoạch hóa gia đình và sức khỏe sinh sản sang cuộc chiến chống COVID-19.
Cơ quan kế hoạch hóa gia đình của Indonesia cảnh báo quốc gia có thể chứng kiến sự bùng nổ số lượng trẻ sơ sinh vào đầu năm tới do trường học đóng cửa và không được tiếp cận với các biện pháp tránh thai.
Tổ chức UNICEF khẳng định chấm dứt nạn tảo hôn sẽ giúp kết thúc “vòng luẩn quẩn” nghèo đói.
"Phụ nữ được giáo dục có khả năng nuôi dưỡng và chăm sóc con cái của họ tốt hơn, từ đó chúng ta cũng sẽ có những gia đình có lối sống lành mạnh hơn, quy mô nhỏ hơn”, UNICEF kết luận.